Ngân sách Chính phủ Mỹ tiếp tục thâm hụt nặng
Chính phủ Mỹ vừa khởi đầu năm tài khóa 2010 với khoản thâm hụt ngân sách tháng 10 lên tới 176,36 tỷ USD. Thông tin trên được Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 12/11. Cách đây chưa lâu, Mỹ đã công bố mức thâm hụt ngân sách cao kỷ lục 1,4 nghìn tỷ USD cho năm tài khoá 2009.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, thâm hụt ngân sách của nước này tháng 10 vừa qua là mức thâm hụt hàng tháng cao thứ 5 từ trước đến nay. Mức thâm hụt này vượt xa mức dự báo thâm hụt 150 tỷ của giới quan sát, đồng thời cao hơn hẳn mức thâm hụt 155,5 tỷ USD của tháng 10/2008.
Báo cáo ngân sách tháng 10 của Mỹ đã cho thấy khoảng cách ngày càng gia tăng giữa số tiền mà Chính phủ nước này chi tiêu và số tiền họ thu được. Hiện tại, kinh tế Mỹ vẫn đang còn trong quá trình phục hồi khỏi giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất trong 7 thập kỷ qua.
Để cứu kinh tế thoát khỏi suy thoái, Chính phủ Mỹ đã phải chi ra những số tiền khổng lồ để kích cầu và cứu các doanh nghiệp, ngân hàng, trong khi nguồn thu từ thuế giảm sút. Theo giới quan sát, chính sự thâm hụt ngân sách như vậy đã giúp làm dịu bớt những tác động của suy thoái tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Năm tài khóa liên bang của Mỹ bắt đầu vào ngày 1/11 hàng năm. Bộ Tài chính nước này cho tới tháng 10 vừa qua, Chính phủ Mỹ đã thâm hụt ngân sách liên tục 13 tháng, đánh dấu thời kỳ thâm thủng dài nhất trong lịch sử.
Trong tháng 10/2009, chi tiêu của Chính phủ Mỹ đã giảm còn 311,69 tỷ USD từ mức 320,38 tỷ USD trong tháng 10/2008. Tuy nhiên, doanh thu lại giảm mạnh hơn, chỉ còn 135,33 tỷ USD, so với mức 164,85 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Đầu tuần này, một số thượng nghị sỹ Mỹ đã tuyên bố họ muốn đạt thành lập một ủy ban có sự tham gia của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa nhằm giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách leo thang. Những người ủng hộ nói, nếu được thành lập, ủy ban này sẽ đem đến cho Quốc hội Mỹ một "vỏ bọc" chính trị để ủng hộ những biện pháp cứng rắn nhằm đưa mức thâm hụt ngân sách liên bang về tầm kiểm soát.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, chính quyền của ông đang xem xét một số lựa chọn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chống lạm phát, bao gồm việc đầu tư vào hệ thống giao thông, cắt giảm thuế cho doanh nghiệp, lắp đặt lại hệ thống năng lượng tại các tòa nhà để tiết kiệm nhiên liệu, cùng với những biện pháp để đẩy mạnh xuất khẩu.
Mai Phương (Theo Reuters)
TBKTVN
|