Thứ Năm, 26/11/2009 08:23

Mạnh tay với thị trường ngoại tệ

Ngày 25.11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố một loạt thay đổi chính sách quan trọng để bình ổn thị trường ngoại tệ. Phóng viên Lao Động đã có cuộc trao đổi với Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu về vấn đề này.

Theo các chính sách được thay đổi, tỉ giá liên ngân hàng giữa USD và VND kể từ hôm nay (26.11) sẽ là 17.961 đồng, biên độ giao dịch giảm từ +/-5% xuống còn +/-3%. Đồng thời, lãi suất cơ bản sẽ được điều chỉnh tăng từ 7% lên 8%/năm. Mặt khác, một lượng lớn ngoại tệ sẽ được bơm vào ngân hàng từ các tập đoàn, TCty lớn của Nhà nước.

- Thưa Thống đốc, tại sao lại lựa chọn giải pháp vừa tăng lãi suất cơ bản, vừa tăng tỉ giá liên ngân hàng (NH), đồng thời giảm biên độ tỉ giá giao dịch giữa USD và VND thời điểm này?

- Đây là động thái can thiệp mạnh vào thị trường ngoại tệ và điều này tôi đã khẳng định trong cuộc họp với đại diện 5 TGĐ ngân hàng thương mại lớn và đại diện Hiệp hội Ngân hàng. Biên độ được giảm từ +/-5% xuống +/-3% và điều chỉnh tỉ giá liên NH lên 5,44%. Qua điều chỉnh này, mất giá của VND là 3,44%. Giá trần giao dịch liên NH cao nhất là 18.500VND/USD.

Tối ngày 24.11, trong cuộc họp của Chính phủ với đại diện các bộ, Chính phủ đã cân nhắc kỹ các tác động của thay đổi chính sách này. Thứ nhất, nghĩa vụ trả nợ quốc gia có tăng lên, nhưng khi nền kinh tế của ta ổn định thì nợ quốc gia sẽ giảm dần và xử lý tốt, vì nợ này thường là nợ trung và dài hạn.

Thứ hai là tác động đến doanh nghiệp (DN) đang vay ngoại tệ, nhưng mức lãi suất tổng cộng cũng chỉ là 12,7%, mức có thể chấp nhận được. Ngược lại, lợi ích đầu tiên là khuyến khích xuất khẩu mạnh hơn.

Thứ ba, khi điều chỉnh tỉ giá thì nghĩa vụ đóng thuế sẽ cao hơn, hạn chế nhập siêu ở mức nào đó. Thứ tư, là tạo ra niềm tin tốt hơn trong người dân. Chính phủ đã có sự cân nhắc rất kỹ các mặt và khẳng định điều chỉnh thời điểm này là phù hợp.

Ngân hàng Nhà nước đã công bố một loạt thay đổi chính sách quan trọng để bình ổn thị trường ngoại tệ.

- Việc sẽ có một số tập đoàn, TCty lớn của Nhà nước bán ngoại tệ cho NH liệu có phải là một hình thức kết hối không, thưa ông; và dự kiến lượng ngoại tệ có thể định lượng là bao nhiêu, có thông tin cho rằng có thể mua khoảng 5-6 tỉ USD?

- Với khả năng ngoại tệ đang có và có thể huy động thì từ giờ đến cuối năm và cả những tháng đầu năm sau thì vẫn duy trì được 12 tuần nhập khẩu, nên không có ý định kết hối. Tuy nhiên, để tránh tình trạng găm giữ ngoại tệ, Chính phủ sẽ có ý kiến để một số tập đoàn do Chính phủ chi phối bán ngoại tệ cho ngân hàng để giải quyết vấn đề. Các DN phù hợp nhất là DN xuất tài nguyên của đất nước.

Tôi cho rằng, đây cũng là trách nhiệm của các tập đoàn trước quốc gia. Chỉ có vài ba tập đoàn nhà nước có ngoại tệ lớn sẽ thực hiện điều này, còn các DN khác vẫn hoạt động bình thường. Theo tôi, nếu giải quyết được vấn đề tâm lý có thể các DN khác cũng lại đua nhau bán về cho NH.

Việc bán ngoại tệ này không phải là kết hối mà là đưa ngoại tệ luân chuyển vào hệ thống NH, sau đó DN cần có thể mua lại. Ví dụ, tập đoàn A mỗi năm có thu về 6 tỉ USD, nhưng cần giải quyết hoạt động khoảng 4 tỉ USD thì phần chênh lệch nếu để tại tài khoản sẽ làm căng thẳng thị trường, còn nếu tập trung vào NH thì luân chuyển tốt hơn.

Cái cần lúc này là để "bôi trơn". Có ý kiến mua lại 5-6 tỉ USD cũng là một con số. Hiện lượng ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi của tất cả các tổ chức, DN là khoảng 10,3 tỉ USD, hiện tôi chưa có số liệu mới nhất về lượng ngoại tệ của các tập đoàn, TCty nhà nước.

Khi can thiệp mạnh tay thì tỉ giá sẽ trở lại bình thường. Tất nhiên còn các vấn đề liên quan khác như nhập siêu. Đây là bài toán cần sự phối hợp và giải pháp đồng bộ. Chẳng hạn, Bộ Công Thương phải rà soát vấn đề nhập khẩu, hạn chế nhập siêu...

- Việc tăng lãi suất cơ bản vào thời điểm này có làm giảm ý nghĩa của chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với DN không, thưa Thống đốc?

- Năm 2005, kinh tế Việt Nam rất tốt thì lãi suất cho vay cao nhất là 15,6%, lãi suất cho vay bình quân là 10,55%/năm. Năm 2006 lãi suất cho vay cao nhất cũng là 15,6%, lãi suất cho vay bình quân là 11,5%.  Năm 2007 lãi suất cho vay cao nhất là 16,2%, lãi suất cho vay bình quân là 11,89%. Đến nay nếu lãi suất cơ bản 8%, cho vay tối đa 12% thì không phải là khác biệt lớn.

Theo tôi, việc hỗ trợ nền kinh tế nên giảm dần để tăng sức cạnh tranh là điều bình thường. Trong cuộc họp tối 24.11, Bộ trưởng Bộ KHĐT Võ Hồng Phúc khẳng định việc tăng lãi suất không ảnh hưởng nhiều tới tăng trưởng.

Về lạm phát 2009, theo số liệu tháng 11 công bố hai địa bàn chính là HN, TPHCM thì tổng thể không lớn. Năm nay lạm phát kiểm soát được tốt. Việc tăng lãi suất cơ bản có thể cấu thành nên giá tăng, nhưng DN sẽ tự cân đối được để đảm bảo tính cạnh tranh. DN phải tiết kiệm chi phí, sử dụng hiệu quả đồng vốn hơn. Tác động của tăng lãi suất đến giá tiêu dùng theo tôi là không đáng kể.

- Xin cảm ơn Thống đốc!

Lao động

Các tin tức khác

>   Người mua vàng vẫn tràn đầy niềm tin giá còn tăng (25/11/2009)

>   Giá vàng tiếp tục tăng vọt do Ấn Độ tính mua thêm (25/11/2009)

>   Sàn vàng đua nhau tăng giá (25/11/2009)

>   Giá vàng tăng theo giá thế giới là bình thường (25/11/2009)

>   Giá vàng thế giới tiếp tục phá vỡ mọi kỷ lục  (25/11/2009)

>   Can thiệp mạnh vào thị trường ngoại tệ (25/11/2009)

>   Giá vàng lên 28,9 triệu đồng mỗi lượng (25/11/2009)

>   Thị trường vàng và USD: Sóng ngầm! (25/11/2009)

>   Sáng 25/11, USD có dấu hiệu hạ sốt (25/11/2009)

>   Ngân hàng Taipei Fubon đủ điều kiện cung ứng dịch vụ ngoại hối (25/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật