Thứ Bảy, 21/11/2009 07:18

Kế hoạch lớn của Trung Quốc ở Châu Phi

Một hoạt động của FOCAC 2009.

Trung Quốc không chỉ nhắm tới nguồn tài nguyên khoáng sản tài nguyên khoáng sản mà còn tính đến sức sản xuất lẫn thị trường tiêu thụ của lực địa đen.

Kết thúc Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) lần thứ 4 tại khu nghỉ mát Sharm El-Sheikh trên bờ Hồng Hải thuộc Ai Cập đầu tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố trong vòng ba năm tới sẽ dành cho châu lục này 10 tỉ đô la Mỹ vốn vay lãi suất thấp để xây dựng hạ tầng cơ sở, trong đó có 100 dự án năng lượng do các công ty Trung Quốc thực hiện. Khoản cam kết này lớn gấp đôi cam kết của ba năm vừa qua là 5 tỉ đô la Mỹ, thể hiện mối quan tâm ngày càng lớn của Trung Quốc tại châu Phi.

Trước đó, hôm 20/10, sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Ngô Bang Quốc với ông Kenneth Marende, Chủ tịch Quốc hội Kenya, Trung Quốc tuyên bố xóa bỏ 150 khoản nợ đáo hạn mà chính phủ 32 quốc gia châu Phi đã vay trước đây. Những cuộc gặp cấp cao kiểu này giữa lãnh đạo Trung Quốc và các nước châu Phi diễn ra thường xuyên, ít nhất một cuộc mỗi tháng, làm dấy lên cuộc tranh luận trong giới quan sát về ý đồ của Trung Quốc tại châu lục này.

Cho tới nay, dư luận rộng rãi cho rằng, Trung Quốc đang ra sức cưỡng đoạt nguồn tài nguyên năng lượng và khoáng sản vốn rất phong phú ở châu Phi để cung cấp cho sự tăng trưởng công nghiệp chóng mặt của Trung Quốc. “Lâu nay vẫn có những lời cáo buộc rằng Trung Quốc đến châu Phi để cướp bóc tài nguyên và thực thi chính sách thực dân mới. Theo quan điểm của tôi, lời tố cáo đó hoàn toàn không có cơ sở”, ông Ôn Gia Bảo nói trong cuộc họp báo ở Ai Cập. Dù tin hay không vào lời tuyên bố của nhà lãnh đạo Trung Quốc, có một thực tế khá rõ rằng Trung Quốc nhìn thấy ở châu Phi cái mà nhiều nước phương Tây không thấy: bên cạnh nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, châu Phi là một thị trường tiêu thụ khổng lồ và một nguồn lực sản xuất chưa khai thác hết.

Thương mại giữa châu Phi và Trung Quốc đã tăng tới 45% trong năm ngoái, và tăng gấp 10 lần so với năm 2000, hiện ở mức 107 tỉ đô la Mỹ và kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới sau khi Trung Quốc quyết định áp dụng thuế suất 0% cho 95% các dòng sản phẩm nhập khẩu từ các nước nghèo nhất châu Phi. Theo giới quan sát, hoạt động thương mại Trung - Phi chủ yếu xoay quanh việc Trung Quốc nhập khẩu khoáng sản châu Phi, từ dầu mỏ của Angola, Sudan đến quặng đồng Congo, bauxite của Guinea và xuất khẩu sang châu Phi hàng tiêu dùng giá rẻ.

Nhưng châu Phi có khả năng trở thành thị trường tiêu thụ không thua kém Ấn Độ - được coi là thị trường có tiềm năng tiêu thụ lớn nhất trong tương lai. Theo tuần báo Time số ra ngày 16/11, tính gộp tất cả các nước, kinh tế châu Phi có mức tăng trưởng tương đương Ấn Độ, khoảng 6 - 7% trong thập niên qua, và khoảng 3 - 4% trong năm nay. Mức thu nhập bình quân đầu người của châu Phi tương đương với Ấn Độ và cũng như Ấn Độ, dân số châu Phi tăng lên khá nhanh, sẽ bắt kịp Trung Quốc trong vài năm tới.

Theo nhà kinh tế Vijay Mahajan, tác giả cuốn “Châu Phi đang nổi lên” (Africa Rising), ở châu Phi có từ 50 đến 150 triệu người thuộc lớp “tinh hoa kinh tế”, có sức mua tương đương với tầng lớp trung lưu ở phương Tây; có 350 - 500 triệu người có sức mua tương đương người Trung Quốc hoặc người Ấn Độ, là nhóm khách hàng mà các công ty phương Tây đang ra sức lôi kéo. Những người châu Phi này có việc làm ổn định, muốn uống Coca-Cola, xài điện thoại di động, khao khát mua xe hơi hoặc xe gắn máy…

Phương Tây thường tập trung chú ý vào một nửa châu Phi đang sống dưới ngưỡng nghèo đói và tiến hành nhiều chương trình nhân đạo từ thiện; Trung Quốc thì nhìn vào nửa châu Phi còn lại – những người sẽ mua quần áo, giày dép, xe máy, hàng điện tử của Trung Quốc. Thông qua các ngân hàng quốc doanh và các tập đoàn xuất khẩu, Bộ Thương mại Trung Quốc cung cấp tín dụng ưu đãi, tài trợ xuất khẩu và miễn giảm thuế cho các công ty quốc doanh nước này xây dựng cơ sở kinh doanh tại châu Phi. Bên cạnh các tập đoàn xây dựng và khai khoáng, các công ty bán lẻ và sản xuất công nghiệp của Trung Quốc ở châu Phi cũng nhận được nhiều chính sách ưu đãi và khuyến khích của nhà nước.

Để đối lấy viện trợ và cho vay hào phóng của Trung Quốc, các chính phủ châu Phi ngoài việc phải ủng hộ Trung Quốc tại các tổ chức quốc tế như Liên hiệp quốc, còn phải giành cho các doanh nghiệp nước này sự ưu đãi trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên, và tiếp cận thị trường tiêu dùng địa phương. Với tư cách là những thuộc địa cũ của phương Tây, các nước châu Phi được hưởng nhiều ưu đãi khi xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu và Bắc Mỹ và điều đó đã không lọt khỏi con mắt các doanh nhân Trung Quốc đang muốn tận dụng lợi thế này để đưa hàng hóa vào các thị trường phương Tây.

Tại Ai Cập, nền kinh tế phát triển nhất của khu vực Bắc Phi, doanh nghiệp Trung Quốc được tạo mọi điều kiện thuận lợi để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường khác, dưới xuất xứ “Made in Egypt” (sản xuất tại Ai Cập) nhằm hưởng những chính sách ưu đãi thuế quan và tránh mối ác cảm của người tiêu dùng đối với hàng hóa “Made in China” (sản xuất tại Trung Quốc).

Hàng dệt may Trung Quốc “sản xuất tại Ai Cập”

Với giá lao động rẻ, chính sách khuyến khích đầu tư và xuất khẩu không hạn chế, Ai Cập đã trở thành địa điểm lý tưởng để một công ty dệt may Trung Quốc sản xuất hàng may sẵn nhằm tránh sự cạnh tranh quyết liệt ở thị trường trong nước, và giành lợi thế so với các đối thủ từ Bangladesh, Việt Nam và Campuchia.

Tập đoàn Dệt Nile do Trung Quốc làm chủ đã xây dựng nhà máy trong khu kinh tế tự do Port Said, nhìn ra bờ bắc kênh đào Suez nối từ Hồng Hải ra Địa Trung Hải. Nhà máy có 600 công nhân, 20% trong số đó là người Trung Quốc, phần còn lại là người Ai Cập.

Giá nguyên liệu và nhân công đều rẻ, điều kiện xuất khẩu thuận lợi đã giúp tập đoàn này dễ dàng tiếp cận các thị trường nước ngoài. Tập đoàn được nhập khẩu miễn thuế 60% lượng nguyên liệu căn bản cần cho việc sản xuất; sản phẩm được xuất khẩu ra ngoài Ai Cập, chủ yếu là sang Mỹ. Phần lớn các sản phẩm quần áo giá rẻ này bây giờ mang dòng chữ “Made in Egypt”.

“Các khu kinh tế tự do của Ai Cập được phép xuất khẩu hàng hóa đi khắp thế giới gần như không bị hạn chế”, ông Mohammed Abdel Samie, Giám đốc hành chính Khu kinh tế Port Said cho biết. Tiền lương công nhân ở đây cũng thấp, đủ sức cạnh tranh với tiền lương của công nhân Trung Quốc, kể cả khi công nhân Ai Cập được lãnh tiền thưởng vào cuối tháng. “Trong các nhà máy trả lương cố định, chúng tôi được lãnh tối đa từ 700 đến 800 bảng Ai Cập, tương đương 130 - 150 đô la Mỹ mỗi tháng. Ở công ty này, tiền lương có khá hơn”, ông Mansur al-Said, Quản đốc phân xưởng, cho biết.

Thái Bình

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Các tin tức khác

>   Kết thúc đàm phán Doha giúp phục hồi kinh tế (20/11/2009)

>   Hầu hết thế giới tăng trưởng, phục hồi trong năm tới (19/11/2009)

>   6 dấu hiệu cảnh báo của một cuộc suy thoái kép (18/11/2009)

>   Định vị Trung Quốc trên bản đồ toàn cầu (17/11/2009)

>   GDP của Nhật tăng trưởng 1.2% trong quý 3, Nikkei xanh màu (16/11/2009)

>   "Nền kinh tế thế giới cho phép lạc quan thận trọng" (15/11/2009)

>   Kinh tế châu Âu chính thức thoát khỏi suy thoái (13/11/2009)

>   Xuất khẩu kéo Eurozone ra khỏi suy thoái, GDP Q3 tăng 0.4% (13/11/2009)

>   WB: Châu Á trước nguy cơ phát triển quá nóng (13/11/2009)

>   Kinh tế Đức tăng tốc, GDP quý 3 tiến 0.7% (13/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật