6 dấu hiệu cảnh báo của một cuộc suy thoái kép
(Vietstock) – Nền kinh tế Mỹ đã thực sự bước vào giai đoạn phục hồi nhưng nhiều nhà kinh tế vẫn tỏ ra lo ngại về khả năng rơi vào một cuộc suy thoái khác.
Liệu phục hồi có chuyển thành suy thoái?
Đa số nhà kinh tế đều đồng ý rằng kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn phục hồi, nhưng thắc mắc lớn nhất hiện nay là liệu đà phục hồi này có được duy trì.
Được biết, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ 3.5% trong quý 3, nhưng bất chấp dấu hiệu đầy khả quan này, vẫn còn tồn tại lo ngại liệu nền kinh tế có lại quy đầu đi xuống vào đầu năm 2010 hay không?
Cũng chính những lo lắng này đã thôi thúc các nhà kinh tế kêu gọi nên có thêm một gói kích cầu khác vào đầu năm tới để vực dậy thị trường lao động vốn vẫn còn đang vật lộn với nhiều khó khăn. Băn khoăn lớn lúc này là nếu nền kinh tế rơi tiếp vào một chu kỳ suy giảm thì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ dùng công cụ gì để đối phó.
Theo các nhà kinh tế, nếu Mỹ rơi vào suy thoái kép thì khó lòng mà thoát ra được. Vì thế, tình hình sẽ như thế nào nếu quan ngại này thực sự xảy ra? Sau đây là 6 chỉ báo kinh tế cơ bản đang được quan tâm sát sao nhưng kèm với đó là cái nhìn hơi bi quan. Các số liệu này đều đã có cải thiện đáng kể trong những tháng vừa qua nhưng nếu chúng đi sai hướng một lần nữa thì đó lại là thông tin xấu.
1. Việc làm
Tỷ lệ thất nghiệp Tháng 10 chạm mức cao 26 năm tại 10.2%, vượt cả mức 10% từng thu hút được sự chú ý của đông đảo dư luận và Nhà Trắng. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả bởi họ còn chú ý đến bản báo cáo việc làm trong lĩnh vực dịch vụ, được xác định dựa trên cuộc khảo sát của các nhà tuyển dụng về số người đang có nghề nghiệp ổn định.
Số liệu này đạt được bước tiến đáng kể so với thời điểm Tháng 1, khi đó có 741,000 người bị mất việc. Nhưng trong Tháng 10, các nhà tuyển dụng tiếp tục cho 190,000 người lao động nghỉ việc. Con số này cao hơn so với mức trung bình hàng tháng trong suốt cuộc suy thoái năm 2001.
Theo nhiều nhà phân tích, tăng trưởng việc làm sẽ trở lại vào đầu năm 2010. Tuy nhiên, nếu thất nghiệp tiếp tục leo thang vào năm tới thì kinh tế Mỹ có thể bị rơi vào suy thoái lần 2. Ngoài ra, nếu số việc làm bị cắt giảm gia tăng trở lại, thì một loạt hoạt động kinh tế sẽ rơi vào vòng xoáy sụt giảm mạnh hơn như doanh số bán lẻ, giá nhà ở và doanh số bán ô tô. Qua đó khiến làn sóng lo lắng càng dâng cao.
2. Doanh số bán lẻ
Chỉ báo kinh tế này đã và đang bộc lộ một số dấu hiệu hồi sinh trong thời quan gần đây, thể hiện qua việc doanh số bán lẻ (trừ ôtô) đã được điều chỉnh theo yếu tố thời vụ, đạt tăng trưởng trong 4/5 tháng liên tiếp.
Tuy vậy, Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia (NRF) dự báo, doanh số bán trong suốt mùa mua sắm nhân kỳ nghỉ lễ quan trọng tới giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một mùa Giáng sinh với doanh số bán khả quan hơn mong đợi sẽ có tác dụng rất lớn trong việc tháo gỡ những lo lắng đang bao trùm. Nhưng trong bối cảnh tín dụng bị thắt chặt, thất nghiệp tăng cao và người tiêu dùng có việc làm ổn định vẫn “thắt hầu bao”, một số chuyên gia lo lắng rằng doanh số bán lẻ có thể khiến nền kinh tế thất vọng. Thêm vào đó còn gây ra một số khó khăn cho nhà bán lẻ lẫn doanh nghiệp sản xuất.
Vì chi tiêu tiêu dùng chiếm tới 70% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nên đây là một nhân tố then chốt đối với sự phục hồi mạnh của nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế cấp cao David Wyss tại Tập đoàn Standard & Poor's nhận định: “Nếu không may người tiêu dùng chưa chịu chi tiêu trong mùa Giáng sinh này, nhiều khả năng chúng ta sẽ quay trở lại với suy thoái.”
3. Dầu
Một số người cho rằng sự hỗn loạn của các thị trường tài chính mùa thu năm 2008 đã đẩy nền kinh tế vào giai đoạn suy giảm tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng. Nhưng tác động của cơn sốc giá dầu đầu mùa hè 2007 lên người tiêu dùng thậm chí còn ghê gớm hơn. Được biết, khi đó giá dầu bay lên mức kỷ lục 145 USD/thùng.
Tuy nhiên, khi kinh tế toàn cầu rơi vào trì trệ, nhu cầu tiêu thụ dầu cũng sụt giảm khiến giá mặt hàng này lao dốc theo.
Vì thế, đối với nhiều người Mỹ, một sản phẩm phụ tích cực của cuộc suy thoái vừa qua chính là việc giá dầu sụt giảm gần 75% giá trị trong giai đoạn từ Tháng 7-Tháng 12/2008.
Dầu trở lại tăng giá trong năm nay, chủ yếu nhờ vào kỳ vọng suy thoái toàn cầu sẽ sớm kết thúc. Mặc dù giá dầu có thể không “test” các mức cao mới trong ngắn hạn, nhưng vẫn có một số dự đoán rằng dầu có thể chạm mức 100 USD/thùng vào năm tới nhờ lực cầu gia tăng.
Do nhiều người tiêu dùng chỉ có thể cắt giảm lượng xăng dầu chi tiêu ở một chừng mực nhất định nên một cơn sốt giá dầu nữa có thể cuỗm mất số tiền mà họ dành để chi tiêu vào các hàng hóa cũng như dịch vụ khác.
Ngoài ra, giá dầu cao còn làm gia tăng chi phí doanh nghiệp, buộc các công ty phải cắt giảm hoạt động đầu tư và ngay cả sa thải nhân viên.
4. Ôtô
Không có ngành công nghiệp nào bị tác động nặng nề như ngành ô tô trong cuộc suy thoái vừa qua. Một số tên tuổi trong ngành như Toyota cũng bị thua lỗ, còn hai đại gia yếu sức nhất là General Motors (GM) và Chrysler buộc phải phá sản.
Dù vậy, bức tranh về doanh số ô tô trở nên sáng sủa hơn trong các tháng vừa qua. Doanh số bán Tháng 10 gần như không đổi, một dấu hiệu đầy khích lệ bởi doanh số bán trong tháng này không bị thúc đẩy giả tạo bởi chương trình “Đổi xe cũ lấy tiền mặt” của Chính phủ. Các nhà chế tạo xe hơi thậm chí còn tăng gia sản xuất trong quý tư này để có sản phẩm cung ứng cho các đại lý.
Đa số các dự đoán đều cho rằng ngành công nghiệp ô tô ghi nhận sự cải thiện khiêm tốn trong năm 2010. Tuy nhiên, ngành này lại phụ thuộc vào đà phục hồi của nền kinh tế vốn đang tìm cho mình chỗ đứng vững. Nếu thất nghiệp tiếp tục leo thang và tín dụng vẫn bị thắt chặt, ngành này sẽ có một năm làm ăn thất bác và thua lỗ trên diện rộng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc có thêm nhiều nhà máy bị đóng cửa, nhiều công nhân bị mất việc và đây thực sự là một đòn giáng nặng nề lên nền kinh tế.
5. Nhà ở
Nguyên nhân sâu xa của cuộc Đại suy thoái chính là sự bùng nổ của các “bong bóng tài sản” xuất hiện từ năm 2007. Giá nhà sụt giảm, gây tổn thất nặng nề đối với hệ thống tài chính và làm chấn động các tổ chức trong ngành trên toàn cầu cũng như sự thịnh vượng của người Mỹ. Điều đó giải thích tại sao sự cải thiện trong doanh số bán nhà và giá nhà tăng lại quan trọng đối với đà phục hồi của nền kinh tế.
Một điều đáng mừng là doanh số bán nhà đã tiến triển rất đều đặn trong phần lớn thời gian của năm nay, và có thể giá nhà ở đã chạm đáy. Tuy nhiên, một số người lại tranh luận rằng giá nhà vẫn còn quá cao so với thu nhập, tức vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ giảm giá.
Chương trình tín thuế cho người mua nhà và lãi suất thế chấp thấp cũng có thể ủng hộ cho thị trường nhà ở, nhưng cả hai chương trình này đều sắp hết hạn.
Bên cạnh đó, xuất hiện mối quan ngại về hiện tượng gọi là nhà tồn kho ngầm đến từ số nhà bị tịch thu do vỡ nợ chưa được tung ra thị trường. Một khi số nhà này được đưa vào kinh doanh, thị trường có thể gánh chịu áp lực về giá nặng nề hơn. Đó là lý do tại sao nhiều người cho rằng thị trường nhà đất vẫn đang trong tình trạng rất mong manh.
Và nếu sự ấm lên của thị trường nhà đất chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, thì quá trình phục hồi của nền kinh tế cũng không thể thoát khỏi số phận tương tự.
6. Chứng khoán
Thị trường chứng khoán thường được xem là chỉ báo hàng đầu của nền kinh tế. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc thị trường có thể tăng trưởng trước bất kỳ đợt phục hồi nào của nền kinh tế khi giới đầu tư tin tưởng vào tương lai sáng sủa hơn.
Các chỉ số chính phục hồi mạnh kể từ khi chạm mức thấp 12 năm hồi đầu Tháng 3 và giúp thị trường giành lại phần lớn giá trị đã mất trong cuộc khủng hoảng tài chính mùa thu năm ngoái. Dù vậy, giá trị của ba chỉ số chính vẫn còn thấp hơn so với các mức trong giai đoạn tiền suy thoái.
Rất nhiều chuyên gia thị trường lo lắng rằng giá cổ phiếu đã tăng quá nhanh và quá xa so với sự cải thiện thực sự của lợi nhuận và doanh thu doanh nghiệp. Một đợt điều chỉnh của thị trường nhiều khả năng không gây ra tâm lý sợ hãi về một cuộc suy thoái khác. Tuy nhiên, một thị trường giá giảm mới (tức đã đánh mất đi giá trị 20% so với các mức hiện nay) sẽ là một cú sốc nặng nề nữa đối với hệ thống tài chính. Từ đó dẫn đến những trở ngại đáng kể đến nền kinh tế vẫn còn rất dễ bị tổn thương.
“Sự sụp đổ tín dụng hậu bong bóng thường dẫn đến sự bất ổn và yếu kém về kinh tế. Tôi tin là nhà đầu tư không thể phá sạch hàng ngàn tỷ USD và thị trường sẽ trở lại bình thường.”, nhận định của chuyên gia kinh tế đồng thời là nhà chiến lược của Ngân hàng Đầu tư Gluskin Sheff.
Phạm Thị Phước (Theo CNN Money)
|