IMF: ‘Carry Trade’ hưởng lợi từ lãi suất thấp của Mỹ
(Vietstock) – Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết mức lãi suất thấp kỷ lục của Mỹ đang tiếp sức cho hoạt động “carry trade” toàn cầu và đồng USD vẫn còn được định giá quá cao do giới đầu tư ngày càng lo ngại về sự mất cân bằng mới đang bắt đầu hình thành trong hệ thống tài chính.
Theo báo cáo của IMF được công bố ngày 07/11: “Có nhiều dấu hiệu cho thấy hiện tại đồng USD đang giữ vai trò huy động vốn cho hoạt động carry trade. Những hoạt động này có thể góp phần gia tăng sức ép lên đồng EUR và các giỏ tiền tệ của một số thị trường mới nổi. Mặc dù, đã tiến gần sát tới mức cân bằng trong trung hạn, nhưng đồng USD vẫn còn mạnh và nắm lợi thế.
Việc nhà đầu tư có khả năng vay mượn với lãi suất gần 0% khiến một số nhà kinh tế lo ngại rằng thị trường có thể trở nên hỗn loạn khi nhà đầu tư đổ dồn vốn vào tài sản rủi ro hơn. Nouriel Roubini, nhà kinh tế học trong năm 2006 đã đưa ra dự báo chính xác về cuộc khủng hoảng tài chính, phát biểu hôm 04/11 rằng giới đầu tư đang khai thác tối đa lợi thế của các hoạt động carry trade.
Boris Schlossberg, Giám đốc nghiên cứu của sàn giao dịch tiền tệ trực tuyến GFT Forex tại New York, cho biết: “Mức lãi suất thấp của Mỹ nhiều khả năng vẫn được duy trì ít nhất là trong sáu tháng đầu năm 2010, do đó tạo điều kiện cho nhà đầu tư có thêm thời gian để tiếp tục thực hiện các hoạt động “carry trade”. Thị trường việc làm tại Mỹ vẫn còn gặp rất nhiều trở ngại, và tình trạng này tại các quốc gia còn lại trên thế giới đang được cải thiện nhanh hơn. Đồng USD vẫn còn là một mắc xích yếu kém trong nền kinh tế.”
Sự trượt dài của đồng USD
Đồng USD giảm khoảng 13% so với các loại giỏ tiền tệ khác lớn trong vòng bảy tháng qua. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán MSCI toàn cầu tăng 60% kể từ Tháng 3 và giá đường cũng tăng mạnh 90% trong năm nay.
Sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào hôm 04/11, các quan chức FED nhắc lại ý định vẫn giữ nguyên mức lãi suất “thấp đặc biệt” trong “một thời gian dài.”
Ngoài ra, kỳ vọng FED tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất trong năm tới càng được củng cố bởi số liệu mà Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 06/11 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp Tháng 10 của Mỹ tăng lên mức 10.2%. Được biết, đây là lần đầu tiên tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vượt quá 10% kể từ năm 1983.
Trong hoạt động “carry trade”, nhà đầu tư vay một đồng tiền với mức lãi suất thấp để đầu tư vào tài sản có mức lợi nhuận cao hơn. Lãi suất cơ bản của Nhật hiện đang đứng ở mức 0.1%, gần bằng mức thấp 0% của Mỹ so với 7% của Nam Phi và 2.5% của New Zealand, khiến cho đồng JPY và USD trở thành mục tiêu của các nhà đầu tư đang tìm kiếm nguồn vốn cho hoạt động “carry trade.”
Marc Chandler, Trưởng nhóm Chiến lược tiền tệ toàn cầu của Tập đoàn Brown Brothers Harriman tại New Jork, cho rằng hoạt động carry trade sử dụng đồng USD có thể tiếp tục trong các tháng tới, đồng thời dự đoán đồng bạc xanh của Mỹ sẽ tiếp tục mất giá.
Tâm lý ưa rủi ro
Ông Chandler nói: “Yếu tố bất lợi trong hoạt động carry trades đồng USD là liệu nhà đầu tư có còn tâm lý ưa rủi ro nữa hay không.”
IMF cho biết: “Tỷ giá hối đoái của đồng EUR đang nắm giữ lợi thế về mức cân bằng.”
Các chuyên gia của IMF nhận xét: “Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc sụt giá trong điều kiện thực tế cùng với đồng USD và vẫn bị đánh giá rất thấp so với triển vọng trung hạn.”
Trung Quốc giữ nguyên tỷ giá khoảng 6.83 so với đồng USD kể từ Tháng 07/2008 sau khi Chính phủ cho phép đồng Nhân dân tệ tăng 21% trong ba năm trước. Việc tăng giá bị tạm ngưng để giúp duy trì ngành xuất khẩu trong bối cảnh suy thoái toàn cầu.
Trả lời phỏng vấn trên Bloomberg vào ngày 06/11, ông Zhou Xiaochuan, Thống đốc ngân hàng Trung ương của Trung Quốc, cho biết: “Sức ép từ cộng đồng quốc tế về việc chấp thuận đồng Nhân dân tệ tăng giá không phải là lớn,” đi ngược với các lời kêu gọi tăng giá Nhân dân tệ từ Châu Âu và Nhật.
Uy Danh (Theo Bloomberg)
|