Xu hướng M&A trong ngành công nghệ lại trỗi dậy
Thung lũng Silicon yên ắng khoảng một năm nay, gần đây bỗng trở nên sôi động với những thương vụ mua bán và sáp nhập (Merge & Acquisition – M&A). Giá trị bằng tiền của các vụ sáp nhập lúc này không nhỏ nhưng lại không lớn bằng nỗi khao khát tăng trưởng của các doanh nghiệp. Ngành công nghệ lao đao vì khủng hoảng kinh tế đang có những dịch chuyển.
Trong vài tuần trở lại đây, Jon A. Woodruff, người phụ trách hoạt động hợp nhất và thâu tóm tại chi nhánh của ngân hàng Goldman Sachs ở thành phố San Francisco (Mỹ), nhận thấy bầu không khí đang thay đổi ở Thung lũng Silicon.
Các công ty công nghệ đang tăng cường các vụ thỏa thuận mua bán lẫn nhau sau một năm tương đối yên tĩnh. Chỉ trong vòng 21 ngày, Goldman phải xử lý ba thương vụ lớn: eBay bán Skype, Adobe mua Omniture và Dell thâu tóm Perot Systems. “Người ta có vẻ sẵn sàng trút hầu bao để mua những tài sản mà họ xem là phù hợp,” ông Woodruff nhận định.
Thời điểm bước ngoặt
Sự sôi động nói trên báo hiệu một sự thay đổi rộng lớn hơn: xu hướng M&A đang quay trở lại ngành công nghiệp công nghệ. Theo Thomson Financial, ba tuần đầu tiên của tháng Chín vừa qua chứng kiến các thương vụ M&A có tổng giá trị lên đến 19,3 tỷ đô-la Mỹ, tăng 2,5 tỷ đô-la so với tháng Tám và 11 tỷ đô-la so với tháng Chín năm ngoái.
Sự khởi sắc của hoạt động M&A trong lĩnh vực công nghệ đang được thúc đẩy bởi một suy nghĩ chủ đạo: tình trạng tồi tệ nhất của cuộc suy thoái đã qua và giờ là lúc chuẩn bị cho những thời điểm tốt đẹp hơn. Các nhà kinh tế và những chuyên gia khác cho biết nhiều công ty đã trì hoãn đầu tư công nghệ vào thời điểm khó khăn.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, họ có thể sẽ tăng cường chi tiêu nhằm tạo ra tăng trưởng. Mark M. Zandi, nhà kinh tế trưởng của công ty Moody’s Economy.com, dự báo rằng chi tiêu công nghệ ở Mỹ sẽ tăng 4% vào năm 2010 và 10% vào năm 2011 sau khi sụt giảm 10% trong năm nay. “Tôi nghĩ chúng ta đang ở thời điểm bước ngoặt của lĩnh vực công nghệ,” chuyên gia này cho biết.
Một trong những động lực cho các vụ M&A hiện nay là niềm khao khát có được sự tăng trưởng. Nhiều tập đoàn máy tính lớn đang vật lộn với tình trạng doanh số và lợi nhuận sụt giảm khi người tiêu dùng và doanh nghiệp hoãn mua sắm máy tính mới và xem việc nâng cấp phần mềm là một điều xa xỉ.
Bên cạnh đó, các công ty này cũng buộc phải giảm giá máy tính và những thiết bị liên quan để cạnh tranh với những sản phẩm rẻ hơn được sản xuất tại các nền kinh tế có chi phí thấp. Vì thế, các công ty công nghệ nóng lòng muốn mở rộng sang những dòng sản phẩm và thị trường mới để tạo sự tăng trưởng.
Đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh
Bên cạnh đó, một số công ty công nghệ tiến hành hoạt động M&A nhằm đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh và phát triển thị trường. Chẳng hạn như việc mua Omniture sẽ giúp hãng Adobe mở rộng sang lĩnh vực phân tích web, nơi nhu cầu đang gia tăng đối với những chương trình theo dõi lưu lượng truy cập trang web và cải thiện quảng cáo trực tuyến. Trong khi đó, thương vụ mua Sun Microsystems với giá 7,4 tỷ đô-la sẽ giúp công ty phần mềm Oracle tăng cường sự hiện diện trong thị trường phần cứng máy tính.
Các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn và công ty phần mềm phân phối sản phẩm trên web được dự báo là đối tượng của nhiều vụ M&A trong thời gian tới. Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng các công ty quản lý dữ liệu và các công ty phần mềm cỡ vừa và nhỏ cũng có thể là mục tiêu.
Riêng Sebastian Thomas, Giám đốc nghiên cứu công nghệ của công ty RCM Capital Management, dự báo rằng sự phát triển của những công nghệ mới, như điện toán đám mây, sẽ thúc đẩy các tập đoàn như Cisco hoặc EMC bỏ tiền mua những công nghệ quản lý hệ thống, mạng và lưu trữ.
Một lĩnh vực khác cũng thu hút nhiều sự quan tâm của các đại gia là dịch vụ công nghệ thông tin. Về cơ bản, các công ty dịch vụ công nghệ thông tin cung cấp mọi thứ, từ tích hợp hệ thống máy tính cho đến tư vấn công nghệ thông tin. Bằng cách thâu tóm doanh nghiệp thuộc loại này, các công ty công nghệ không chỉ bán sản phẩm cho khách hàng mà còn tinh giản tiến trình kinh doanh và quản lý hệ thống công nghệ của họ.
Hãng Hewlett-Packard đã khởi đầu cho xu hướng M&A trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin vào năm ngoái khi mua công ty Electronic Data Systems Corp với giá 13,9 tỷ đô-la. Vào tháng Chín vừa qua, xu hướng này nóng lên khi Dell công bố kế hoạch mua Perot Systems với giá 3,9 tỷ đô-la và Xerox mua Affiliated Computer Services với giá 6,4 tỷ đô-la.
Giá trị bằng tiền của các thương vụ M&A ngày nay thường không rẻ chút nào và không phải lúc nào cũng mang đến thành công. Chuyên gia Thomas Ivey của công ty Skadden, Arps, Slate, Meagher & Flom LLP. cảnh báo: “Luôn có rủi ro khi một công ty mua một doanh nghiệp nằm bên ngoài lĩnh vực kinh doanh chủ chốt của mình.”
Chẳng hạn như khi mua Skype, eBay có ý định tận dụng số lượng người sử dụng khổng lồ của dịch vụ điện thoại Internet này. Tuy nhiên, kế hoạch này không thành và eBay đang buộc phải bán lại Skype.
Tương tự, Peter Bell, thuộc công ty đầu tư mạo hiểm Highland Capital Partners, cho rằng: “Nếu bạn đang theo đuổi những thị trường mới, sản phẩm mới, khách hàng mới, sẽ luôn có rủi ro chờ đón bạn. Tuy nhiên, nếu không có rủi ro, phần thưởng nhận được sẽ không nhiều.”
Th. Phương (Theo Time, BusinessWeek)
TBKTSG Online
|