WB có thể cạn nguồn tài chính chỉ trong một năm
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick cảnh báo nguồn tài chính của tổ chức cho vay quốc tế này có thể cạn kiệt trong vòng một năm, nếu nhu cầu cấp vốn do khủng hoảng tiếp tục ở mức cao kỷ lục trong khi các nước giàu không chịu đóng góp nhiều hơn.
Phát biểu ngay trước cuộc họp thường niên của WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) diễn ra tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 5/10, ông Zoellick cho biết WB đã triển khai mức cho vay kỷ lục 33 tỷ USD trong tài khóa vừa kết thúc vào tháng 6 và chuẩn bị cho vay thêm 40 tỷ USD trong năm nay.
Hiện tại, WB đã cung cấp 100 tỷ USD cho các nước có thu nhập trung bình, còn các nước nghèo nhất được nhận các khoản vay của WB ở các mức và lãi suất khác nhau.
Ông Zoellick khẳng định: đến giữa năm tới, WB sẽ phải đối mặt với tình trạng eo hẹp tài chính nghiêm trọng. Nếu điều này xảy ra, WB có thể phải viện đến chế độ phân bổ đóng góp tài chính.
WB đang tìm cách giúp đỡ các nước nghèo và đang phát triển, thông qua các khoản cho vay lãi suất thấp, tín dụng ưu đãi không tính lãi để chi trả cho các dự án đầu tư vào giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, cơ sở hạ tầng, quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và lĩnh vực nông nghiệp.
Theo ông Zoellick, những người ở tận cùng của bậc thang kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng xấu nhất.
Ông cũng nhận định: nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước có thu nhập thấp, vẫn phải chịu nhiều thiệt hại khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu, kiều hối sụt giảm, ngành du lịch bị đình trệ và đầu tư của nước ngoài giảm sút.
Ông kêu gọi các nước phát triển trợ giúp cho những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất tại các quốc gia có thu nhập thấp và nhấn mạnh việc giúp đỡ các nền kinh tế đang phát triển vì lợi ích chung của mọi quốc gia trên thế giới.
Cũng tại cuộc họp trên, Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế (IMFC) thuộc Quĩ tiền tệ quốc tế (IMF) đã chấp nhận kế hoạch kích thích tăng trưởng kinh tế bền vững của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20).
Theo đó kế hoạch sẽ bắt đầu được khởi động bằng cam kết duy trì và tăng cường sự hợp tác giữa các nước, tạo ra một cơ hội duy nhất nhằm định hình lại nền kinh tế thế giới hậu khủng hoảng, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới về sự hợp tác điều hành nền kinh tế toàn cầu.
Giám đốc IMF, ông Dominique Strauss-Kahn cũng kêu gọi các nước thành viên tăng đóng góp tài chính cho thể chế tài chính này để có thể bảo đảm tài trợ đủ cho các nước đang gặp khó khăn.
Cũng nhằm mục đích giúp các nước nghèo, Anh và Pháp ngày 3/10 đã tuyên bố mỗi nước sẽ đóng góp 2 tỷ USD thông qua quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF. Đây là cơ sở để IMF có thể hỗ trợ các nước nghèo - những "nạn nhân vô tội" của cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Cơ quan viện trợ quốc tế của Anh Oxfam thậm chí còn kêu gọi các nước phát triển chuyển giao một nửa trong tổng số SDR của họ (khoảng gần 90 tỷ USD) cho các nước nghèo, một phần trong chương trình cung cấp tài chính phát triển mở rộng.
Vietnam+
|