Tình hình KT - TC thế giới từ ngày 24/09 - 01/10/2009
Trong tuần, Chính phủ và Ngân hàng trung ương (NHTW) các nước công bố các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho thấy kinh tế các nước tiếp tục có những chuyển biến tích cực; Quỹ Tiền tệ quốc tế điều chỉnh tăng triển vọng kinh tế thế giới; Thị trường chứng khoán Mỹ, Anh, Nhật Bản đều giảm.
- Kinh tế Mỹ: chính phủ có kế hoạch rút dần các chính sách kích thích tài khoá và tiền tệ nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu phục hồi kinh tế:
+ Các cơ quan chính phủ Mỹ đang cố gắng cân bằng mục tiêu đảm bảo phục hồi kinh tế sau sự suy giảm, khủng hoảng tài chính với việc xoá bỏ dần các chính sách kích thích kinh tế đúng lúc để tránh sự gia tăng của lạm phát và lãi suất vay vốn. Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ cắt giảm các khoản vay hỗ trợ vốn đối với các tổ chức tài chính dưới hình thức đấu giá, dự kiến đến tháng 1/2010, lượng vốn hỗ trợ giảm xuống còn 100 tỷ USD từ mức 450 tỷ USD. Bộ Tài chính cũng tuyên bố đã bắt đầu quá trình rút một số chương trình hỗ trợ khẩn cấp nằm trong gói giải cứu trị giá 700 tỷ USD.
+ Nguyên Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Alan Greenspan dự báo trong 6 tháng tới, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng với tốc độ từ 3-4% (tính theo năm), sau đó tăng chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao.
+ Trong tuần từ ngày 24/9 đến ngày 1/10/2009, các nhà chức trách Mỹ làm thủ tục sáp nhập, giải thể thêm 1 ngân hàng, nâng tổng số ngân hàng bị giải thể ở nước này từ đầu năm 2009 tới nay lên con số 95 ngân hàng. Ngân hàng phải đóng cửa trong tuần này là ngân hàng Georgian tại bang Georgia.
- Tại châu Âu, giá nhà tại Anh tăng mạnh, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Ý tiếp tục tăng, số người thất nghiệp tại Đức chưa có dấu hiệu giảm:
+ Tại Anh, giá nhà trong tháng 9/2009 tăng mạnh nhất trong vòng 2 năm qua do niềm tin thị trường bất động sản hồi phục.
+ Tại Ý, chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 9/2009 tăng lên mức 113,6 từ mức 111,8 của tháng 8/2009.
+ Theo Cơ quan Lao động liên bang Đức, thị trường lao động tại nước này chưa có nhiều cải thiện thể hiện qua số người thất nghiệp trong tháng 9/2009 đã tăng thêm hơn 10 nghìn người.
- Tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương, kinh tế Trung Quốc tiếp tục có thêm dấu hiệu tích cực, Hàn Quốc có kế hoạch tăng chi tiêu để tạo thêm việc làm và hỗ trợ người có thu nhập thấp, sản lượng ngành công nghiệp chế tạo của Nhật Bản tăng mạnh nhưng lo ngại nguy cơ giảm phát, thâm hụt ngân sách tại Úc trong năm tài khoá kết thúc vào ngày 30/6/2009 thấp hơn mức dự kiến:
+ Tại Trung Quốc, ngành sản xuất của nước này trong tháng 9/2009 tiếp tục mở rộng nhờ biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ và tăng trưởng tín dụng cao, thể hiện qua chỉ số PMI (Purchasing Managers’ Index) tăng lên 54,3 từ mức 54 của tháng 8/2009, mức cao nhất trong vòng 17 tháng qua .
+ Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch tăng chi tiêu 2,5% trong năm 2010 nhằm tạo thêm việc làm và hỗ trợ những người có thu nhập thấp. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính và Chiến lược Hàn Quốc, chi tiêu của chính phủ sẽ tăng lên mức 291,8 nghìn tỷ uôn (tương đương 245,5 tỷ USD) và nợ công của nước này dự tính sẽ ở mức khoảng 36,9% GDP trong năm 2010.
+ Theo Bộ Thương mại Nhật Bản, sản lượng ngành công nghiệp chế tạo của nước này tháng 8/2009 tăng 1,8% so với tháng 7/2009, tuy nhiên chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2009 của Nhật Bản giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2008 khiến các cơ quan chức năng lo ngại tình trạng giảm phát kéo dài có thể cản trở sự phục hồi kinh tế của nước này.
+ Theo Bộ trưởng Tài chính Úc, thâm hụt ngân sách nước này trong năm tài khoá kết thúc vào ngày 30/6/2009 ở mức 27,1 tỷ đô la Úc (tương đương 23,1 tỷ USD), thấp hơn mức dự báo đưa ra hồi tháng 5/2009. Doanh số bán lẻ và tín dụng ngân hàng tại Úc trong tháng 8/2009 cũng tăng cho thấy kinh tế nước này đang cải thiện.
- Chủ tịch NHTW Châu Âu nhận định hiện tại vẫn còn quá sớm để chính phủ các nước cắt giảm các biện pháp kích thích kinh tế và tuyên bố khủng hoảng đã qua.
- Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cảnh báo Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những bất ổn lớn ngay cả khi nước này phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng.
- Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định các quốc gia châu Á đang phục hồi nhanh hơn các quốc gia phát triển như Mỹ và khu vực đồng Euro. Do đó chính phủ các nước châu Á có thể xoá bỏ dần các chính sách kích thích kinh tế hiện tại sớm hơn.
- Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) điều chỉnh tăng triển vọng kinh tế thế giới năm 2009, 2010, đồng thời nhận định kinh tế thế giới thoát khỏi suy thoái là nhờ hiệu quả của các gói kích thích kinh tế được triển khai ở nhiều nước cùng với sự gia tăng cầu của khu vực châu Á. Theo đó, năm 2009, kinh tế toàn cầu giảm 1,1%, kinh tế Mỹ giảm 2,7%, khu vực đồng Euro giảm 4,2%, Nhật Bản giảm 5,4%, Trung Quốc tăng 8,5%. IMF dự báo năm 2010 kinh tế thế giới sẽ tăng 3,1%, Mỹ tăng 1,5%, khu vực đồng Euro tăng 0,3%, Nhật Bản tăng 1,7% và Trung Quốc tăng 9%.
Diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới:
- Thị trường chứng khoán thế giới từ ngày 23/9 đến ngày 30/9 có xu hướng giảm: Chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ giảm 0,37% xuống còn 9712,28 điểm, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,11% xuống còn 5133,9 điểm, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,29% xuống còn 10133,23 điểm.
- Đồng USD tăng giá so với một số đồng tiền mạnh, vàng giảm giá : Từ ngày 24/9 đến ngày 1/10, đồng USD tăng giá 1,18% so với đồng EUR, tăng giá 2,6% so với đồng GBP và giảm 0,55% so với JPY. Giá vàng thế giới tại thời điểm 15 giờ ngày 1/10 ở mức 1.007,2 USD/ounce, giảm 0,54% so với ngày 24/9. Giá dầu thô ngày 30/9 trên sàn NYMEX giao dịch ở mức khoảng 70,46 USD/thùng, giảm 2,5% so với ngày 23/9.
- Lãi suất đồng USD trên các thị trường liên ngân hàng thay đổi nhẹ: So với ngày 23/9, lãi suất Libor kỳ hạn qua đêm đồng USD giảm từ mức 0,215%/năm xuống mức 0,21125%/năm; lãi suất Sibor kỳ hạn qua đêm của đồng USD tăng từ mức 0,22%/năm lên mức 0,22333%/năm. Lãi suất Libor kỳ hạn qua đêm của đồng EUR tăng từ mức 0,28125%/năm xuống mức 0,45625%/năm.
SBV
|