Thứ Bảy, 03/10/2009 12:01

Chứng khoán châu Á: liệu bong bóng có nổ?

Trong sáu tháng qua, các thị trường chứng khoán thế giới đã trình diễn một cuộc hồi phục ngoạn mục sau vụ sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers tháng 9 năm ngoái, nhưng không ở đâu cuộc đua tăng giá cổ phiếu thể hiện rõ hơn ở châu Á.

Cơn khát cổ phiếu

Các thị trường chứng khoán châu Á, ngoài Nhật Bản, không chỉ vượt qua mức điểm đầu năm nay mà còn vượt qua đỉnh điểm đạt được trước những ngày cuối tuần đen tối tháng 9-2008. Tính từ đầu năm đến nay, các chỉ số chứng khoán chính của Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore đã tăng hơn 50%, các thị trường nhỏ hơn như Indonesia, Việt Nam và Sri Lanka đã tăng hơn 75%, chỉ số Sensex của Ấn Độ cũng tăng 72%, cao hơn 20% so với mức đỉnh điểm trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính.

Thị trường chứng khoán các nước Mỹ Latin cũng có mức tăng ấn tượng nhưng không bằng châu Á. Châu Âu, Mỹ và Úc thì tụt lại khá xa. Chỉ số Dow Jones của Mỹ chỉ tăng 10% trong năm nay và còn thấp hơn 15% so với mức đỉnh điểm tháng 9 năm ngoái. Các chỉ số chứng khoán chính của Anh, Đức và Pháp tăng được 15% trong năm nay, chỉ số của Úc và New Zealand vẫn còn thấp hơn mức trước khi Ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ.

Không chỉ tăng điểm, châu Á còn có nhiều doanh nghiệp chào sàn hơn những nơi khác. Cho đến thứ Năm tuần trước, Trung Quốc đã có 57 công ty phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) trong năm nay - trong đó có hai vụ IPO lớn nhất thế giới, thu về 21,8 tỉ đô la Mỹ. Theo Công ty Tư vấn Dealogic, riêng số vụ IPO của Trung Quốc đã chiếm tới 52% tổng số vụ IPO toàn cầu trong năm nay.

Ông Markus Rosgen, trưởng bộ phận chiến lược vùng của tập đoàn ngân hàng Citigroup tại Hồng Kông, nhận định: “Đang có một nỗi khát khao cổ phiếu châu Á không thỏa mãn được. Đây quả là điều đáng kinh ngạc”.

Bong bóng - có hay không?

Những diễn biến gần đây làm nhiều nhà phân tích lo ngại về một quả bong bóng chứng khoán nhưng một số người khác không hoàn toàn bi quan. Họ cho rằng, đà tăng giá chứng khoán châu Á, ngoài Nhật Bản, diễn ra trên bối cảnh kinh tế sáng sủa hơn nhiều so với các khu vực khác nên khả năng hình thành bong bóng và vỡ bong bóng là không lớn.

Trong khi châu Âu và Mỹ rơi vào suy thoái kinh tế tiếp theo cuộc khủng hoảng tài chính thì các nền kinh tế lớn châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tiếp tục tăng trưởng. Lợi thế của châu Á còn ở chỗ các định chế tài chính châu Á dính líu rất ít hoặc không liên can gì tới sự sụp đổ tín dụng thế chấp bằng bất động sản ở Mỹ, là cái đã kéo các định chế tài chính như Lehman Brothers và các ngân hàng lớn khác xuống vực.

Paul Schulte, trưởng bộ phận nghiên cứu đa chiến lược của Công ty Tài chính Nomura tại Hồng Kông, nhận xét: “Châu Á chưa bao giờ bị khủng hoảng ngân hàng và nhiều ngân hàng khu vực này nằm trong số các định chế tài chính có tiềm lực tốt nhất thế giới”.

Bên cạnh tính thanh khoản dồi dào của hệ thống ngân hàng, thị trường châu Á còn được hỗ trợ bởi những gói kích thích kinh tế lớn; và trong trường hợp Trung Quốc, còn có sự bùng nổ tín dụng từ hoạt động cho vay hào phóng của các ngân hàng quốc doanh. Ông Wai Ho Leong, nhà kinh tế của Công ty Tài chính Barclays Capital ở Singapore, cho rằng các biện pháp kích cầu và tăng tín dụng ở châu Á có tính “tích cực” (aggressive) nhất thế giới. Tất cả những điều đó “tạo ra một tác động kích thích đối với việc định giá tài sản”, ông Leong nói.

Tại các thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến, những hạn chế về ngoại hối cũng có vai trò trong việc làm tăng giá cổ phiếu. “Có một dòng tài sản khổng lồ bị thắt nút cổ chai ở Trung Quốc đang cần có nơi để đầu tư”, ông Schulte của Công ty Nomura nói. Chỗ đầu tư đó chủ yếu là thị trường chứng khoán. Chỉ số chứng khoán Thượng Hải tăng tới 80% trong bảy tháng đầu năm nay trước khi giảm xuống trong gần hai tháng qua.

Những biện pháp an toàn

Để làm nguội bớt cơn sốt giá cổ phiếu, gần đây Trung Quốc đã quyết định “mở cửa” cho hoạt động IPO nhằm cung cấp nhiều hàng hóa hơn cho thị trường chứng khoán và cho mở sàn giao dịch dành riêng cho các công ty mới khởi nghiệp tại Thâm Quyến vào tháng tới. Sàn này, có tên là Thị trường Doanh nghiệp Tăng trưởng (Growth Enterprise Market), có mô hình tương tự sàn Nasdaq của New York và sàn UpCOM của Việt Nam.

Nếu như những sự thay đổi chính sách không đủ sức làm giảm giá cổ phiếu thì theo giới quan sát vẫn còn những yếu tố khiến cho cuộc đua giá chứng khoán ở châu Á sớm dừng lại: sự phục hồi của kinh tế thế giới sẽ không diễn ra nhanh chóng mà có lúc trồi lúc sụt, làm giảm niềm lạc quan của nhà đầu tư; đồng đô la Mỹ sẽ mạnh lên làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản bên ngoài nước Mỹ, trong đó có chứng khoán châu Á.

Vì vậy, theo ông Schulte, về lâu dài nguy cơ bong bóng chứng khoán châu Á là có thật nếu tình trạng thanh khoản vẫn dư thừa như hiện nay, còn theo ông Rosgen của Citigroup, đừng ngạc nhiên nếu đà tăng giá chứng khoán châu Á sẽ bị đảo ngược trong vòng sáu tháng tới.

Phương Huỳnh

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Chứng khoán TG kết thúc tuần điều chỉnh: Còn đó những lo âu  (03/10/2009)

>   Tình hình KT - TC thế giới từ ngày 24/09 - 01/10/2009 (02/10/2009)

>   CK Châu Á giảm bởi hệ lụy từ tỷ lệ thất nghiệp Mỹ (02/10/2009)

>   Người giàu nhất Trung Quốc có 5,1 tỷ USD (02/10/2009)

>   Anh đối mặt nguy cơ căng thẳng tín dụng mới (02/10/2009)

>   Ngày 01/10, chứng khoán thế giới lùi bước trong quan ngại (02/10/2009)

>   Mất 7 tỷ USD, Bill Gates vẫn giàu nhất Mỹ (01/10/2009)

>   CK Châu Á trượt dốc trong khi Châu Âu tăng vọt (01/10/2009)

>   Giám đốc ngân hàng lớn nhất nước Mỹ sắp mất chức  (01/10/2009)

>   WB đối mặt với những khó khăn về tài chính (01/10/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật