Thở với vàng
Hai năm qua, 90% nhà đầu tư không giữ được vốn, theo quan sát của giám đốc một sàn vàng. Có người thua lỗ bạc tỉ, có người tự tử, nhưng ánh kim lấp lánh từ các đợt biến động giá vàng vẫn thu hút các nhà đầu tư.
Lúc nào cũng kè kè chiếc máy tính xách tay bên người để theo dõi giá vàng, nhưng bà H. – nhà đầu tư gắn bó với sàn vàng ACB – không quen đặt lệnh qua internet. Mỗi lần mua hay bán, bà viết lên mẩu giấy và đưa nhân viên nhập lệnh. Bà H. ngụ ở Tân Bình, ngoài 40 tuổi, là nhân vật được nhiều người trên sàn vàng biết đến. Chưa tham gia bất kỳ khoá học nào về đầu tư nói chung và đầu tư vàng nói riêng, bà H. tỏ ra tự tin khi nói: “Cứ vào chơi rồi thị trường sẽ dạy mình. Các bản tin phân tích thị trường cũng chẳng đúng, vì nhiều lần tôi đánh theo mà không trúng”. Cơ sở để bà H. ra quyết định là ra sàn, nhìn giá vàng nhảy múa trên bảng điện.
Chờ thị trường dạy…
Số lượng nhà đầu tư theo học thị trường như bà H. không hiếm. Học phí phải trả cho trải nghiệm thị trường tuỳ biến theo số vốn bỏ ra. Giám đốc một sàn vàng (không muốn nêu tên) tiết lộ, có đến 95% nhà đầu tư vàng đã thua lỗ trong suốt thời gian hai năm ông làm quản lý sàn vàng. “Tôi chưa gặp một người nào nguyên vẹn tài sản khi bước ra khỏi sàn vàng”, ông nói.
Không có kiến thức đầu tư, các bài học cơ bản về cắt lỗ, rút lui dù ai cũng nằm lòng nhưng lại khó tuân thủ. Không lạ khi vị giám đốc sàn vàng nhận xét, khá nhiều nhà đầu tư sau khi lỡ mua vàng giá cao, chấp nhận tiếp tục cuộc chơi hòng gỡ cho tới khi không còn khả năng chơi nữa.
Thua lỗ hơn chục tỉ đồng trong đợt vàng dao động dưới 20 triệu đồng lên mức 23 triệu đồng mỗi lượng, bà H. ôm chăn chiếu lên sàn vàng, đánh trận cuối. Vài ngày sau, vắng bóng bà, các nhà đầu tư cho hay, bà ta hết vốn, bỏ thành phố về quê. Gọi điện thoại, mất gần mấy phút bà nấc mà không nói được gì. Sau cùng, bình tĩnh lại, bà mới nói trong sự tiếc nuối: “Giá như không nộp tiền vào tài khoản giữ trạng thái mà cứ để sàn vàng xử lý tài khoản ngay từ đầu thì tôi không mất nhiều như thế này”. Bà cho hay, nếu được quay trở lại, bà không chọn đầu tư vàng. Bài học đầu tư mà “thị trường sẽ dạy” cho bà H. là như vậy.
Mất mát với bà H. có thể rất lớn, nhưng vẫn chưa trở thành thảm kịch. Sau đợt sốt vàng từ 700 USD mỗi ounce hồi tháng 9.2007 leo dần lên ngưỡng 1.000 USD vào tháng 3.2008, hai nữ nhân viên làm việc tại chi nhánh một tỉnh miền Đông của một ngân hàng cổ phần đã tự tử, sau khi thua lỗ gần 1.000 lượng vàng “tạm mượn” của ngân hàng.
Thua lỗ gần 1,5 triệu USD trong đợt trên, nhà đầu tư Thành quyết định bỏ sàn vàng. Hơn một năm đã qua, nhưng ông Thành vẫn còn áp lực phải chịu lúc đó. Ông kể lại, có lúc đang dẫn vợ con đi chơi nghe tin vàng tăng giá ông cũng vội bỏ về đặt mua đặt bán. Ông Thành cho biết, việc ông thất bại không cản được những người khác, trong đó có người bạn của ông tiếp tục lao vào sàn vàng.
Ông Lâm Minh Chánh, giám đốc công ty cổ phần Vàng thế giới nói: “Đầu tư vàng là kinh doanh ngắn hạn, phải biết lời là hữu hạn, lỗ là vô hạn. Không thắng nổi tâm lý sợ thua, đó là cái mà nhà đầu tư thường rơi vào nhất”.
Do chênh lệch múi giờ, nên thời gian tập trung theo dõi của dân đầu tư vàng trong nước chủ yếu từ đầu giờ chiều cho tới rạng sáng, thời điểm diễn ra giao dịch ở Ấn Độ, Âu châu và Mỹ. Có người vừa ăn, vừa dán mắt vào màn hình khi không tìm được người tin cậy trực thay. Các nhà đầu tư vẫn kháo nhau chuyện ngủ quên bị mất tiền, cũng có khi gặp may.
Một nhà đầu tư tên Kim cho biết đã cài phần mềm báo động khi tới mức giá định trước. Có lần ông này nhận định thị trường sẽ giảm, nên định vay bán trước rồi mua lại sau. Cũng may là ông ngủ quên và khi thức dậy giá vàng thế giới đã từ mức 995 USD/ounce vọt lên 1.018 USD/ounce.
Ai là người thắng?
Ông Lê Tuấn Lam Anh là một trong số rất ít nhà đầu tư được các sàn vàng giới thiệu trúng được con sóng vàng vừa qua. Theo lời nhà đầu tư đã tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Pháp, ông đang là giám đốc một doanh nghiệp sản xuất cao su nhưng giao hết công ty cho người em quản lý để tập trung đầu tư vàng.
Ông tâm sự: “Không có kiến thức thì trước sau gì cũng thua. Có kiến thức mà không có kinh nghiệm cũng chưa chắc thắng”. Có lẽ vì vậy mà nhà đầu tư này cho hay, ông có sáu cộng sự giúp phân tích thị trường. Trải nghiệm nhiều, nên ông khá kiên định khi ra quyết định và quan trọng hơn là tuân thủ kỷ luật cắt lỗ, bởi còn vốn thì còn cơ hội. Phiên ngày 15.10, giá vàng thế giới ở mức 1.062 USD/ounce, kết quả phân tích cho thấy có khả năng giá vàng điều chỉnh về 1.057 USD rồi mới giựt lên mức 1.071 USD/ounce.
Đúng như nhận định, ông mua 100 lượng khi giá vàng hạ, nhưng bất ngờ giá giảm tiếp xuống mức 1.045 USD/ounce. Kinh nghiệm mách bảo khi giá giảm quá nhanh mà không có thông tin cụ thể gì sẽ quay đầu lên lại. Cho dù thông tin các trang web nước ngoài bắt đầu bình luận giá vàng sẽ có thể giảm mạnh, ông vẫn quyết định giữ và chốt lời ở mức 1.059 USD/ounce.
Có kiến thức, có nhóm phân tích, nhưng nhà đầu tư này vẫn tìm sự trợ giúp tinh thần ở thuật phong thuỷ như xem giờ, mặc quần áo phù hợp ngũ hành. Vậy mà nhà đầu tư từng bỏ số tiền không nhỏ để nghe tỉ phú Warren Buffett nói chuyện vẫn trả học phí khoảng bốn tỉ đồng cho những ngày mới gia nhập giới đầu tư vàng.
Trường hợp của ông Lam Anh nằm trong số 5% giữ và gia tăng được vốn trên sàn vàng mà vị giám đốc sàn vàng cho hay. Thắng thua trên sàn vàng không chỉ phụ thuộc ở nhận định, sự tình cờ của giấc ngủ quên mà còn vào độ ổn định của sàn vàng. Giới đầu tư vẫn nhớ nhiều vụ khiếu nại sập sàn đúng lúc cần mua hay bán.
Tuy nhiên, chiếu theo hợp đồng do sàn vàng soạn sẵn, gần như không có điều khoản nào để nhà đầu tư có thể dựa vào để bảo vệ quyền lợi. Cũng như thời kỳ đầu của thị trường chứng khoán, vẫn có các xầm xì về lệnh ưu tiên, thường thì ở các sàn mà chủ sàn có nghiệp vụ tự doanh. Với những nhà đầu tư cá nhân, để có được đồng lãi từ đầu tư vàng là một việc khó khăn, dù việc bán mua khá dễ và thuận tiện chỉ sau một lần nhấp chuột.
Hồng Sương – Thu Hằng
Sài Gòn Tiếp thị
|