Thứ Năm, 22/10/2009 14:34

Đâu là điểm dừng?

Từ ngày 2-9 giá vàng bất ngờ tăng mạnh và liên tục thiết lập những kỷ lục mới. Đầu tiên giá vàng đã lập “đỉnh” mới trong năm 2009 là 1.024 đô la Mỹ/ounce vào ngày 17-9. Sau đó, “thừa thắng xông lên” vàng phá luôn kỷ lục này vào ngày 6-10, đồng thời vượt qua luôn mức cao nhất của mọi thời đại 1.030 đô la Mỹ/ounce đối với vàng giao ngay đạt được từ ngày 17-3-2008 và đóng cửa ở mức 1.043 đô la Mỹ/ounce.

Giá vàng - kỷ lục của kỷ lục

Vẫn chưa dừng lại ở đó, liên tiếp vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10, giá vàng lại gây bất ngờ cho nhà đầu tư khi tiếp tục vươn lên những tầm cao mới và hiện nay “tạm nghỉ” ở mức 1.070 đô la Mỹ/ounce ngày 14-10.

Tại Việt Nam giá vàng cũng lập kỷ lục cao nhất trong lịch sử khi các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã có lúc công bố giá vàng gần chạm mức 24 triệu đồng/lượng.

Giá vàng liên tục tăng và lại tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay đã làm bất ngờ nhiều người. Với các nhà đầu tư trên sàn vàng đang thực hiện chiến lược bán khống thì đây thật sự là một “thử thách” quá lớn.

Yếu tố nào đã đẩy giá vàng liên tiếp lập kỷ lục?

Giá vàng đột nhiên “lên tiếng” sau nửa đầu năm 2009 khá yên ắng là kết quả của nhu cầu đầu tư an toàn vào vàng đang tăng lên do lo ngại lạm phát bùng nổ một khi kinh tế thế giới phục hồi sau suy thoái.

Các chỉ tiêu kinh tế thế giới được cải thiện đáng kể cho thấy kinh tế toàn cầu đang từng bước ra khỏi giai đoạn khó khăn nhất, đồng thời cũng thúc đẩy mối lo ngại khả năng lạm phát quay lại trong tương lai khiến cho vàng được lựa chọn là kênh đầu tư an toàn. Ngoài ra, việc đa số các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục duy trì chính sách lãi suất thấp làm mối lo ngại này ngày càng lớn lên.

Dự trữ năng lượng của các nền kinh tế lớn, sử dụng nhiều năng lượng như Mỹ, thời gian này liên tục sụt giảm cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu phục hồi. Điều này làm giá dầu tăng vọt và cũng là yếu tố hỗ trợ cho vàng tăng giá.

Đồng đô la Mỹ suy yếu cũng góp thêm lý do cho sự tăng giá của vàng. Chỉ số US Dollar Index (USDX), thước đo sức mạnh đồng đô la đã giảm từ mức gần 90 điểm (mức cao nhất) hồi đầu năm xuống còn 75 điểm ở thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, giá vàng tăng mạnh trong khoảng thời gian này mang nhiều yếu tố kỹ thuật và đầu cơ hơn là các yếu tố cơ bản.

Quay lại lịch sử, khi giá vàng đạt mốc 1.030 đô la Mỹ/ounce năm 2008, giá dầu đạt mức cao nhất trong lịch sử là 147,27 đô la Mỹ/thùng; US Dollar Index lùi sát 70 điểm, một euro khi đó đổi được đến 1,6 đô la Mỹ hay một bảng Anh đổi được đến 2,1 đô la Mỹ và thị trường chứng khoán khi đó cũng đang trên đà lao dốc.

Hiện nay, khi vàng đã liên tiếp leo lên nhiều đỉnh cao mới thì giá dầu vẫn chỉ bằng một nửa so với thời điểm cao nhất hay giá trị đồng đô la Mỹ (đồng tiền định giá hàng hóa) vẫn dao động quanh 75-77 điểm cao hơn nhiều thời điểm năm 2008; thậm chí ngay cả bạc, kim loại luôn đi chung với vàng cũng không hỗ trợ nhiều cho vàng khi mức độ gia tăng chỉ ở mức tương đối chậm. Ngay cả yếu tố lạm phát cũng chưa thật sự rõ nét khi mà mối lo ngại lạm phát lại nhiều hơn lạm phát thật sự.

Mặc dù các yếu tố cơ bản không hỗ trợ mạnh cho vàng nhưng khi giá vàng vượt các ngưỡng kháng cự đã kích hoạt các lệnh chờ mua kỹ thuật từ giới đầu cơ và các quỹ đầu tư. Với những nhà đầu tư, giới đầu cơ hay quỹ đầu tư thì khi giá vàng nằm dưới ngưỡng 1.024 đô la Mỹ (trước tháng 10-2009 là giá cao nhất trong năm 2009) và 1.030 đô la (mức cao nhất mọi thời đại trước ngày 6-10) thì vàng vẫn nằm trong xu hướng điều chỉnh. Nên một khi vàng vượt qua hai ngưỡng này đã kích hoạt các lực mua kỹ thuật rất mạnh, đẩy giá vàng liên tiếp bật lên những đỉnh cao mới.

Số liệu công bố từ các quỹ đầu tư vàng trong thời gian gần đây cũng liên tục gia tăng. Cụ thể trữ lượng của quỹ đầu tư vàng hoán đổi lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust (tổ chức nắm giữ vàng nhiều thứ sáu thế giới) cho thấy quỹ này bắt đầu mua vàng trở lại từ tháng 9 sau ba tháng liên tiếp bán ra cũng góp phần hỗ trợ cho xu hướng tăng giá của vàng. Số liệu công bố từ SPDR cho thấy quỹ này đã mua xấp xỉ 50 tấn vàng trong hơn một tháng qua.

Liệu giá vàng có khả năng đảo chiều?

Khả năng giá vàng điều chỉnh trong ngắn hạn là không dễ dàng khi nhiều yếu tố cơ bản và cả yếu tố đầu cơ vẫn tiếp tục hỗ trợ cho vàng. Tuy nhiên trong lịch sử, một khi giá vàng tăng quá nóng vượt ra khỏi các yếu tố hỗ trợ thông thường thì khi điều chỉnh, mức điều chỉnh sẽ không hề nhỏ.

Lịch sử đã chứng minh điều này khi năm 1980, sau khi đạt mốc 850 đô la Mỹ/ounce, giá vàng đã liên tục đi xuống trong suốt gần 20 năm (có lúc còn 250 đô la Mỹ/ounce) và chỉ đi lên thật sự từ năm 2001, tăng mạnh trong giai đoạn 2003-2004 khi chiến tranh vùng Vịnh xảy ra, và tiếp tục tăng cho đến ngày nay. Hay như thời gian gần đây là năm 2008 khi giá vàng đạt “đỉnh” 1.030 đô la Mỹ vào ngày 17-3-2008 thì giá đã đảo chiều rất mạnh xuống còn 680 đô la Mỹ vào tháng 10-2008. Ở cả hai thời điểm này, giá vàng đã vượt xa các yếu tố hỗ trợ thông thường khi các hoạt động đầu cơ gia tăng quá mức.

Phan Dũng Khánh, CTCP Kinh doanh đầu tư tài chính Vàng thế giới - VTG

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Giữ cái "đầu lạnh" trước thị trường vàng "nóng" (22/10/2009)

>   Vàng đội giá mạnh, giá dầu vượt 81 USD/thùng (22/10/2009)

>   Vay thêm ngoại tệ, chưa thắt chặt chính sách tiền tệ (22/10/2009)

>   Vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam tăng trở lại (21/10/2009)

>   Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nói gì về việc USD tăng giá? (21/10/2009)

>   Hướng dẫn xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá trong doanh nghiệp (21/10/2009)

>   Tỷ giá đồng đôla lập kỷ lục mới (21/10/2009)

>   Đằng sau sự sụt giảm hiện nay của đồng USD (21/10/2009)

>   Giá vàng sụt gần 200.000 đồng/lượng (21/10/2009)

>   Linh hoạt và thận trọng khi điều hành chính sách tiền tệ (21/10/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật