Thứ Sáu, 23/10/2009 07:52

Chống sốc tỷ giá

Sau những bước tăng nhẹ liên tiếp từ tháng 9 đến nay, tỷ giá liên ngân hàng lần đầu tiên đã vượt mốc 17.000 VND trong ngày 10/10. Diễn biến này cho thấy, doanh nghiệp cần phải tăng cường khả năng chống sốc tỷ giá vì trong tương lai tỷ giá còn có thể tiếp tục thay đổi.

Dự báo, năm 2009 xuất khẩu của Việt Nam có thể giảm 6% so với 2008 và tình trạng thâm hụt thương mại vẫn khá cao, ước khoảng 11 tỷ USD. Điều này có nghĩa rằng, vấn đề cải thiện cán cân thương mại đối với cả nền kinh tế, bắt đầu từ mỗi doanh nghiệp, vẫn đang đặt ra cho năm 2009 và những năm tiếp theo.

Nên phá giá nhẹ đồng Việt Nam

Nhìn lại quá khứ, theo các nghiên cứu của IMF, WB thì VND đã bị lên giá trong thời kỳ dài, nhất là trong thời kỳ vốn nước ngoài chảy vào nhiều (bắt đầu từ năm 2005; đặc biệt là giai đoạn 2006 - 2008). Điều này đã làm cho VND lên giá đáng kể so với đồng đô la Mỹ và được kìm nén ở đó. Quan sát cho thấy, trong thời kỳ suy thoái kinh tế đa số các nước trong khu vực như Indonesia, nhất là Hàn Quốc, đã phá giá đồng tiền của mình khá mạnh. Đồng VND đã được phá giá nhẹ nhưng vẫn lên giá so với hầu hết các đồng tiền của các nuớc khác, chẳng hạn như đồng Nhân dân tệ (Trung Quốc), Won (Hàn quốc), đồng Ringgit (Malaysia), đồng Rupiah (Indonesia). Biểu đồ 1 cho thấy, từ cuối năm 2007 VND đã lên giá khá nhanh và mạnh (có thời điểm tới 25% so với 2006). Trong giai đoạn này, VND và đồng Nhân dân tệ lên giá mạnh nhất, trong đó VND lên giá mạnh hơn.

Trong  giai đoạn 2006 - 2008, do VND được định giá cao nên người trong nước mua hàng nước ngoài được hưởng lợi. Thực tế cho thấy, trong thời kỳ suy thoái kinh tế thế giới, cán cân thương mại của Việt Nam đã thâm hụt khá cao, trong đó năm 2007 là 14 tỷ USD và năm 2008 là 17,5 tỷ USD.

Một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, ngoài các yếu tố khác như hệ thống phân phối, năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế, vai trò của các hiệp hội trong xuất khẩu, sự phát triển của các ngành phụ trợ v.v..., thì yếu tố tỷ giá có vai trò quan trọng tác động đến thâm hụt thương mại của Việt Nam.

Lấy đồng NDT làm ví dụ. Tại hội thảo về “Thị trường xuất khẩu Việt Nam năm 2009” gần đây do Bộ Tài chính chủ trì, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong giai đoạn 2004 – 2008, tỷ giá danh nghĩa giữa NDT/VND tăng 25%, tỷ giá thực giảm gần 8% lần (Biểu đồ 2), nghĩa là hàng hóa của Việt Nam trên thực tế đã giảm sức cạnh tranh so với hàng Trung Quốc do tác động của yếu tố tỷ giá. Điều này chẳng những làm cho sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với hàng Trung Quốc giảm đi trên thị trường quốc tế mà còn gây nên tình trạng thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Số liệu thống kê cũng cho thấy rằng, trong năm 2008, thâm hụt thương mại của Việt Nam là 17,5 tỷ USD thì thâm hụt với đối tác thương mại Trung quốc đã là 11 tỷ USD.

Như vậy, thời gian qua VND lên giá đã tác động đáng kể đến năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp, và rộng hơn là nền kinh tế. Điều đó có nghĩa là, nếu kìm giữ tỷ giá quá lâu sẽ gây tổn thương mạnh đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp. Về trung hạn, một trong các giải pháp mà Việt Nam có thể tính đến là tiếp tục phá giá nhẹ VND so với đồng tiền của đối tác thương mại.

Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, khi họ vay ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa về bán trong nước thu VND, nếu VND bị phá giá quá mạnh thì xét ở góc độ tái tạo ngoại tệ họ sẽ bị lỗ. Số liệu điều tra cho thấy, tổng dư nợ cho vay bằng ngoại tệ của hệ thống ngân hàng những năm trước là 20%. Tuy nhiên, từ cuối năm 2008 trở lại đây, tỷ trọng này đã tăng lên khoảng 25%. Tỷ lệ găm giữ bằng ngoại tệ của các doanh nghiệp cũng cao hơn, thể hiện ở chỗ số dư tiền gửi ngoại tệ cũng tăng lên gần 25% tổng tiền gửi của hệ thống ngân hàng. Điều này cho thấy rằng, các doanh nghiệp vay nợ ngoại tệ trong nền kinh tế đã nhạy cảm hơn với biến động của tỷ giá. Nói cách khác, nếu phá giá VND quá nhanh, quá sốc thì có thể kích thích xuất khẩu nhưng cũng làm tổn thương mạnh mẽ đến các doanh nghiệp đang đi vay ngoại tệ. Thực tế cho thấy, trong thời kỳ qua có doanh nghiệp vay nợ đã chuyển từ lãi sang lỗ rất nhanh, thậm chí lên tới hàng vài trăm tỷ đồng, do phải trích lập dự phòng biến động tỷ giá.

Định hướng cho doanh nghiệp

Theo số liệu thống kê trong nước và quốc tế, hiện VND vẫn còn được định giá cao hơn so với đồng tiền của một số đối tác thương mại chủ chốt khoảng 5% nữa (nếu các đồng tiền khác không có biến động). Điều này gợi ý rằng, trong tương lai gần, VND có thể phải được điều chỉnh nhẹ từng bước để san bằng khoảng cách này.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối quý 3, tỷ giá bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng mới tăng 0,08% so với cuối 2008. Tuy nhiên, với biên độ giao động tỷ giá được NHNN nới rộng tới  +/-5% như hiện nay, thì tỷ giá VND/USD được yết ở các NHTM đã tăng khá. Sau một loạt các hình thức điều chỉnh biên độ giao dịch, từ sáng 12/10/2009, tỷ giá ngoại tệ liên ngân hàng được “điều chỉnh” lên mức 17.001 đồng/USD. Tỷ giá giao dịch tại các NHTM đạt mức 17.851 đồng/USD. Tình trạng găm giữ ngoại tệ của doanh nghiệp phần nào được giải tỏa, ngân hàng tạm qua thời kỳ khan hiếm USD và khả năng NHTM đáp ứng ngoại tệ cho doanh  nghiệp được nhiều hơn. Tính thanh khoản của thị trường ngoại hối đã được cải thiện. Nhiều ngân hàng thương mại đã mua được ngoại tệ từ khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu, giúp cho trạng thái ngoại tệ của hệ thống ngân hàng thương mại được cải thiện.

Những phản ứng trên của thị trường cho thấy, khi Nhà nước điều hành tỷ giá linh hoạt hơn theo thị trường, có định hướng rõ và dự báo được thì doanh nghiệp sẽ hạn chế đầu cơ ngoại tệ hơn, sẵn sàng bán ngoại tệ cho NHTM. Kết quả của chính sách điều hành này đem lại là làm cho thị trường ngoại hối được thương suốt. Khi thị trường ngoại hối không đình đốn như đầu năm 2008 (NHTM thừa ngoại tệ bán không ai mua!) thì rõ ràng ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế đều có lợi.

Việc kìm nén tỷ giá thường kéo theo đầu cơ giá. Khi có sự điều chỉnh quá mức (sốc) sẽ gây tổn thương cho cả doanh nghiệp xuất khẩu lẫn doanh nghiệp nhập khẩu, và trên bình diện rộng hơn là cho cả nền kinh tế.

Cú sốc khủng hoảng năm 1997 cho ta bài học rằng, mọi doanh nghiệp nên có chính sách quản lý rủi ro tỷ giá và rủi ro lãi suất, “đồng bộ” với việc NHNN chuyển từ cơ chế tỷ giá cố định, lãi suất cố định sang cơ chế thị trường khi Việt Nam đã và đang thực hiện các cam kết của Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) về việc sử dụng các công cụ mang tính thị trường hơn trong điều hành, quản lý kinh tế. Khi đó việc vươn ra thị trường thế giới của doanh nghiệp Việt Nam sẽ xuôi chèo mát mái hơn nhiều.

Lê Văn Hinh

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Đâu là điểm dừng? (22/10/2009)

>   Giữ cái "đầu lạnh" trước thị trường vàng "nóng" (22/10/2009)

>   Vàng đội giá mạnh, giá dầu vượt 81 USD/thùng (22/10/2009)

>   Vay thêm ngoại tệ, chưa thắt chặt chính sách tiền tệ (22/10/2009)

>   Vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam tăng trở lại (21/10/2009)

>   Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nói gì về việc USD tăng giá? (21/10/2009)

>   Hướng dẫn xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá trong doanh nghiệp (21/10/2009)

>   Tỷ giá đồng đôla lập kỷ lục mới (21/10/2009)

>   Đằng sau sự sụt giảm hiện nay của đồng USD (21/10/2009)

>   Giá vàng sụt gần 200.000 đồng/lượng (21/10/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật