Do đâu giá vàng liên tục lập kỷ lục mới?
Trong bối cảnh hiện nay, giá vàng thế giới tăng chỉ mang tính ngắn hạn, về lâu dài sẽ giảm dần cùng với kết quả phục hồi kinh tế toàn cầu và kiềm chế lạm phát.
Phân tích dưới đây của một chuyên gia ngành ngân hàng để bạn đọc tham khảo.
Sau hội nghị thượng đỉnh các nước G20, giá vàng có xu hướng giảm nhẹ, nhưng lại bùng phát ngay từ ngày 5-10 và lập kỷ lục 1.060 USD/ounce hôm 8-10-2009.
Khi giá vàng tăng nhanh, có nhiều quan điểm khác nhau, nhất là khi nguyên nhân của vàng tăng giá chưa rõ ràng. Một số nhà phân tích cho rằng, giá vàng đã tăng lên quá mức và cơ hội tăng này là rất ngắn; giá vàng tăng do Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng mạnh tính thanh khoản thị trường; giá vàng vẫn tăng, nhưng không vượt quá 1.200 USD/ounce mà sẽ trở lại 960-970 USD/ounce, sau phục hồi và dao động quanh mức 1.050USD/ouce trong quí này.
Nguyên nhân giá vàng tăng
Nhìn chung, vàng tăng giá do một số nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất, lo ngại nguy cơ rủi ro trở lại trên thị trường khi đồng USD mất giá, giá dầu giảm và thị trường chứng khoán Mỹ tăng đáng kể do kỳ vọng về lợi nhuận thu được trong quí 3. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách tăng cao cả tại Mỹ và Vương quốc Anh, điều này khiến người ta nghi ngờ về khả năng phục hồi giá USD, tỉ giá trên thị trường tiền tệ một số nước được dẫn dắt do đô la giảm giá chứ không phải do đồng bản tệ tăng giá;
Thứ hai, ngân sách Mỹ thâm hụt kỷ lục 1.400 tỉ USD, chiếm 9,9% GDP trong năm tài khóa 2009, thấp hơn so với mức thâm hụt 1.580 tỉ dự tính hồi tháng tám vừa qua. Nguyên nhân của thâm hụt là do các khoản hỗ trợ hệ thống ngân hàng, các gói kích thích tiêu dùng và thất thu thuế do suy thoái kinh tế. Trong năm tài khóa 2009, chi tiêu chính phủ dự tính sẽ vào khoảng 2.000 tỉ USD, giảm 16,6% so năm trước. Nhiều nước cũng bị thâm hụt ngân sách do phải tung các gói trợ cấp rất lớn để đối phó với khủng hoảng, làm tăng quá mức lượng tiền trong lưu thông và hệ quả là gây áp lực lạm phát.
Thứ ba, một số nước đang đề xuất và cân nhắc thực hiện công bố giá dầu bằng loại tiền tệ khác ngoài USD, điều này chí ít cũng tạo ra sự bất ổn trong ngắn hạn và tâm lý hoang mang về vị thế của USD trên thị trường;
Thứ tư, kinh tế thế giới phải mất một thời gian nữa mới trở lại được trạng thái trước khủng hoảng với tăng trưởng sau năm 2010 sẽ đạt khoảng 4%/năm, trong đó Mỹ và châu Âu sẽ đạt tốc độ tăng trưởng dương nhưng không cao. Tuy nhiên, rủi ro lại tăng lên do các nước đã làm gián đoạn quá trình phục hồi khi cắt giảm quá sớm các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. Việc cắt giảm các biện pháp hỗ trợ qua sớm, trong khi đó nhu cầu tư nhân tăng dần, nhưng nếu việc cân bằng toàn cầu không được thực hiện, thì sẽ buộc các chính phủ phải tăng thâm hụt tài khóa và nợ vay, kéo dài tình trạng thâm hụt ngân sách và gây tổn hại đến bảng cân đối tài sản của chính phủ.
Thứ năm, đối với người tiêu dùng, những tháng cuối năm có nhiều lễ hội, đặc biệt là chuẩn bị sang nắm mới, nhu cầu mua sắm vàng trang sức và tiết kiệm bằng vàng cũng tăng nhẹ.
Giá vàng tăng chỉ mang tính ngắn hạn
Những lo ngại nêu trên đã khiến các nhà đầu tư đổ xô vào vàng thỏi nhằm bảo toàn giá trị tài sản tính bằng USD và đề phòng mất vốn nếu USD suy yếu và lạm phát tăng. Khi tìm kiếm nơi ẩn náu an toàn, nhiều nhà đầu tư rót tiền vào các quỹ kinh doanh ngoại hối bảo đảm bằng vàng (ETFs) và tài sản liên quan đến vàng. Các quĩ ETFs này nắm giữ trên 50% sản lượng vàng hàng năm trên thế giới.
Trước sự mất giá của USD, nhiều Ngân hàng trung ương ở châu Á đã tiến hành can thiệp mua USD vào nhằm duy trì ổn định tỉ giá, giảm thiểu thương tổn đối với xuất khẩu và tăng trưởng, nếu bản tệ tăng mạnh và kinh tế Mỹ phục hồi chậm thì sẽ ảnh hưởng xấu đến tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước.
Động thái mua USD vào không có gì mới, nhưng các nước cũng còn nhằm mục đích tránh rủi ro suy thoái kép (khủng hoảng kinh tế toàn cầu và lãi suất thấp tại Mỹ kéo dài, nền kinh tế Mỹ còn yếu, gây tác hại đến USD). Việc mua vào và nắm giữ USD cũng có rủi ro, đó là nếu kinh tế Mỹ không phục hồi sau 3-4 quí nữa thì USD còn yếu hơn.
Trong bối cảnh hiện nay, giá vàng tăng chỉ mang tính ngắn hạn, về lâu dài sẽ giảm dần cùng với kết quả phục hồi kinh tế toàn cầu và kiềm chế lạm phát trên cơ sở giảm thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, giá cũng không thể giảm sâu cho dù những nguyên nhân trên đây được khắc phục bởi lẽ thế giới còn các bất ổn chính trị dai dẳng, mâu thuẫn tôn giáo và những biến động khác trong xu thế toàn cầu hóa.
Văn Thanh
CHÍNH PHỦ
|