Trong vòng vài tuần qua, một lần nữa giá vàng quốc tế lại vượt qua mức 1.000 đô la Mỹ/ounce (đạt mức kỷ lục 1.045 đô la/ounce vào thứ Ba tuần này) và nhiều nhà tư vấn nước ngoài cho rằng vàng đang là một công cụ đầu tư nên được xem xét đưa vào danh mục vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Thực tế, trong thời gian qua, yếu tố đầu cơ và yếu tố kỹ thuật đã thúc đẩy giá vàng nhiều hơn là những yếu tố cung cầu thực và các yếu tố cơ bản khác.
Yếu tố cơ bản hiện không mang tính quyết định
Về mặt căn bản, lý do để các nhà tư vấn trên thế giới khuyến khích khách hàng đầu tư vào vàng thường là: phòng ngừa lạm phát và mất giá đồng tiền, đa dạng hóa danh mục đầu tư và bảo hiểm cho danh mục trước những “thảm họa” như cuộc khủng hoảng chúng ta đang trải qua.
Cho đến thời điểm này, mối đe dọa lạm phát của các nền kinh tế chính chưa lớn, thậm chí mối đe dọa giảm phát có thể còn được quan tâm đến nhiều hơn trong những ngày gần đây.
Với tình hình thất nghiệp tiếp tục gia tăng tại các nền kinh tế lớn, cho dù là với tốc độ chậm lại, nhu cầu tiêu dùng sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng và nhiều người sẽ quan tâm hơn đến việc tăng tiết kiệm, ví dụ như tình huống ở thị trường Mỹ hiện nay là tỷ lệ tiết kiệm trên thu nhập đang ở mức từ 3% đến gần 5% trong mấy tháng qua, cao nhất kể từ năm 2002.
Với tình hình như vậy, giá cả hàng hóa tiêu dùng cũng tăng chậm do đó không tạo ra áp lực tăng giá toàn diện, kết quả là số liệu lạm phát được công bố khá thấp. Khi số liệu lạm phát thấp và được dự báo là không tăng mạnh ngay trở lại với những nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật và châu Âu thì lý lẽ mua vàng để phòng ngừa lạm phát ở thời điểm này có vẻ tương đối miễn cưỡng.
Tương tự như vậy, khi giá cổ phiếu và nhiều sản phẩm đầu tư thay thế đang thu hút dòng tiền quay lại thì việc duy trì một lượng đầu tư lớn vào vàng cũng không phải chỉ là do nguyên nhân bảo hiểm cho danh mục đầu tư hay đa dạng hóa danh mục nữa.
Nhu cầu tiêu thụ vàng vật chất cũng sụt giảm trong mấy tháng vừa qua. Báo cáo quí 2 của Hội đồng Vàng thế giới (World Gold Council) cho thấy nhu cầu tiêu thụ vàng của thế giới sụt giảm 9% trong khi nguồn cung vàng lại tăng 14% so với năm ngoái. Vì vậy, việc vàng quay trở lại mức trên 1.000 đô la Mỹ/ounce như vừa qua cũng không phải chủ yếu do yếu tố chênh lệch cung cầu tạo ra.
Giá vàng đang được dòng tiền đầu tư dẫn dắt
Báo cáo quí 2 của Hội đồng Vàng thế giới cho thấy nhu cầu đầu tư vào vàng tăng đáng kể. Số liệu về nhu cầu đầu tư có thể xác định được từ các quỹ đầu tư vàng tăng từ mức 151 tấn lên trên 222 tấn. Ngoài ra còn nhiều hoạt động đầu tư khác chưa thể xác định được số liệu. Từ các con số nói trên, một bức tranh tương phản dễ nhận ra là trong khi nhu cầu tiêu thụ vàng vật chất trong quí 2 sụt giảm thì nhu cầu đầu tư vào vàng của các quỹ đầu tư gia tăng. Điều này đồng nghĩa với việc giá vàng đang được dòng tiền đầu tư vàng dẫn dắt và không có gì khó hiểu khi các quỹ đầu tư tiếp tục nỗ lực đẩy giá vàng lên càng cao càng tốt trong quí 3 sau khi đã tích lũy đáng kể từ quí 2.
Đợt tăng giá lên trên mức 1.000 đô la Mỹ/ounce vừa qua được châm ngòi do giá vàng vượt qua mức cản kỹ thuật 970 đô la Mỹ/ounce và thị trường vàng bước vào tháng 9, một tháng mà theo số liệu lịch sử thường xuyên cho thấy giá vàng sẽ có những đợt tăng ấn tượng - một phần do “truyền thống” đón đầu nhu cầu tiêu thụ vàng trong mùa lễ hội của Ấn Độ và sau đó là nhu cầu cuối năm của các nước phương Tây và Trung Quốc. Do nhu cầu đầu tư giữ vị trí chủ đạo, nên khi giá vàng bứt qua khỏi ngưỡng kỹ thuật thì nhiều tổ chức đầu cơ và quỹ đầu tư tiếp tục đặt cược vào xu thế tăng của vàng và cùng nhau đẩy giá vàng lên cao. Khi giá vàng tạo nên những kỷ lục mới, nhiều quỹ đầu tư vẫn tiếp tục duy trì danh mục với tham vọng giá vàng sẽ tiếp tục hướng về mốc 1.100 đô la Mỹ/ounce hoặc hơn nữa.
Đặt cược vào xu thế trượt giá của đồng đô la Mỹ
Một trong những nguyên nhân để các quỹ đầu tư và nhà đầu cơ vẫn còn hy vọng xu thế tăng của vàng còn tiếp tục là do sự yếu đi của đồng đô la Mỹ. Các nhà phân tích vẫn có thể dễ dàng viện dẫn nguyên nhân tăng giá mạnh của vàng là do đồng đô la mất giá, từ đó liên hệ với những kịch bản xấu cho đồng đô la Mỹ và việc mất giá đồng tiền cũng như lạm phát trong tương lai. Gần đây, với thông tin khối xuất khẩu dầu mỏ đang xem xét từ bỏ việc định giá dầu theo đồng đô la Mỹ cũng khiến nhà đầu tư tiếp tục tin rằng đồng đô la sẽ còn mất giá. Đây sẽ là đòn bẩy quan trọng để các quỹ đầu tư và nhà đầu cơ giá vàng tiếp tục dựa vào với hy vọng một đợt mất giá mạnh hơn của đô la Mỹ sẽ tạo ra cơ hội đẩy giá vàng lên mức cao mới.
Điều này cũng là hợp lý vì nhìn về lâu dài hơn, với một lượng tiền đổ ra để duy trì thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và tài trợ các chương trình kích thích kinh tế, đồng đô la Mỹ đứng trước áp lực mất giá rất lớn và rõ ràng đã liên tục trượt giá so với các đồng tiền mạnh trong thời gian qua. Theo diễn biến hiện tại, sẽ là bình thường nếu đồng đô la Mỹ tiếp tục mất giá nhiều nữa so với các đồng tiền mạnh khác. Đó cũng là lý do vì sao nhiều nhà phân tích tiếp tục cho rằng giá vàng hiện nay tuy cao nhưng nhiều nhà đầu tư sẽ vẫn còn nhu cầu với vàng.
Tuy nhiên, nếu có những động thái khiến cho xu thế trượt giá của đồng đô la Mỹ chậm lại hoặc đổi chiều tạm thời thì các quỹ đầu tư và nhà đầu cơ sẽ nhanh chóng thanh lý vị thế hiện nay của họ và sẽ khiến vàng trượt giá nhanh. Gần đây, Bộ trưởng Tài chính Nhật đã tỏ ra “quan tâm” tới việc đồng yen lên giá quá nhiều so với đồng đô la Mỹ và để ngỏ khả năng can thiệp vào thị trường nếu “thị trường tiền tệ cho thấy những dao động quá mức theo hướng sai lệch”. Mặc dù không nói rõ rằng đồng yen đang ở trong trạng thái dao động quá mức theo hướng sai lệch hay không, nhưng việc nhiều công ty Nhật bị ảnh hưởng do đồng yen lên giá quá nhiều so với đồng đô la Mỹ có thể cho thấy Chính phủ Nhật sẽ theo sát vấn đề này. Cả Canada và Pháp cũng đang quan tâm đến tác động của sự suy yếu đồng đô la Mỹ trong thời gian gần đây lên nền kinh tế của họ.
Cho đến lúc này, chưa có số liệu gì cho thấy một lượng lớn các vị thế mua vàng tích lũy từ quí 2 đã được thanh lý, và cũng chưa có nước nào tuyên bố rõ ràng rằng sẽ can thiệp nếu đồng đô la Mỹ giảm xuống quá một mức nào đó. Vì vậy, có thể các quỹ đầu tư quốc tế sẽ tiếp tục duy trì vị thế mua với kỳ vọng giá vàng còn tăng lên nữa. Và do lực từ phía nhu cầu đầu tư đang dẫn dắt thị trường vàng thế giới, giá vàng nhiều khả năng vẫn còn sẽ tiếp tục tìm cách thử thách các mức kỹ thuật trên 1.000 đô la Mỹ/ounce trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều mà nhà đầu tư vào vàng cần nhận ra là nếu mua vàng ở mức giá này nghĩa là cùng tham gia vào xu thế đặt cược này của các quỹ đầu tư quốc tế. Xu thế hiện nay có thể đảo chiều rất nhanh nếu một lượng lớn các vị thế đầu cơ này được thanh lý nhanh chóng.
Hồ Quốc Tuấn
TBKTSG