Thứ Ba, 08/09/2009 13:52

Vinashin-Bảo Việt: Đứt gánh lương duyên

Quyết định "sang tay" 20,4 triệu cổ phiếu Tập đoàn Bảo Việt (HOSE: BVH) của cổ đông sáng lập là Tập đoàn Kinh tế Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của NĐT. Mặc dù Bảo Việt đang làm thủ tục xin ý kiến cổ đông, nhưng với trên 77% cổ phần do Bộ Tài chính nắm giữ, chắc chắn nội dung trên sẽ được thông qua. Câu hỏi đặt ra là, vì sao Vinashin lại "giữa đường đứt gánh" mối "lương duyên" với Bảo Việt và những ai là người được - mất sau sự kiện này?

Kỳ vọng lớn

Bảo Việt hiện có 3 cổ đông sáng lập là Bộ Tài chính, Vinashin (100% vốn nhà nước) và HSBC Insurance. Nếu việc bắt tay với HSBC Insurance được kỳ vọng giúp cho Bảo Việt đổi mới, hỗ trợ về quản trị, công nghệ thông tin, nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm… thì việc Vinashin trở thành cổ đông sáng lập giúp Bảo Việt có một khách hàng tiềm năng rất lớn. Tại thời điểm 31/12/2007, Vinashin có tổng tài sản 81.000 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu 6.000 tỷ đồng, doanh thu bán hàng 21.000 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 721 tỷ đồng. Theo nguồn tin từ Vinashin, năng lực đóng tàu của Tập đoàn chiếm hơn 80% năng lực đóng tàu của Việt Nam và Tập đoàn cũng cung cấp các dịch vụ đa dạng như: sửa chữa tàu, vận tải tàu biển, các ngành công nghiệp nặng, hoạt động xây dựng dân dụng và ngoài khơi, dịch vụ về tài chính và nghiên cứu thị trường. Vinashin có hơn 200 công ty con và công ty liên kết với trên 80.000 nhân viên.

Với các DN vệ tinh hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, nhân thọ, ngân hàng, chứng khoán, quỹ đầu tư, Bảo Việt hoàn toàn có thể gia tăng lợi nhuận thông qua việc cung cấp các dịch vụ cho Vinashin cũng như khách hàng của tập đoàn này.

Trên thực tế, ngay sau khi ký kết hợp đồng cổ đông sáng lập với Bảo Việt (tháng 9/2007), Vinashin đã có những bước cụ thể hóa việc hợp tác. Tháng 3/2008, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (thành viên Tập đoàn Bảo Việt) và Vinashin đã ký hợp đồng bảo hiểm rủi ro người đóng tàu cho lô đóng mới 9 tàu trọng tải 53.000 tấn với tổng giá trị bảo hiểm gần 270 triệu USD. Theo đó, Bảo Việt nhận bảo hiểm cho thân tàu, máy móc và các trang thiết bị trên tàu trong quá trình tại xưởng và những cơ sở khác của người đóng tàu trong phạm vi cảng hoặc địa điểm đóng tàu thuộc nơi đặt xưởng của người đóng tàu và trong quá trình vận chuyển giữa những nơi đó. Ngoài ra, Bảo hiểm Bảo Việt cũng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người đóng tàu với tư cách là chủ tàu.

Trước đó, trong năm 2007 và 2 tháng đầu năm 2008, Bảo hiểm Bảo Việt đã nhận bảo hiểm cho 20 tàu các loại trọng tải từ 6.500 tấn đến trên dưới 100.000 tấn, được đóng tại 7 nhà máy thuộc Vinashin cũng như các nhà máy khác với tổng giá trị bảo hiểm trên 250 triệu USD. Bên cạnh đó, Bảo hiểm Bảo Việt đã và đang bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu viễn dương trong quá trình hoạt động các tuyến trong và ngoài nước cho 330 tàu, với tổng giá trị bảo hiểm trên 820 triệu USD.

Vì sao đứt gánh?

Ông Nguyễn Quốc Ánh, Phó tổng giám đốc Vinashin cho biết, việc thoái vốn đầu tư vào Bảo Việt là do Nhà nước yêu cầu Vinashin tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính. "Khoản đầu tư vào Bảo Việt tuy là một khoản đầu tư chiến lược do Vinashin cần các dịch vụ của tập đoàn này và xét về mặt dài hạn đó là khoản đầu tư tốt, nhưng bây giờ Chính phủ và Bộ Tài chính chỉ đạo Vinashin tập trung mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính vào các ngành nghề kinh doanh chính thì việc chuyển khoản đầu tư này về SCIC chúng tôi chấp hành", ông Ánh nói.

Theo ông Ánh, việc chuyển 20,4 triệu cổ phiếu Bảo Việt về SCIC không phải là chuyển nhượng thông thường, không phải là khái niệm bán cổ phiếu, chuyển nhượng cổ phiếu trên TTCK, mà là chuyển phần vốn nhà nước từ DNNN này sang DNNN khác. Trước đây, khoản đầu tư đó hạch toán như thế nào thì bây giờ hạch toán nguyên vẹn như vậy khi chuyển sang cho SCIC.

Trong thương vụ trên, có thể khoản đầu tư của Vinashin vào Bảo Việt không bị lỗ, nhưng rõ ràng tập đoàn này không đạt được mục tiêu chiến lược như trước khi mua cổ phiếu. Đối với Bảo Việt, chưa biết SCIC trở thành cổ đông lớn sẽ mang lại những thế mạnh gì, nhưng điều nhìn thấy trước mắt là sau khi không còn là cổ đông sáng lập, Vinashin không nhất thiết phải sử dụng sản phẩm của Tập đoàn Bảo Việt và đây sẽ là một trong những thiệt thòi lớn cho doanh nghiệp này.   

Thanh Đoàn

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Dấu hiệu từ cổ phiếu quỹ (08/09/2009)

>   Sử dụng đòn bẩy tài chính: Cần thận trọng (08/09/2009)

>   Vinashin thoái vốn tại Bảo Việt: Hiểu sao cho đúng? (08/09/2009)

>   Indochina Capital vẫn tiếp tục hoạt động tại Việt Nam (08/09/2009)

>   HDC: Phê duyệt quy hoạch dự án Hodeco Sevillage (08/09/2009)

>   Hơn 110 tỷ đồng mở rộng Cảng Hòn La (08/09/2009)

>   Haneco đăng ký bán 24,498 quyền mua cp TMS (07/09/2009)

>   CNT đăng ký bán 55,700 cp quỹ (07/09/2009)

>   DCT trả cổ tức còn lại năm 2008 tỷ lệ 7% (07/09/2009)

>   CK Bảo Việt chốt DS lấy ý kiến cổ đông điều chỉnh KHKD (07/09/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật