Trung Quốc đang đánh mất lợi thế lao động trên toàn cầu
Trung Quốc đang đánh mất lợi thế trên thị trường lao động toàn cầu vì nước này sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động do chính sách kế hoạch hóa gia đình.
Trong một báo cáo công bố hôm qua 10-9, một nhóm chuyên gia cố vấn khuyến nghị Trung Quốc cần phải quan tâm hơn nữa đến giáo dục, cả ở khu vực thành thị và nông thôn, để đối phó với thử thách ngày càng tăng đối với nguồn nhân lực của nước này.
Cải thiện tính cạnh tranh của Trung Quốc trên thị trường lao động toàn cầu là vấn đề cấp bách vì nước này ngày càng có ít nhân công trong độ tuổi lao động. Ngoài ra, đất nước này phải nâng cấp nền kinh tế theo hướng sản xuất hiện nay, điều đó đòi hỏi phải có nguồn nhân lực có tay nghề.
Giáo sư Wang Dewen của Trung tâm Kinh tế và Dân số, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc – cơ quan xuất bản báo cáo hàng năm, cho biết: “Trung Quốc đang mất dần sự dư thừa lao động, điều đã tạo nên thành công cho đất nước này trong 30 năm qua. Nhưng hiện nay Trung Quốc cần khai thác lợi thế lao động thứ hai, đó là sự cải thiện kỹ năng lao động và trình độ của họ”.
Tính bình quân hiện nay học sinh tại vùng nông thôn Trung Quốc chỉ đi học 6,8 năm, mặc dù giáo dục bắt buộc là 9 năm. Báo cáo chỉ ra rằng người dân vùng nông thôn hoàn thành giáo dục trung học phổ thông sẽ có năng suất lao động cao hơn, 21,1% - so với mức 8,8% của những người chỉ hoàn thành giáo dục bậc thấp hơn.
Tại khu vực thành phố, chính phủ nên khuyến khích nhiều người dân tiếp tục học lên cao hơn sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Những người có trình độ giáo dục sau trung học phổ thông ít nhất cũng có năng suất lao động cao hơn 29%. Thời gian học tập bình quân hiện tại là 9,5 năm.
Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đang tăng chậm; số lao động thặng dư ở nông thôn giảm còn 20 triệu người từ mức 150 triệu người những năm gần đây.
“Để đạt được sức cạnh tranh kinh tế, Trung Quốc phải dựa vào sự phát triển giáo dục”, giáo sư Wang nói.
Báo cáo cũng lưu ý rằng trong lĩnh vực sản xuất, chỉ cần được học thêm một năm cũng có thể tăng năng suất thêm 17%.
Nền kinh tế theo hướng sản xuất, do nguồn lao động có tay nghề thấp đảm nhận cùng với chi phí đào tạo thấp của Trung Quốc có thể sẽ được nâng cấp lên những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đòi hỏi lực lượng lao động có tay nghề cao, có trình độ học vấn cao hơn.
Để tối đa hóa hiệu quả của các nguồn lực giáo dục hạn chế, kể cả giáo viên, trường học và ngân sách, chính phủ cần tăng chi tiêu công cho giáo dục, ông Wang nói. Đầu tư công cho giáo dục tại Trung Quốc chỉ chiếm 2,8% GDP trong khi ở các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), đầu tư công cho giáo dục là 5%.
Minh Cát (theo China Daily)
TBKTSG ONLINE
|