"Mỗi người Mỹ mất 10,000 USD do khủng hoảng"
(Vietstock) – Nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ đã phải chi 10,000 USD cho mỗi người dân nước này để khắc phục khủng hoảng tài chính trong năm qua.
Theo các số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF gửi đến bộ trưởng tài chính Khối G20, hãng tin BBC ước tính các nước này đã chi tổng cộng 10 nghìn tỷ USD (tương đương với 6 nghìn tỷ Bảng Anh).
Trong đó, Anh và Mỹ là hai quốc gia dẫn đầu bảng chi tiêu. Chi tiêu của chính phủ Anh chiếm đến 94% GDP trong khi Mỹ là 25%.
Điều này có nghĩa là nước Anh đã chi bình quân số tiền lên đến 30,000 USD/người, còn Mỹ chi 10,000 USD/ người trong thời kỳ khủng hoảng.
Hầu hết các khoản tài trợ này được chi dưới hình thức là các khoản bảo đảm cho nợ vay ngân hàng. Một khi hệ thống tài chính ngân hảng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, Chính phủ các nước sẽ thu hồi lại gần như tất cả các khoản đó.
Tuy nhiên, cũng có một số cách đo lường mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng, vốn đẩy cả thế giới rơi vào suy thoái lần đầu tiên trong 60 năm qua. Tất cả các cách nêu trên đều có thể cho thấy mức độ thiệt hại, cũng như chứng minh cho nhận định là các nước giàu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các thiệt hại này, đặc biệt là Mỹ và Anh, nơi các ngành tài chính lớn là trung tâm của cuộc khủng hoảng.
Các số liệu cũng cho thấy, lĩnh vực tài chính tư nhân đã sụt giảm đến 4 nghìn tỷ USD, trong đó hai phần ba là thiệt hại gây ra bởi các ngân hàng quốc tế lớn, như Citigroup hay RBS.
Và mặc dù khoảng một nửa của các thiệt hại này (trị giá 1.8 nghìn tỷ USD) đến từ việc sụt giảm giá cổ phiếu do tác động bởi sự sụp đổ của thị trường thế chấp nhà đất dưới chuẩn. Sự sụp đổ này đã lan rộng đến loại tài sản khác của ngân hàng, như sự giảm giá trị của các khoản vay thế chấp thương mại và vay doanh nghiệp.
Không chỉ là tác nhân xóa sạch thành quả gần 10 năm lợi nhuận ngành ngân hàng, việc giảm sút mạnh về giá trị còn đem đến những khó khăn cho các ngân hàng trong việc tạo dựng lại nguồn vốn để bảo đảm cho việc phục hồi hoạt động cho vay.
Giới chuyên gia nhận định rằng, điều này sẽ mất nhiều năm để có thể phục hồi trở lại hoạt động cho vay như trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra. Được biết, hoạt động cho vay giảm là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái kinh tế.
Nền kinh tế thế giới co lại
Theo dự báo, nền kinh tế thế giới sẽ giảm 2.3% trong năm nay, tương đương với mức thiệt hại gần 1 nghìn tỷ USD. Hệ lụy của việc này là mọi người dân sẽ phải oằn vai gánh chịu tổn thất và đối mặt với tình trạng thất nghiệp gia tăng.
Nếu nền kinh tế thế giới tăng trưởng bình thường khoảng hơn 2% / năm, thì việc thất thoát trong sản lượng do suy thoái kinh tế xấp xỉ 2 nghìn tỷ USD.
Trong một nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ các nước đã vay hàng tỷ USD để tạo quỹ kích cầu.
Trong vòng năm năm tới, nợ của Chính phủ Anh dự kiến sẽ tăng từ 600 tỷ bảng Anh lên 1.4 nghìn tỷ bảng Anh, trong khi nợ quốc gia của Mỹ có thể tăng gấp đôi lên 10 nghìn tỷ USD.
Điều này có nghĩa là người dân trong tương lai sẽ phải trả các khoản nợ Chính phủ gia tăng này. Đây là những người mà khả năng thanh toán các dịch vụ của Chính phủ như y tế và giáo dục rất hạn chế. Tiền lãi của các khoản nợ Chính phủ Anh đến năm 2014 có thể lớn hơn toàn bộ ngân sách giáo dục.
Trong khủng hoảng, các cá nhân đều cảm thấy nghèo hơn khi giá trị tài sản của mình bị bốc hơi. Không chỉ giá trị nhà đất sụt giảm, các tài sản tài chính như cổ phiếu cũng sụt giảm giá trị trong 12 tháng qua.
Theo ước tính, tài sản quốc gia tại Anh do các cá nhân sở hữu đã giảm 815 tỷ bảng Anh cuối năm 2008 so với cùng kỳ năm 2007. Trong đó, giá nhà của người dân giảm 15% và giá trị tài sản tài chính khác giảm 9%.
Bội Mẫn (Theo BBC)
|