Doanh nghiệp TQ muốn mua cả thế giới?
Có phải China Inc. tìm cách mua cả thế giới hay không? Câu trả lời dường như là có khi chỉ trong tháng 6 và tháng 7 năm nay các doanh nghiệp Trung Quốc từ Sinopec cho tới Beijing Automotive hay Haier đều đã đầu tư hay muốn đầu tư vào các mỏ dầu ở Iraq, chi nhánh Opel của đại gia GM tại Đức, hãng sản xuất đồ gia dụng New Zealand và cả bách hóa ở Nhật.
Vươn mạnh ra bên ngoài
Từ những vụ nhỏ chỉ là 50 triệu USD để Haier mua 20% cổ phần trong một công ty New Zealand cho tới số tiền khổng lồ 7 tỷ USD mà Sinopec trả để mua một công ty dầu mỏ Thụy Sỹ. Không những thế còn có tin đồn giá dạm mua một công ty dầu mỏ Argentina do người Tây Ban Nha sở hữu còn cao gấp đôi con số mà Sinopec bỏ ra.
Tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc vào khoảng 170 tỷ USD, chỉ bằng 1/30 con số mà Mỹ đầu tư vào các nhà máy, bất động sản và các tài sản khác ở nước ngoài.
Nhưng điều đáng nói là năm ngoái đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đã tăng gấp đôi lên 52 tỷ USD và có thể sẽ tăng 13% trong năm nay, bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Ông Daniel H.Rosen, đối tác của công ty tư vấn Rhodium Group tại New York và tác giả báo cáo đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc, nói rằng trong khủng hoảng “giá cả trở nên hời hơn” và “điều đó tạo ra cơ hội cho Trung Quốc mua một cách đầy mưu mẹo.”
Nhiều nhà phân tích cho rằng các thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập công ty) của Trung Quốc ở nước ngoài thực sự mang lại lợi ích cho kinh tế toàn cầu bởi nó sẽ luân chuyển đồng USD và các đồng tiền khác mà các nhà xuất khẩu Trung Quốc kiếm được.
Hiện tại các nhà xuất khẩu Trung Quốc không dùng nhiều đến nguồn ngoại tệ mà họ kiếm được.
Bởi vậy đồng USD đang chất đống tại Ngân hàng Trung ương, để rồi ngân hàng mang đi đầu tư vào trái phiếu Mỹ hay những thứ tương tự.
Trong khi đó số nhân dân tệ (NDT) mà các nhà xuất khẩu nhận được sau khi đổi từ đồng USD và euro lại khuyến khích đầu cơ và làm lạm phát gia tăng.
Hậu thuẫn của Chính phủ
Cho dù vấp phải phản ứng dữ dội từ giới đầu tư và cử tri tại các nước muốn đầu tư, nhưng các công ty Trung Quốc vẫn có cách để đạt được mục tiêu. Các công ty quốc doanh Trung Quốc chẳng gặp khó khăn về tiền khi họ được Chính phủ chấp thuận cho đầu tư ra nước ngoài.
Với kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ hơn 2.000 tỷ USD, Trung Quốc không muốn tiếp tục tài trợ cho hoạt động vay nợ thiếu trách nhiệm của Mỹ gây lạm phát đồng USD và ảnh hưởng tới chính họ. Do vậy cách làm có hiệu quả là mua lại các công ty.
Chính phủ Trung Quốc đã bật đèn xanh cho hoạt động M&A ở nước ngoài. Hôm 13/6 Bộ Thương mại thông báo rằng từ tháng 5 cấp tỉnh được thông qua các dự án đầu tư ra nước ngoài có giá trị dưới 100 triệu USD.
Hay sau ngày 1/8, các công ty dễ dàng mua ngoại tệ để tài trợ cho các thương vụ M&A ở nước ngoài. Một quan chức cao cấp còn nói rằng có quá ít công ty Trung Quốc vươn tới quy mô toàn cầu. Do đó cần khuyến khích các doanh nghiệp vươn ra ngoài, thâm nhập các thị trường nước ngoài và mở rộng hoạt động.
Tránh cạnh tranh quá nhiều
Các khoản đầu tư lớn nhất đổ vào các công ty khai thác tài nguyên có thể giúp làm dịu cơn khát năng lượng của Trung Quốc.
Để tránh sự phản ứng chính trị và thương mại, các công ty Trung Quốc lựa chọn mục tiêu rất thận trọng và có xu hướng nghiêng về các vụ không phải đối đầu với các đối thủ chủ chốt.
Chẳng hạn mua Addax Petroleum của Thụy Sỹ giúp Sinopec tiếp cận dầu mỏ của Nigeria và người Kurd khá thuận lợi.
Mới nhất là vụ Chinalco dự định đầu tư 19 tỷ USD vào Rio Tinto, nhưng đã thất bại do bị hoài nghi nhằm mục tiêu chính trị.
Do kỹ năng tài chính của các công ty hàng đầu Trung Quốc không được như công ty Mỹ hay châu Âu, thậm chí là ấn Độ, nên các công ty của họ khó thành công khi đối đầu với những thách thức trong các vụ tiếp quản công ty.
Học hỏi kỹ năng và kỹ xảo
Người Trung Quốc cũng có thể nắm bắt nhanh các mục tiêu tiềm năng, nhất là các nhà chế tạo và bán lẻ, để học hỏi kỹ năng và kỹ xảo của họ.
Đó là một phần của chiến lược đứng sau việc Haier mua cổ phần trong Fisher &Paykel Appliances của New Zealand. Người New Zealand có thể dạy người Trung Quốc về thiết kế. Logic này có thể không mang lại kết quả mong muốn trong vụ Beijing Auto mua Opel của Đức.
Kỹ năng của Opel có thể tạo cho Beijing Auto lợi thế quyết định trong cuộc chiến ôtô Trung Quốc. Nhưng người Đức lo ngại người Trung Quốc quan tâm tới Opel chỉ vì công nghệ chứ không nhằm vực dậy thương hiệu này. Chính điều đó đã hạn chế cơ hội mua lại Opel của Beijing Auto.
Các sai lầm khác có thể nhắc tới là năm 2004 Shanghai Auto mua 51% cổ phần của Ssangyong Motors, hãng sau đó bị phá sản, hay TCL mua lại RCA Thomson. Chỉ có mỗi vụ Lenovo mua lại doanh nghiệp sản xuất máy tính cá nhân của IBM là tốt đẹp.
Bài học kinh nghiệm
Giới phân tích cho rằng Chính phủ Trung Quốc phong tỏa thương vụ Sichuan Tengzhong mua lại nhãn hiệu Hummer của GM là do lo ngại không đủ khả năng quản lý một doanh nghiệp Mỹ và lý do khác có thể là nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường.
Một trong những nơi mà người Trung Quốc gặp khó là Mỹ. Vụ Công ty Dầu khí Ngoài khơi Trung Quốc dạm mua Unocal đã làm dấy lên sự phản đối quyết liệt tại Quốc hội Mỹ.
Hay ở Australia cũng vậy. Đó là thương vụ trị giá 1,4 tỷ USD mua lại của Minmetals với Oz Minerals hay Hunan Valin Iron & Steel đầu tư 770 triệu USD vào Fortescue Metals.
Dù sao đi nữa, có một sự thật hiển nhiên là khi đã lớn mạnh, các công ty của nước nào cũng luôn tìm kiếm cơ hội thôn tính doanh nghiệp nước ngoài. Các công ty Trung Quốc không phải là ngoại lệ và thế giới sẽ phải quen dần với thực tế đó.
Vietnam+
|