Sàn vàng bị… ngăn sông cấm chợ?
Hoạt động kinh doanh vàng không thuộc vào những hàng hoá, dịch vụ bị cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh. Dự thảo Thông tư quy định về việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước của Ngân hàng Nhà nước vừa bị "thổi còi" vì vi phạm quyền tự do kinh doanh.
Theo phân tích của ông Nguyễn Am Hiểu, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế (Bộ Tư Pháp) tại Công văn góp ý dự thảo Thông tư quy định về việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước, thì việc Ngân hàng Nhà nước hạn chế đối tượng theo hướng chỉ ngân hàng thương mại được phép cung ứng dịch vụ kinh doanh vàng trên tài khoản là vi phạm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp khác không phải là tổ chức tín dụng.
Cơ sở pháp lý của nhận định này, theo ông Hiểu là căn cứ vào những tiêu chí mà các quy định về đối tượng được tham gia vào hoạt động cung ứng dịch vụ kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước phải đảm bảo theo pháp luật hiện hành.
Thứ nhất, đó là đảm bảo quyền kinh doanh của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế (theo quy định tại Điều 7 Luật Doanh nghiệp). Thứ hai, đảm bảo tính ổn định, liên tục của doanh nghiệp kinh doanh các loại hàng hoá, dịch vụ mà pháp luật không cấm. Thứ ba là đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng cho mọi doanh nghiệp được tham gia hoạt động cung ứng dịch vụ kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước theo quy định của pháp luật.
Cho tới thời điểm này, hoạt động kinh doanh vàng nói chung và kinh doanh vàng qua tài khoản nói riêng là những hoạt động không thuộc vào những hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.
Luật Các tổ chức tín dụng, trong nội dung về vấn đề kinh doanh vàng, Điều 71 quy định, tổ chức tín dụng được kinh doanh ngoại hối và vàng trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép. "Việc đặt ra giới hạn chủ thể nào mới được phép cung ứng dịch vụ kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước cần phải phù hợp với quy định pháp luật hiện hành về quyền kinh doanh của doanh nghiệp", ông Hiểu khẳng định và đề nghị, dự thảo Thông tư cần phải sửa lại theo hướng mở rộng hơn nữa các đối tượng được phép thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ này phù hợp với các pháp luật về kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.
Liên quan tới tiêu chí thứ hai, dự thảo Thông tư với quy định thu hẹp chủ thể nếu được thực hiện sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các doanh nghiệp không phải là ngân hàng thương mại đã thành lập sàn vàng (trong đó có cả giao dịch vàng vật chất và giao dịch vàng qua tài khoản). Hậu quả pháp lý của quy định này trong trường hợp đó sẽ là sự bất ổn trong hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng bị phát hiện là đi quá phạm vi đặt ra điều kiện kinh doanh. Vì theo Khoản 5, Điều 7 Luật Doanh nghiệp, bộ, cơ quan ngang bộ, hội đồng nhân dân và UBND các cấp không được quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.
Cũng phải nhắc lại rằng, ngay sau khi dự thảo Thông tư quy định về việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến rộng rãi, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng đã có đề nghị xem xét lại các nội dung này. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội cho rằng, việc tổ chức, vận hành sàn giao dịch vàng không thể thiếu sự tham gia, liên kết của các doanh nghiệp kinh doanh vàng. "Với sự liên kết này, ngân hàng thương mại có thêm tiềm năng, kinh nghiệm quản lý sàn giao dịch vàng, góp phần tăng thêm khả năng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, làm cho thị trường vàng phát triển lành mạnh, đảm bảo lợi ích của cá nhân nhà đầu tư cũng như của hệ thống ngân hàng thương mại, doanh nghiệp kinh doanh vàng", ông Long kiến nghị.
Bảo Duy
Đầu tư chứng khoán
|