Thứ Hai, 07/09/2009 15:08

ICV giải tán và uy tín của các quỹ đầu tư

Quyết định giải tán quỹ đầu tư Indochina Capital Vietnam (ICV), được đưa ra hôm thứ sáu vừa rồi, không gây ngạc nhiên lớn trên thị trường. “Cái chết của con thiên nga” này đã rập rình từ nhiều tháng nay, kể từ khi giá giao dịch chứng chỉ quỹ này trên thị trường London giảm trên 50% so với giá trị ròng (Net Assets Value – NAV).

* TTCK dưới áp lực thoái vốn của Indochina Capital

Indochina Capital không phải là quỹ đầu tư vào Việt Nam duy nhất đang lỗ lã, có kết quả kinh doanh kém hơn mức tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Hầu hết các quỹ đầu tư vào Việt Nam, có thành tích hơn kém nhau, nhưng đều đang ở trong tình trạng này. Sự đổ vỡ của Indochina Capital cho thấy uy tín của các quỹ đầu tư vào Việt Nam đang bị tổn thương trầm trọng, và tệ hơn nữa, sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài vì thế mà cũng bị đe doạ.

Kẻ vui người buồn

Lý do khiến cho Indochina Capital sụp đổ trong khi các quỹ khác vẫn đang hoạt động, theo giới quan sát, là vì những yếu kém trong quản lý và sự thiếu thống nhất của đội ngũ lãnh đạo quỹ dẫn đến kết quả kinh doanh kém. Sau một thời gian giá chứng chỉ quỹ bị giao dịch thấp hơn nhiều so với NAV, hồi tháng 7 vừa rồi Indochina Capital đã đề xuất với các cổ đông giải pháp chia đôi danh mục đầu tư, một phần thì thanh lý và một phần thì tiếp tục quản lý bằng việc liên doanh với Dragon Capital, một nhà quản lý quỹ có thành tích tốt hơn. Kế hoạch này không được đại hội cổ đông thông qua, và quyết định ngày 4.9 vừa qua là tất cả các quỹ đầu tư chứng khoán của Indochina Capital với tổng giá trị gần 250 triệu USD sẽ được bán và đóng cửa trong vòng từ sáu tháng đến một năm. Trong tình huống này, những người thắng cuộc là những nhà đầu tư đã mua chứng chỉ quỹ này khi giá chiết khấu bằng một nửa hoặc thấp hơn NAV. Nhưng không ít những nhà đầu tư khác phải ngậm đắng nuốt cay vì đã mua khi giá cao và bán đi khi giá trị cổ phiếu thấp hơn NAV. Đây là tình trạng chung mà những nhà đầu tư vào Việt Nam thông qua các quỹ đóng gặp phải.

Theo thống kê của giới tài chính, phải có tới khoảng 100 quỹ đầu tư lớn nhỏ các loại đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng chỉ có khoảng 20 quỹ là thực sự hoạt động. Số quỹ lớn, có tên tuổi và niêm yết trên các thị trường chứng khoán nước ngoài còn ít hơn, trong số đó có VinaCapital, Dragon Capital, Indochina Capital, PXP, Saigon Assets… Năm 2006 – 2007 là thời điểm vàng son của các quỹ đầu tư. Việc huy động vốn vào Việt Nam khá dễ dàng khi thị trường chứng khoán Việt Nam đang bùng nổ. Vào thời điểm này, ngay cả khi mức tăng của các quỹ thấp hơn mức tăng của VN-Index, các nhà đầu tư cũng không quan tâm: đối với nhà đầu tư vào VinaCapital, hiếm có thị trường nào đem lại lợi nhuận 65% (trong năm 2006) và 38% (2007). Năm ngoái, khi thị trường chứng khoán Việt Nam quay đầu, các quỹ cũng sụt giảm. Năm nay, tình hình còn có vẻ tệ hơn, bởi vì rất nhiều quỹ mất cơ hội khi VN-Index tăng giá. Từ đầu năm đến nay, VN-Index tăng khoảng gần 70%, nhưng theo báo cáo về các quỹ đầu tư vào thị trường đang lên của LCF Rothschild, tính đến tháng 6.2009 các quỹ đầu tư vào Việt Nam trung bình tăng 25%. Đây là mức kém hơn tăng trưởng của thị trường ít nhất một nửa. Đây là chưa tính đến rất nhiều quỹ thành viên khác mà tình hình kinh doanh không được công bố ra công chúng.

Khó củng cố uy tín

Hiện nay, việc huy động vốn mới vào Việt Nam rất khó khăn. Nhiều quỹ coi đây là chuyện không thể, và mặc dù một số nhà quản lý quỹ vẫn đặt ra mục tiêu huy động vốn mới, những thông báo này được nhìn nhận như một chiến lược đánh bóng tên tuổi hơn là một nỗ lực đem đến kết quả thực sự. Sự khó khăn này, một phần là vì trong tình hình thị trường đầu tư thế giới hiện nay, Việt Nam không có lợi thế lớn, một mặt vì uy tín của các quỹ đầu tư đang bị sụt giảm. “Trước đây các nhà quản lý quỹ này huy động vốn dễ dàng vì họ chưa có thành tích gì, và thị trường Việt Nam đang lên. Giờ đây họ đã có lịch sử rồi, không dễ thuyết phục nhà đầu tư chỉ bằng lời nói nữa”, giám đốc một ngân hàng đầu tư nhận xét.

Sự giải tán của Indochina Capital, mặc dù có thể không gây tác động lớn lên giao dịch trên thị trường chứng khoán, nhưng lại có tác động tiêu cực đối với uy tín của các quỹ khác đang đầu tư vào Việt Nam. Trong thời điểm này, hầu như các quỹ niêm yết đều đang bị giao dịch dưới giá trị ròng. Ví dụ, chứng chỉ quỹ Vietnam Opportunity Fund, NAV là 2,18 USD trên một cổ phiếu, nhưng giá giao dịch chỉ có 1,46 USD. Vietnam Equity Holding NAV là 2,30 euro nhưng đang được giao dịch với giá 1,16 euro. Tuỳ vào tầm nhìn của nhà đầu tư, đây có thể là một cơ hội để mua tài sản giá rẻ. Nhưng rõ ràng uy tín của thị trường Việt Nam chưa được củng cố, ít nhất vào thời điểm này, khi giá trị các chứng chỉ quỹ được giao dịch dưới giá trị.

Sự việc của Indochina Capital cho thấy, các quỹ đầu tư, và cả thị trường chứng khoán Việt Nam, sẽ phải làm rất nhiều để củng cố lại uy tín của họ và của thị trường.

Lan Anh

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   SD6: Báo cáo tài chính chi tiết đã soát xét 6 tháng đầu năm 2009 (04/09/2009)

>   Liên danh PVFC tài trợ 1,000 tỷ đồng cho Bio-Ethanol Dung Quất (07/09/2009)

>   Chứng khoán: Nén xong sẽ bật? (07/09/2009)

>   Tự ý tổ chức thị trường có thể bị phạt tới 200 triệu đồng  (07/09/2009)

>   Standard Chartered Bank vừa bán hơn 1.1 triệu cp ACB (07/09/2009)

>   Cơ hội từ VN-Index trong các tháng cuối năm (07/09/2009)

>   Đà giảm mạnh của VN-Index đã khựng lại (07/09/2009)

>   Vinashin sẽ lỗ 630 tỷ đồng nếu thoái vốn khỏi Bảo Việt (07/09/2009)

>   Nhà đầu tư nước ngoài giảm sức mua trái phiếu (07/09/2009)

>   HRC ước lãi 37 tỷ đồng 8 tháng (07/09/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật