Thứ Năm, 10/09/2009 10:42

Hỗ trợ lãi suất: Cần thực tế hơn

Sau 2/3 quãng thời gian áp dụng chương trình hỗ trợ lãi suất của Chính phủ dành cho doanh nghiệp với khoản chi phí lên tới hơn 413.000 tỷ đồng, giờ đây, nhiều ý kiến đặt ra là có nên kéo dài, hoặc có thêm gói hỗ trợ mới hướng tới đối tượng này.

Trưởng phòng giao dịch thuộc Chi nhánh một Ngân hàng tại Hải Phòng ngồi kiên nhẫn chờ vị khách hàng doanh nghiệp nóng tính “hạ hỏa”, kết thúc “bài” trách móc nhằm vào ngân hàng. Trên chiếc bàn trước mặt hai người chỉ có một tờ giấy, tiêu đề của nó rõ ràng không thân thiện chút nào với vị khách: Cam kết không nhận hỗ trợ lãi suất.

Quả ô liu không tạo ra chiếc bánh

Câu chuyện kỳ cục, ngân hàng muốn doanh nghiệp cam kết... không nhận hỗ trợ lãi suất hóa ra là có lý do hợp lý. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, nhưng kinh doanh loại hàng hóa đặc biệt: tiền tệ. Thế nên, an toàn vốn phải được đặt lên trên hết. Từ đầu năm 2009, triển khai chương trình cho vay kích cầu hỗ trợ lãi suất, ngân hàng cũng đã mời gọi và cho khá nhiều doanh nghiệp vay được vốn. Khổ nỗi, nguồn vốn ngân hàng cho vay chỉ có hạn. Nhưng cam kết hoàn trả tiền lãi suất hỗ trợ cho các ngân hàng thì đến giờ - tức là 2/3 quãng thời gian với gói kích cầu hỗ trợ lãi suất ngắn hạn - lại chưa thấy ai ở các cơ quan quản lý thực hiện.

Trong khi đó thì áp lực về cho vay hỗ trợ lãi suất ngắn hạn vẫn còn, lại cộng thêm cả nhu cầu vay từ gói hỗ trợ thứ 2 (hỗ trợ lãi suất với những khoản vay trung hạn). Phía Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu siết chặt tín dụng..., vì thế mà nhiều ngân hàng lựa chọn giải pháp an toàn: hạn chế cho vay với các đề nghị hỗ trợ lãi suất. Dĩ nhiên, biện pháp hạn chế mỗi ngân hàng đưa ra sẽ mỗi khác. Có ngân hàng đưa ngay điều khoản không hỗ trợ lãi suất vào hợp đồng tín dụng, có nơi yêu cầu ký cam kết, nhưng cũng có nơi chỉ yêu cầu bằng miệng. Và nếu khách hàng không đồng ý thì họ có thể tự tìm ngân hàng khác để hỏi vay.

Còn với nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, họ cho rằng gói hỗ trợ lãi suất chưa giúp đỡ được nhiều cho họ. Ông Nguyễn Minh Quyền - Giám đốc CTCP khoáng sản Hải Phòng cho hay, doanh nghiệp của ông vay được vốn lưu động duy nhất 1 lần từ gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn, với giá trị món vay chỉ bằng 20% nhu cầu. Ông Quyền, trong khi đó, cho rằng, có nguồn tiền khổng lồ chảy vào thị trường chứng khoán. Chẳng ai chứng minh được tiền ấy có bắt nguồn từ các khoản vay hỗ trợ lãi suất hay không? Nếu nguồn tiền ấy được “lái” vào khu vực sản xuất, thì doanh nghiệp rõ ràng sẽ đỡ khó khăn thêm nhiều phần.

Còn vị Trưởng phòng giao dịch của ngân hàng muốn khách hàng cam kết không nhận hỗ trợ lãi suất thì “triết lý”: “Gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ tựa như quả ô -liu, tự nó không tạo ra chiếc bánh - các khoản vay có hỗ trợ - mà doanh nghiệp cần khi đói. Thế nên nếu không có cam kết rõ ràng, thì sớm hay muộn cả ngân hàng và doanh nghiệp sẽ đều ngần ngại với ưu đãi của Nhà nước”. Nhận xét ấy là có cơ sở, nếu nhìn từ bối cảnh đã có hơn 413.000 tỷ VND do các ngân hàng cho vay tới doanh nghiệp, nhưng có thực sự “chảy” tới đúng các địa chỉ cần hỗ trợ nhất hay không thì lại chưa rõ ràng.

Cần thực tế hơn!

Bà Nguyễn Thị Ngân - Giám đốc Công ty TNHH chế biến thực phẩm Phú Cường (Hải Phòng) trong một lần trả lời phỏng vấn gần đây nói rằng, quyết định hỗ trợ lãi suất cho vay do Chính phủ đưa ra trong giai đoạn khó khăn là rất đúng đắn. Nhưng để giải pháp ấy phát huy tác dụng cụ thể với sản xuất thực tế của doanh nghiệp, thay vì có tác dụng như một giải pháp động viên về tinh thần, thì lại là điều khác hẳn. Bà Ngân nêu ví dụ ngay từ những hạn chế trong quy trình, thủ tục cho vay hiện đang áp dụng. Chẳng hạn như với gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn, việc cho vay vẫn gắn chặt với điều kiện phải có tài sản bảo đảm.

Mà đây lại là vấn đề khó khăn của rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chưa tính tới các điều kiện khác như phải chứng minh việc hình thành tài sản, rồi phải có lãi 3 năm liên tiếp... Mặt khác, giá trị khoản vay rất thấp, thường dưới 50% nhu cầu và vì thế chỉ giải quyết được phần rất nhỏ khó khăn của doanh nghiệp. Với kiểu khuyến khích này, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã nằm ngoài khu vực được hưởng hỗ trợ.

Trong sử dụng vốn vay, các doanh nghiệp thương mại và sản xuất có đặc trưng khác hẳn nhau. Theo đó, vòng quay vốn của doanh nghiệp thương mại ngắn hơn hẳn so với doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay không có sự phân biệt cho vay hỗ trợ lãi suất của gói ngắn hạn đối với doanh nghiệp sản xuất hay doanh nghiệp thương mại. Đương nhiên, so sánh về thời gian quay vòng vốn và về rủi ro khoản vay thì các doanh nghiệp sản xuất khó có thể chứng minh mình “hấp dẫn” hơn các doanh nghiệp làm thương mại. Thế nên, chuyện các doanh nghiệp này khó vay vốn ngay trong giai đoạn lãi suất được hỗ trợ đương nhiên sẽ xảy ra.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Minh Quyền cho rằng, Chính phủ đã có gói hỗ trợ lãi suất trung hạn để hướng tới các dự án sản xuất. Nhưng ngay cả với ưu đãi hấp dẫn nhất - cho vay tới 70% tổng nhu cầu đầu tư dự án - thì cũng ít doanh nghiệp lo được 30% vốn đối ứng. Chưa kể vì nỗi “băn khoăn” về cam kết sẽ hoàn trả lãi suất của Chính phủ nên các ngân hàng cũng chẳng mặn mà gì với đề nghị cho vay vốn trung hạn, nhất là cho vay có hỗ trợ lãi suất.

Điều đáng nói là, cả bà Ngân, ông Quyền, lẫn vị cán bộ ngân hàng đều đánh giá cao chủ trương kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, nhưng họ đều bày tỏ mong muốn gói hỗ trợ được nhắm tới những đối tượng doanh nghiệp cụ thể hơn. Những ý kiến này đã từng xuất hiện ngay trong giai đoạn mới bắt đầu áp dụng chương trình hỗ trợ. Giờ đây các doanh nghiệp đều mong muốn gói hỗ trợ lần hai sẽ có những định hướng rõ ràng, dành cho đối tượng doanh nghiệp đang cần hỗ trợ nhất: Doanh nghiệp sản xuất thuần túy. Trả lời phỏng vấn của Vietnamnet vào cuối tuần trước, ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho hay, Chính phủ sẽ thu hẹp đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất trong gói kích cầu thứ hai, chỉ ưu tiên những đơn vị sử dụng nhiều lao động, làm ra nhiều của cải, khác thác tốt thị trường nông thôn… Thời hạn hỗ trợ lãi suất cũng rút ngắn dần.

Được Nhà nước hỗ trợ luôn là điều doanh nghiệp mong chờ, nhưng sẽ tốt hơn nữa nếu những hỗ trợ ấy phát huy tối đa khả năng hỗ trợ doanh nghiệp của nó.

Quốc Dũng

Diễn đàn Doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Tập trung phát triển dịch vụ công hỗ trợ người nộp thuế (10/09/2009)

>   200 triệu USD cho DN đầu tư phát triển năng lượng tái tạo (10/09/2009)

>   Hấp dẫn kênh đầu tư trái phiếu (10/09/2009)

>   Nhà 500 triệu đồng sẽ phải đóng thuế? (10/09/2009)

>   Chuyển nhượng hợp đồng góp vốn nhà đất: Thu thuế là hợp lý (10/09/2009)

>   Hải quan làm, doanh nghiệp chịu (10/09/2009)

>   Ngân hàng than khó vì trần lãi suất (10/09/2009)

>   Huy động vốn tiết kiệm của Maritime Bank có nhiều khả quan (09/09/2009)

>   ACB lại nhận giải Ngân hàng tốt nhất Việt Nam (09/09/2009)

>   Thị trường TPCP chuyên biệt hoạt động như thế nào? (09/09/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật