Goldman Sachs: Fed vẫn giữ lãi suất thấp nhằm giảm nợ vay
(Vietstock) – Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể giữ nguyên lãi suất ở mức thấp trong nhiều năm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và người tiêu dùng trả nợ. Đó là nội dung báo cáo của hai nhà kinh tế Peter Berezin và Alex Kelston tại tập đoàn tài chính Goldman Sachs cuối ngày Thứ Năm 10/09.
Theo hai chuyên gia trên, chi tiêu ảm đạm do các hộ gia đình tập trung trả nợ có thể “cắt xén bớt” 2% giá trị tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong ba năm tới. Mặc dù chưa đe dọa đến đà phục hồi của nền kinh tế trong dài hạn, nhưng điều này có thể khiến FED phải giữ nguyên lãi suất cơ bản đến hết năm 2010.
Berezin và Kelston cho biết: "Thật khó để bỏ qua nhận định rằng FED có thể duy trì mức lãi suất khá thấp trong nhiều năm”. Hai chuyên gia này cũng cho biết nếu muốn giảm tỷ lệ nợ vay, các chính sách nới lỏng tiền tệ cần được duy trì để ngăn chặn sự sụt giảm trong chi tiêu và nguy cơ giảm phát.
Hiện lãi suất cơ bản của FED đang được giữ ở mức xấp xỉ 0% nhằm đối phó với cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ thế chiến II. Theo Berezin và Kelston, việc FED giữ nguyên lãi suất cho đến năm 2010 có thể là một cơ hội hấp dẫn để mua trái phiếu chính phủ, song lại đe dọa đến việc gia tăng bong bóng tài sản tại các nền kinh tế vốn có hệ thống tiền tệ lệ thuộc vào đồng USD.
Mặc dù tỷ lệ nợ vay đã bắt đầu giảm do các ngân hàng tiến hành củng cố bảng cân đối kế toán của mình, quá trình phục hồi vay tiêu dùng có thể tốn nhiều thời gian hơn và hiện chỉ đang ở giai đoạn đầu. Điều này có thể dẫn đến việc gia tăng tiết kiệm của các hộ gia đình và kéo theo sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng.
Trong khi nhiều dự đoán cho rằng FED sẽ tăng lãi suất cơ bản vào năm tới, các nhà kinh tế trên nhận định việc FED giữ nguyên lãi suất thấp sẽ có lợi cho trái phiếu.
Giữ lãi suất huy động thấp cũng có nghĩa là các nền kinh tế vốn đang ổn định tỷ giá giữa đồng nội tệ và đồng USD có thể sẽ vẫn “duy trì lãi suất ở mức rất thấp trong thời gian dài, do đó sẽ làm tăng khả năng bong bóng tài sản”.
Ngoài lãi suất thấp, nền kinh tế Mỹ còn được hỗ trợ bởi sự gia tăng chi tiêu chính phủ, cũng như từ các công ty mà đang cắt giảm hàng tồn kho và tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới nổi.
Cũng theo các chuyên gia, một số nền kinh tế vượt khủng hoảng tài chính tương đối tốt, điển hình như Australia và Na Uy, sẽ có thể tăng lãi suất sớm hơn so với Mỹ. Còn các nước Anh và Tây Ban Nha có tốc độ phục hồi kém hơn các nước có các khoản nợ ít hơn, cụ thể như Đức và Nhật Bản.
Bội Mẫn (Theo Bloomberg)
|