Thứ Ba, 15/09/2009 08:22

Đồng đô la Mỹ có còn sức mạnh? (P.2)

Tuần Việt Nam xin giới thiệu với bạn đọc phần cuối bài phân tích trên tạp chí Các vấn đề Đối Ngoại (Foreign Affairs) số ra tháng 9-10/2009 về cuộc cạnh tranh mà đồng đôla Mỹ đang phải đối mặt.

* Đồng đôla Mỹ có còn sức mạnh? (P.1)

Gậy ông đập lưng ông

Sự đa dạng hóa của Nga là một chuyện, nhưng sự đa dạng hóa ngoại tệ của Trung Quốc lại là chuyện khác. Chuyên gia kinh tế Brad Setser cho rằng tài sản bằng USD của Trung Quốc tính đến tháng 5/2009 lớn gần gấp 8 lần của Nga. Với khoảng 60% dự trữ trái phiếu của Trung Quốc là các tài sản bằng USD, thì sự đa dạng hóa ngoại tệ của Bắc Kinh sẽ tạo ra một bước ngoặt.

Các nhà chức trách Trung Quốc đang đối mặt với sức ép ngày càng lớn là phải làm điều gì đó. Vấn đề này đã trở thành một điểm nóng trong nước, cũng dễ hiểu bởi dự trữ ngoại tệ của nước này ở mức 2.000 USD/đầu người, tương đương 1/3 thu nhập bình quân của họ.

Trong một cuộc thăm dò dư luận qua internet do tờ Thời báo Toàn cầu (Global Times) thực hiện, 87% người Trung Quốc được hỏi cho rằng trái phiếu bằng USD của Trung Quốc là không an toàn. Trong một chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng Sáu, Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Timothy Geithner đã phải cố thuyết phục các sinh viên ở Đại học Bắc Kinh rằng các trái phiếu Ngân khố Mỹ được đảm bảo.

Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc nhận thấy họ đang ở trong thế tiến thoái lưỡng nan vì khối lượng khổng lồ trái phiếu bằng USD mà họ nắm giữ. Bán ồ ạt các trái phiếu Kho bạc Mỹ, dẫn tới thay đổi đáng kể cấu tạo của quỹ dự trữ ngoại tệ Trung Quốc, sẽ làm tăng giá chính các trái phiếu này. Nếu Ngân hàng nhà nước Trung Quốc chuyển một lượng lớn tiền tệ từ USD sang ngoại tệ khác, đồng tiền xanh này có thể mất giá và gây ra những thiệt hại lớn hơn đối với các trái phiếu còn lại mà Trung Quốc đang nắm giữ.

Kịch bản về các tác động trên đã ngăn cản Bắc Kinh hành động vội vàng. Hơn nữa, những trục trặc trên thị trường Ngân khố Mỹ, khiến nước này phải tăng lãi suất, có thể không làm cho Bắc Kinh thích thú gì với Washington. Và các giao dịch làm đồng USD mất giá mạnh, khiến các nhà đầu tư khác rời bỏ các thị trường quốc tế, cũng không giúp USD được các nước khác “mến mộ”. John Maynard Keynes đã nói một câu nổi tiếng là “Nếu bạn nợ chủ ngân hàng 1.000 bảng, bạn đang phó mặc cho ông ấy. Nếu bạn nợ ông ấy 1 triệu bảng, ông ấy đang phó thác mình cho bạn”.

Chiến lược nhanh nhạy trong bối cảnh như trên là từng bước tiến hành một loạt các thay đổi nhỏ trong cấu trúc quỹ dự trữ quốc gia. Trên thực tế, đó chính là điều mà các giám đốc quỹ dự trữ quốc gia ở Trung Quốc phải làm. Nhưng một lý do khác dẫn tới sự giảm sút USD trong các quỹ dự trữ ngoại tệ toàn cầu đang dần lộ diện.

Tiền đồ chơi

Không hài lòng với các giải pháp thay thế hiện tại, Trung Quốc và nhiều nước khác đã bắt đầu tìm các lựa chọn mới. Tháng 3/2009, Thống đống Ngân hàng nhà nước Trung Quốc Zhou Xiaochuan đã làm dấy lên một cuộc tranh luận lớn khi phát biểu rằng vai trò là ngoại tệ dự trữ quốc tế của USD cần phải được thay thế bằng SDRs - đơn vị tài chính được IMF sử dụng trong các giao dịch với các nước thành viên, gồm một giỏ tiền tệ có bốn ngoại tệ chính (USD, euro, yên Nhật và bảng Anh).

Tháng 6/2009, Moscow cũng gợi ý rằng có thể sẵn sàng chuyển đổi 10 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ thành các trái phiếu của IMF, được gọi là SDRs. Một ủy ban của Liên hợp quốc, đứng đầu là nhà Nobel kinh tế Joseph Stiglitz, cũng biện hộ cho vai trò ngày càng lớn của SDRs trong hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế.

Ý tưởng về một ngoại tệ dự trữ siêu quốc gia đã ra đời từ những năm 1940 – khi Keynes kêu gọi thành lập một đơn vị tiền tệ quốc tế mới (mà ông gọi là “bancor”) và khi nhà kinh tế học Robert Triffin nói tới sự bất ổn lớn của hệ thống quốc tế sử dụng một đơn vị tiền tệ quốc gia làm loại tiền dự trữ chính.

Trao cho IMF quyền phát hành SDRs, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của các ngân hàng trung ương trong dự trữ ngoại tệ, có thể loại bỏ ưu đãi thái quá hiện nay dành cho nhà cung cấp là một quốc gia, như Mỹ, và xóa bỏ sự bất cân xứng gây ra bất cân bằng toàn cầu và các vấn đề trên thị trường tín dụng. Giải pháp này cũng giúp giải quyết thế tiến thoái lưỡng nan mà các cổ đông lớn, như Trung Quốc, phải đối mặt trong quá trình tìm một lựa chọn thực tế cho quỹ dự trữ tiền tệ quốc gia.

Nhưng các quỹ dự trữ tiền tệ chỉ hấp dẫn khi chúng được sử dụng, trong khi hiện nay các chính phủ chỉ có thể dụng SDRs để thanh toán với các chính phủ khác và với IMF. Họ không thể dùng chúng để can thiệp vào thị trường hối đoái hoặc dùng trong các giao dịch khác với các tác nhân thị trường.

Để tăng độ hấp dẫn của SDRs đòi hỏi phải phát triển các thị trường tư nhân trong đó loại tiền này được dùng để mua và bán. Điều này đòi hỏi phải thành lập các thị trường tiền mặt, trong đó các chính phủ và công ty có thể phát hành trái phiếu SDR với giá cạnh tranh. Cần làm cho các ngân hàng chấp nhận tiền gửi bằng SDR và mở rộng cho vay bằng SDR. Và sẽ cần cấu trúc lại các thị trường ngoại hối để các cổ đông muốn mua/bán đồng won của Hàn Quốc lấy đồng bath của Thái trước đây, giờ sẽ mua/bán các ngoại tệ này bằng SDRs chứ không phải bằng USD.

Đây là nhiệm vụ quá nặng nề: cần phải nhắc lại rằng kế hoạch mua bán SDRs trong những năm 1970 chưa bao giờ trở thành hiện thực. Chỉ một vài công ty nhà nước phát hành trái khoán bằng SDR, và một số ít ngân hàng chấp nhận tiền gửi bằng SDR.

Hoàn toàn dễ hiểu tại sao như vậy: những nhà phát hành trái phiếu bằng SDRs đầu tiên phải chịu các chi phí phụ trội vì tính mới mẻ của công cụ tài chính này; trong khi những người sở hữu SDRs đầu tiên không thể dùng nó để trao đổi trong một thị trường tiền mặt. Điều này khiến SDRs mất tính cạnh tranh trong khi vẫn tồn tại các thị trường thanh khoản bằng USD và euro. Thay thế nội tệ quốc gia còn khó hơn cả một cuộc chiến cam go, bây giờ cũng như những năm 1970.

Để chiến thắng trong cuộc chiến này cần các đầu tư lớn của các chính phủ trong một thời gian dài. Nếu Trung Quốc thực sự muốn biến SDR thành một loại ngoại tệ dự trữ, họ cần tiến hành từng bước để tạo ra một thị trường thanh khoản bằng SDR. Đặc biệt, họ có thể phát hành các trái phiếu bằng SDR của mình.

Đây có thể là bước đi có ý nghĩa hơn nhiều việc mua các trái phiếu SDR của IMF – mà Trung Quốc, Brazil và Nga mới đây đang chuẩn bị làm – vì các trái phiếu này không thể được dùng trong mua bán, và như vậy không thể thúc đẩy tính thanh khoản của nó trên thị trường. Các chính phủ đầu tiên phát hành trái phiếu bằng SDR có thể phải trả giá cho sự mới mẻ này, nhưng cái giá này sẽ là chi phí đầu tư cho một hệ thống toàn cầu ổn định hơn.

Còn một câu hỏi nữa là ai sẽ là nguồn cầu trên thị trường này. Nhiều trái phiếu chính phủ đang nằm trong các quỹ hưu trí và các công ty bảo hiểm vì thời gian đáo hạn của các trái phiếu này trùng với thời gian kết thúc các nghĩa vụ của người về hưu và chủ hợp đồng bảo hiểm.

Điều này có nghĩa là họ có thể tin rằng sẽ có lượng tiền cần thiết trong tay khi đến thời gian thanh lý hợp đồng. Nhưng các trái phiếu bằng SDR không tương xứng với loại tiền tệ mà họ ghi nợ. Giả dụ nếu USD mất giá so với euro, một công ty bảo hiểm của châu Âu với các trái phiếu bằng SDR và các khoản nợ bằng euro có thể gặp vấn đề nghiêm trọng.

Một ngày nào đó, những người hưu trí và các chủ hợp đồng bảo hiểm có thể sẵn sàng chấp nhận được chi trả bằng một giỏ tiền tệ. Nhưng phải nhớ rằng ngày xuất hiện một thị trường thanh khoản bằng SDR, với lượng cung và cầu thích đáng, vẫn còn xa.

Trong khi đó, một thách thức khác là tạo ra một thị trường hối đoái bằng SDR. IMF đương nhiên sẽ là cha đẻ của thị trường này bằng cách trao đổi SDR với toàn bộ thành viên, tư nhân cũng như nhà nước, với mức chênh lệch giá đặt mua/bán không lớn, và có thể cạnh tranh với các thị trường bằng USD.

USD lần đầu tiên trở thành một ngoại tệ dự trữ quốc tế từ những năm 1920, khi Cục dự trữ liên bang Mỹ mới được thành lập và bắt đầu mua bán các hóa đơn thanh toán bằng USD, một dạng rút tiền có thỏa thuận, sau đó tạo ra một thị trường thanh khoản cho các công cụ này. Nếu cộng đồng quốc tế thực sự muốn SDR trở thành một đơn vị tiền tệ dự trữ quốc tế, thì cần trao quyền hành động cho IMF tương tự như một nhà kiến tạo thị trường – và cung cấp một ngân sách để thực hiện điều này.

Cuối cùng, để SDR thực sự trở thành một đồng tiền thanh toán quốc tế, IMF sẽ phải có khả năng phát hành thêm SDR trong các trường hợp thiếu hụt, giống như Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã cung cấp các công cụ hoán đổi USD nhằm đảm bảo tính thanh khoản của đồng tiền này trong nửa sau năm 2008.

Theo các quy định hiện nay, SDR không thể được phát hành nếu thiếu thỏa thuận của 85% thành viên IMF – đây không phải là một biện pháp để hành động nhanh. Ban quản lý IMF sẽ cần được trao quyền hợp pháp để quyết định khi nào phát hành thêm SDR; họ phải có được sự độc lập và quyền tự chủ, giống như ủy ban chính sách tiền tệ của một ngân hàng trung ương. Trên thực tế, IMF sẽ phải giống hơn với một ngân hàng trung ương toàn cầu và một nhà cho vay quốc tế trong trường hợp khẩn cấp. Và điều này rõ ràng không thể trở thành hiện thực trong nay mai.

Nhân dân tệ khó nắm quyền dự trữ chủ đạo

Ý thức về các thực tế trên, một số người ngạc nhiên là tại sao Thống đốc Ngân hàng nhà nước Trung Quốc Zhou muốn hướng tới SDR. Có thể hiểu việc này là ông đã ghi một điểm chính trị.

Ông muốn báo hiệu về sự không hài lòng của Trung Quốc đối với các hệ thống dự trữ đang phổ biến hiện nay, và nhắc nhở các quốc gia khác, trước thềm hội nghị thượng đỉnh kinh tế nhóm G-20 ở Luân Đôn, rằng Trung Quốc muốn tham gia tích cực vào các cuộc thảo luận về cải cách tiền tệ quốc tế và ủng hộ một hệ thống đa phương có nguyên tắc.

Ông cũng có thể đã đánh tiếng với dư luận trong nước, tìm cách làm chệch hướng những chỉ trích cho rằng nếu không thể tìm được giải pháp thay thế USD thì chính quyền Trung Quốc không phải là những người quản lý chu đáo các quỹ dự trữ quốc tế của nước này.

Hoặc tuyên bố trên có thể là một chiến thuật nghi binh, nhằm đánh lạc hướng sự chú ý khỏi mục tiêu thực của Trung Quốc là biến nhân dân tệ thành một đồng tiền dự trữ quốc tế. Điều này có thể khiến Trung Quốc không còn cần phải giữ các ngoại tệ để làm cân bằng cán cân thanh toán của mình, và có thể cho phép họ in thêm hoặc giảm bớt lượng tiền này khi cần, giống như Mỹ đang làm hiện nay.

Wang Zhaoxing, phó giám đốc chi nhánh Thượng Hải của Ủy ban Điều tiết ngân hàng Trung Quốc, cũng đã hé lộ với báo giới hồi tháng Năm rằng nhân dân tệ có thể trở thành một một đồng tiền dự trữ chính vào năm 2020.

Nhưng hiện nay, nhân dân tệ vẫn rất khó quy đổi. Người nước ngoài chỉ có thể sử dụng đồng tiền này để mua hàng hóa từ Trung Quốc hoặc trong trao đổi xuyên biên giới với các láng giềng gần của Trung Quốc và các khu hành chính đặc biệt như Hồng Công và Ma Cao.

Mùa Xuân vừa qua, Brazil và Trung Quốc đã thông báo muốn sử dụng các đồng nội tệ của mình trong các trao đổi song phương, nhưng tuyên bố này chủ yếu là một cách để mở rộng trao đổi song phương. Các công ty Brazil sẽ làm gì với đồng nhân dân tệ khi mà loại tiền này không thể được quy chuyển sang đồng reais của nước họ?

Tương tự, các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ mà Trung Quốc đã ký trong năm ngoái với Argentina, Belarus, Hồng Công, Indonesia, Malaysia, và Hàn Quốc đều không có nhiều ý nghĩa thực tế; chúng chủ yếu là cách để Bắc Kinh cho thấy tham vọng trở thành một diễn viên quốc tế. Ngân hàng trung ương của các nước này không thể sử dụng nhân dân tệ để can thiệp vào các thị trường hối đoái, nhập hàng hóa từ một nước thứ ba, hay thanh toán cho các ngân hàng và cổ đông nước ngoài.

Kết quả là Trung Quốc sẽ trở thành một nhà cung cấp các tín dụng khẩn cấp bằng cách chuyển các tín dụng này thành USD – nhưng điều này phá hoại mục đích của các hoán đổi là nhằm nâng cao vai trò quốc tế của nhân dân tệ.

Nhưng đồng thời, Trung Quốc có thể củng cố vai trò quốc tế của nhân dân tệ bằng cách phát triển các thị trường chứng khoán có tính thanh khoản và mở cửa thị trường này cho người nước ngoài. Họ cũng có thể làm cho nội tệ của mình có tính thanh khoản trong các giao dịch tài chính và thương mại.

Vấn đề là chuyện này sẽ diễn ra trong bao lâu? Trung Quốc đã nhìn thấy rõ con đường dẫn tới khả năng hoán đổi tài khoản vốn - tức là khả năng chuyển đổi tự do các tài sản tài chính trong nước thành tài sản tài chính nước ngoài và ngược lại – sẽ kéo dài hơn một thập kỷ, và điều này đang diễn ra. Giống như các nước châu Á khác rút ra bài học sau nỗi đau của mình, việc duy trì ổn định tài chính trong khi vẫn tạo cho các nhà đầu tư trong nước quyền tự do mua bán các tài sản nước ngoài, và các nhà đầu tư nước ngoài tự do trao đổi các tài sản trong nước, đòi hỏi một số điều kiện tiên quyết.

Các thị trường phải trong sạch. Các ngân hàng phải được thương mại hóa. Giám sát và điều tiết phải được củng cố. Các chính sách tiền tệ và tài chính phải đúng đắn và ổn định. Tỷ giá hối đoái phải mềm dẻo đủ để cung cấp các dòng vốn lớn hơn. Nói cách khác, Trung Quốc phải hướng tới khả năng hoán đổi hoàn toàn các tài khoản vốn, đây là điều kiện tiên quyết để nhân dân tệ trở thành một đồng tiền quốc tế.

Nhưng để làm được điều đó, trước tiên Trung Quốc sẽ phải là từ bỏ một mô hình tăng trưởng trong đó ngân hàng cho vay và nội tệ bị kìm giá - hai trong các công cụ chính của chính sách phát triển của họ. Điều này không hề dễ. Cứ nhìn vào các phản ứng đầu tiên của chính quyền Trung Quốc trước cuộc khủng hoảng kinh tế thì thấy, họ đã dựa vào việc cho vay trực tiếp (nhằm thúc đẩy đầu tư) và tiếp tục “gia cố” tỷ giá cứng của nhân dân tệ với USD (để duy trì xuất khẩu).

Tất cả các điều này cho thấy các thị trường tài chính Trung Quốc sẽ tiếp tục mở đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng sẽ chỉ mở dần dần. Đến nay, các trái phiếu bằng nhân dân tệ vẫn chỉ được bán tại Trung Quốc và giữa các ngân hàng Trung Quốc và ngân hàng đa quốc gia, như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC). Chính phủ Trung Quốc đã miễn cưỡng cho phép các tập đoàn nước ngoài phát hành trái phiếu, nhưng điều này bị cản trở bởi khả năng các trái phiếu này kết nối tiết kiệm với ngành công nghiệp Trung Quốc.

Tình hình đang bắt đầu thay đổi, dù rất chậm. Tháng 5/2009, HSBC Holdings và Ngân hàng Đông Á đã tuyên bố rằng họ là các ngân hàng nước ngoài đầu tiên chấp nhận mua trái phiếu bằng nhân dân tệ ở Hồng Công. Nhưng Hồng Công có các thị trường mở, và ADB và Ngân hàng nhà nước Trung Quốc đã được phép phát hành các trái phiếu bằng nhân dân tệ cho các cá nhân sống ở đây. Sẽ có ý nghĩa hơn nếu các hoạt động như vậy được chấp nhận ở Thượng Hải.

Ví dụ cho phép Mỹ phát hành trái phiếu bằng nhân dân tệ ở đây với quy mô nhỏ cũng có thể giúp biến Thượng Hải thành một trung tâm tài chính quốc tế. (Guo Shuqing, giám đốc Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, đã kêu gọi áp dụng điều này trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng Sáu). Các hộ gia đình có thể sẽ quan tâm đến các trái phiếu này như một giải pháp thay thế thuyết phục cho việc gửi tiền vào ngân hàng, vốn thường đổ vào phát triển công nghiệp. Nhưng nếu họ làm vậy, mô hình phát triển của toàn Trung Quốc sẽ gặp rủi ro.

Có thể chắc chắn rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ muốn thấy Mỹ đưa ra một đảm bảo về tỷ giá hối đoái đối với các trái phiếu bằng USD của họ. Bảo lãnh cho các cố phiếu mới mà Trung Quốc nắm giữ chống lại sự mất giá của đồng USD so với nhân dân tệ sẽ chẳng khác nào phát hành trái phiếu bằng nhân dân tệ. Các chính phủ đã tiến hành các bước tương tự. Nhưng công bằng mà nói, chiến lược này đang có dấu hiệu tuyệt vọng. Nó có thể sớm tan tành nếu ngoại tệ tăng giá. Và khi nhân dân tệ được cho là có giá cao hơn USD, các nhà chức trách Mỹ sẽ không xem việc này là một lựa chọn hấp dẫn.

Nói như vậy có nghĩa là các nỗ lực của Trung Quốc nhằm quốc tế hóa nhân dân tệ có thể không được đánh giá đúng mức. Các nhà hoạch định chính sách của nước này rất muốn biến Thượng Hải thành một trung tâm tài chính quốc tế vào năm 2020. Nhưng để đạt được mục tiêu này đòi hỏi phải xây dựng các thị trường tài chính rộng lớn hơn có tính thanh khoản cao hơn, trong đó diễn ra trao đổi các tài sản bằng nhân dân tệ và các nhà đầu tư nước ngoài được tự do tiếp cận.

Ngược lại, điều này sẽ dẫn tới một loạt thay đổi chính sách, có thể dẫn tới việc từ bỏ mô hình tăng trưởng đáng tin cậy và đã được khẳng định của Trung Quốc. Những thay đổi như vậy không thể diễn ra trong ngày một ngày hai, và có thể không trở thành hiện thực trước năm 2020.

Một lý do khác làm cho năm 2020 có thể là một mốc quá tham vọng để biến nhân dân tệ thành một đồng tiền dự trữ, đó là ngay cả khi Trung Quốc đạt tăng trưởng kinh tế 7%/năm trong thập kỷ tiếp theo – tức là chậm hơn trước đây, vì dân số không thuận lợi như hiện nay, nhưng vẫn là quá nhanh so với các chuẩn mực trong lịch sử - thì vào năm 2020, GDP của họ cũng sẽ chỉ bằng một nửa của Mỹ trên thị trường hối đoái (tỷ giá trên thị trường rất có ý nghĩa trong các giao dịch quốc tế).

Nói cách khác, đến lúc đó, nhân dân tệ sẽ có một nền tảng nhỏ hơn USD để phát triển sự nghiệp quốc tế của mình. Tính thanh khoản và các chi phí giao dịch trên các thị trường nhân dân tệ sẽ không thể so sánh với trên các thị trường USD, và các quỹ dự trữ bằng nhân dân tệ vì thế vẫn sẽ không hấp dẫn.

Lựa chọn trên sẽ hấp dẫn các quốc gia chủ yếu trao đổi thương mại với Trung Quốc và kinh doanh tài chính quốc tế của họ diễn ra chủ yếu tại Thượng Hải. Nếu không có gì bất thường, các quốc gia này trước hết sẽ là các nước châu Á.

Như vậy thị trường dự trữ bằng nhân dân tệ sẽ trở nên tập trung và bất cân xứng ở châu Á, ít nhất là ban đầu, giống như thị trường dự trữ euro hiện đang tập trung và bất cân xứng ở châu Âu. Điều này làm dấy lên câu hỏi liệu châu Á một ngày nào đó có muốn theo chân châu Âu trong việc tạo ra một đồng tiền chung duy nhất trong khu vực hay không.

Dường như điều đó không thể xảy ra. Trung Quốc không cần tham gia một khu vực tiền tệ nhằm đạt quy mô tài chính và kinh tế cần thiết để đồng tiền của họ đóng một vai trò quốc tế. Họ không cần phải chia sẻ chủ quyền về tiền tệ với các nước láng giềng để đồng tiền của họ trở thành một đơn vị dự trữ. Không cần thúc đẩy thành lập một liên minh tiền tệ khu vực, như bộ đôi Pháp và Đức, gần như chắc chắn Bắc Kinh sẽ muốn đợi cho tới khi nào nhân dân tệ trở nên quan trọng hơn trong khu vực.

Có một loạt các lý do vì sao một liên minh tiền tệ toàn châu Á khó trở thành hiện thực – từ các cấu trúc rất khác nhau của các nền kinh tế châu Á, đến việc ít nước muốn hội nhập chính trị trong khu vực. Nhưng triển vọng của nhân dân tệ là một đồng tiền quốc tế là lý do chính yếu.

Liệu nhân dân tệ có thể là một đồng tiền dự trữ khu vực? Có. Một ngoại tệ dự trữ phụ trợ? Có. Nhưng trong tương lai gần thì khó tưởng tượng được nó sẽ trở thành đồng tiền dự trữ chủ đạo.

Gặp chủ mới

Trong quá trình đào thải, rõ ràng là USD sẽ vẫn là loại tiền chính trong quỹ dự trữ quốc tế trong tương lai. Nó sẽ không còn vai trò chế ngự như trước đây, cũng vì Mỹ sẽ không còn là nước vượt trội về kinh tế như trong quá khứ.

Trước mắt, euro sẽ chia sẻ thị trường này, đặc biệt ở khu vực trong và xung quanh châu Âu. Về lâu dài, vai trò của nhân dân tệ cũng sẽ lớn dần, nhất là ở châu Á. Nhưng trong tương lai có thể nhìn thấy được, USD sẽ vẫn chiếm vị trí hàng đầu.

Chuyện đó không phải là chưa từng thấy. Một tình huống tương tự đã tồn tại trong vài thập kỷ trước chiến tranh thế giới thứ nhất, khi bảng Anh là đồng tiền dự trữ chủ đạo nhưng franc Pháp và mark Đức cũng chiếm những thị phần đáng kể, đặc biệt là trong các khu vực có liên quan về thương mại và tài chính với Pháp và Đức.

Các nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng bảng Anh và đôla Mỹ được trao các thị phần gần tương đương trong các quỹ dự trữ ngoại hối những năm 1920. Quan điểm cho rằng luôn có cơ hội cho một đồng tiền dự trữ duy nhất vào một thời điểm nào đó là không đúng. USD có thể chiếm ưu thế so với các đồng tiền dự trữ khác sau chiến tranh thế giới II, nhưng điều này chỉ tương ứng với các bối cảnh cụ thể, trong đó có việc Mỹ chế ngự các thị trường toàn cầu, và thực tế là chỉ Mỹ có các thị trường tài chính trong nước cởi mở và rộng rãi. Các bối cảnh đặc biệt này hiện nay không còn nữa.

Sự nổi lên của một hệ thống dự trữ dựa trên nhiều ngoại tệ có thể không đáng báo động. Một hệ thống như vậy chỉ hoạt động tốt trước chiến tranh thế giới thứ nhất: các đơn vị dự trữ khác nhau cùng chung sống hòa bình, mỗi loại có tác dụng với chính những người đã chọn ra chúng. Hệ thống này cũng tránh được kiểu bất ổn gần đây trên thị trường tài chính, trong đó một nhà cung cấp duy nhất bị tràn ngập trong nguồn vốn nước ngoài vì các thị trường mới nổi “ham” dự trữ, gây ra các bong bóng tài chính.

Có thể chắc chắn rằng những năm 1920 hóa ra lại ít hạnh phúc. Vào năm 1931, Vương quốc Anh phải hứng chịu đầu tiên là cuộc khủng hoảng tài chính, sau đó là khủng hoảng ngân hàng, và cuối cùng là khủng hoảng tiền tệ. Khi đó, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã chuyển đổi ngoại tệ dự trữ của mình từ bảng Anh sang đôla Mỹ. Và khi bất ổn lan rộng sang nước Mỹ, một số muốn trở lại bảng Anh, một số khác lại muốn dự trữ bằng vàng.

Hệ thống tiền tệ quốc tế đã bị bất ổn và cuối cùng bị phá hủy bởi chính những sự thay đổi được chăng hay chớ này. Nhưng bài học được rút ra là cạnh tranh ngoại tệ dự trữ phá hỏng các nguyên tắc thị trường mà các nhà hoạch định chính sách đã đúc kết. Các ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư quốc tế khác càng hay thay đổi bao nhiêu thì các nhà hoạch định chính sách sẽ phải chịu sức ép càng lớn bấy nhiêu nhằm đưa ra các bước tiếp theo để duy trì niềm tin của chính các nhà đầu tư này. Theo hầu hết các nhà hoạch định chính sách, thì đây không phải là một điều tồi tệ.

Quốc Thái

tuần việt nam

Các tin tức khác

>   Các thị trường tài chính đã có sự phục hồi (15/09/2009)

>   "Suy thoái của Euro-zone & EU sẽ kết thúc trong quý 3" (15/09/2009)

>   Một năm khủng hoảng tài chính Mỹ: Mừng lo lẫn lộn! (15/09/2009)

>   15/09, Dấu ấn "thảm họa" Lehman Brothers vẫn in đậm (15/09/2009)

>   Trung Quốc khiếu nại việc Mỹ đánh thuế lốp ôtô (15/09/2009)

>   Những nỗi sợ của nhà đầu tư huyền thoại (15/09/2009)

>   Nhà đầu tư nên có cái nhìn toàn cầu (14/09/2009)

>   Thị trường mua bán và sáp nhập dậy sóng (14/09/2009)

>   "Chứng khoán thế giới phục hồi mong manh" (14/09/2009)

>   Ngân hàng Mỹ hiện tệ hơn thời tiền khủng hoảng (14/09/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật