Ngân hàng Mỹ hiện tệ hơn thời tiền khủng hoảng
Joseph Stiglitz, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel, cho rằng Mỹ đã thất bại trong việc giải quyết các vấn đề cơ bản của hệ thống ngân hàng nước này, kể từ sau vụ sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers.
Trả lời phỏng vấn tại Paris hôm 13/9, ông Stiglitz nhận định, “tại Mỹ và nhiều quốc gia khác, số ngân hàng quá lớn bị sụp đổ hiện còn phình to hơn". "Những vấn đề của ngành ngân hàng hiện trở nên tồi tệ hơn cả năm 2007, trước khi khủng hoảng xảy ra".
Quan điểm của ông Stiglitz tương tự như của cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Paul Volcker, người đã khuyên chính quyền của Tổng thống Obama thu hẹp quy mô các ngân hàng.
Và nó cũng giống như ý kiến của Thống đốc Ngân hàng Israel, Stanley Fischer, người tháng trước khuyến cáo chính phủ các nước nên ngăn cản các tổ chức tài chính mở rộng quá mức.
Một năm sau vụ sụp đổ của Lehman, vụ việc khiến Bộ Tài chính Mỹ phải chi ra hàng tỷ USD để vực dậy hệ thống tài chính, tài sản của ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lên và tập đoàn Citi vẫn nguyên vẹn.
Tại Anh, tập đoàn ngân hàng Lloyds, với 43% cổ phần do chính phủ sở hữu, đã tiếp quản các hoạt động của ngân hàng HBOS Plc. Tại Pháp, ngân hàng BNP Paribas hiện sở hữu các tài sản ngân hàng của hãng bảo hiểm Fortis tại Bỉ và Luxembourg.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn đưa một số ngân hàng vào danh sách "có tầm quan trọng ảnh hưởng tới hệ thống" và đặt họ dưới sự giám sát chặt chẽ hơn. Dự định của ông là sẽ không buộc các ngân hàng này phải thu hẹp hoặc đơn giản hóa cơ cấu.
Nhà kinh tế đoạt giải Nobel cho rằng, Chính phủ Mỹ đang thận trọng với ngành công nghiệp tài chính đầy thách thức. Ông tỏ ý hy vọng lãnh đạo các nước G20 sẽ thuyết phục Mỹ có hành động cứng rắn hơn.
Dự kiến, trong hai ngày 24-25/9, lãnh đạo các nước G-20 sẽ nhóm họp tại Pittsburgh và xem xét các biện pháp điều chỉnh thị trường tài chính. Trước đó, hồi đầu tháng, lãnh đạo tài chính nhóm quốc gia này đã hội đàm tại London (Anh) và cùng quyết tâm ngăn chặn việc lặp lại cuộc khủng hoảng toàn cầu, vốn đã gây tổn thất 1.600 tỷ USD cho các cơ cấu tài chính kể từ năm 2007 đến nay.
Do triển vọng tăng trưởng và việc làm hiện chưa ổn định, G-20 tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài chính cũng như các chính sách tiền tệ cần thiết để giữ cho nền kinh tế thế giới phát triển đúng hướng.
Hội nghị G-20 tái khẳng định cam kết cải tổ hệ thống tài chính quốc tế nhằm tránh để xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo, hỗ trợ sự tăng trưởng lâu dài và tạo điều kiện để các nước đang phát triển có tiếng nói nhiều hơn trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
G-20 kêu gọi đưa ra những quy định tài chính chặt chẽ hơn, bao gồm việc yêu cầu các ngân hàng phải huy động vốn nhiều và hiệu quả hơn khi kinh tế thế giới phục hồi. Về vấn đề tiền thưởng trong khu vực ngân hàng, cần tăng cường công khai, minh bạch về mức độ và cơ cấu tiền thưởng, đề ra các quy định mang tính toàn cầu về cơ cấu tiền thưởng.
Đánh giá về triển vọng kinh tế thế giới, cựu chuyên gia kinh tế trưởng Stiglitz cho rằng, còn lâu mới thoát khỏi khó khăn. "Chúng ta đang bước vào giai đoạn kinh tế yếu kém tiếp theo", ông nói.
Theo chuyên gia này, "kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng nhưng chưa đủ để bù đắp lại cho việc tăng dân số".
Việt Hà (Theo Bloomberg)
Vietnamnet
|