Thứ Tư, 16/09/2009 23:10

Chiến tranh thương mại: Không dễ xảy ra

Mỹ quyết định đánh thuế cao lên mặt hàng lốp xe Trung Quốc. Trung Quốc trả đũa bằng việc khiếu nại lên WTO và tung chiến dịch điều tra chống phá giá thịt gà và xe Mỹ. Những mâu thuẫn thương mại mới nảy lên cuối tuần qua khiến cộng đồng quốc tế lo ngại khả năng leo thang một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế. Nhưng chiến tranh thương mại không dễ xảy ra khi quyền lợi giữa các quốc gia ngày càng gắn chặt và ai cũng có quá nhiều để mất.

Có một sự tự tin quả quyết khi Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định hôm thứ hai vừa rồi rằng ông “tuyệt đối” tin tưởng Mỹ và Trung Quốc sẽ tránh được một cuộc chiến tranh thương mại. Ông Obama tuyên bố như vậy sau khi Bắc Kinh nói họ sẽ yêu cầu tổ chức Thương mại thế giới (WTO) xem xét việc Mỹ áp mức thuế lên tới 35% đối với mặt hàng lốp xe nhập khẩu từ Trung Quốc. Về phía Trung Quốc, sau khi tuyên bố sẽ trả đũa với mặt hàng thịt gà, một ngành xuất khẩu lợi nhuận cao của Mỹ vào Trung Quốc, cũng ra dấu hiệu rằng họ hoàn toàn muốn tránh một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện với Mỹ.

Đằng sau những quyết định này, cả hai Chính phủ đều phải đối mặt với những áp lực chính trị nội địa. Obama phải làm hài lòng các nghiệp đoàn công nhân Mỹ, những người đã ủng hộ ông trong cuộc tranh cử tổng thống. Trong khi đó, Chính quyền Trung Quốc cũng không thể không phản ứng lại. Theo tờ New York Times, ngay sau khi Mỹ đưa ra quyết định trên, dư luận qua internet ở Trung Quốc ồn ào các bài viết lên án chủ nghĩa bảo hộ Mỹ và kêu gọi Chính phủ bán tháo trái phiếu ngân khố Mỹ. Hiệp hội Công nghiệp cao su Trung Quốc cho rằng ngành này sẽ thiệt hại một tỉ USD và khoảng 100 ngàn lao động sẽ mất việc làm vì thuế lốp xe của Mỹ.

Nhưng một cuộc chiến thương mại rất khó xảy ra khi cả hai nước đều có quá nhiều quyền lợi kinh tế đan xen. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Trung Quốc, với thặng dư mậu dịch lên đến 268 tỉ USD trong năm 2008. Hay nói cách khác, hiện nay Trung Quốc đang xuất siêu gấp ba lần giá trị nước này nhập từ Mỹ, và nếu có chiến tranh thương mại, Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn là được. Nói như ông Leo W. Gerard, lãnh đạo của liên đoàn Công nhân ngành thép Mỹ, tổ chức vận động chính sách thuế lên lốp xe Trung Quốc, thì “nếu Chính phủ Mỹ có gan trả đũa, thì Trung Quốc sẽ thuộc phe thua”.

Nói như vậy không thể không nhắc đến việc Trung Quốc có một lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ gần hai ngàn tỉ USD bao gồm cả trái phiếu ngân khố Mỹ và các tài sản khác chủ yếu là đồng đôla Mỹ. Không ít người lo ngại khả năng Trung Quốc bán tháo những trái phiếu này, và sẽ khiến đồng đôla mất giá thảm hại. Cho đến nay, Chính phủ Mỹ vẫn tỏ ra tự tin về khả năng này. Giả thiết dễ thấy là, nếu đồng đôla mất giá thì chủ nợ lớn nhất của họ là Trung Quốc cũng sẽ là người thiệt nhiều nhất. Hiện nay, chiến lược dự trữ của Trung Quốc vẫn là mua vào trái phiếu ngân khố Mỹ.

Một nguy cơ nữa đối với Trung Quốc, theo giới doanh nghiệp và các nhà kinh tế, là những rạn nứt thương mại có thể khiến cho các công ty đa quốc gia tính toán lại chiến lược phụ thuộc quá nhiều vào các nhà máy ở Trung Quốc của họ. Chính vì thế Trung Quốc chọn gà và ôtô, hai ngành công nghiệp có thể gây sức ép chính trị ở Mỹ, để buộc Chính phủ ông Obama từ bỏ việc thách thức chính sách thương mại Trung Quốc.

Mặc dù vậy, vẫn có những ý kiến như của Michael Spencer và Junma, hai nhà kinh tế của Deutsche Bank, trong một báo cáo hôm thứ hai, cảnh báo rằng hành động của Mỹ có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thương mại mini trị giá vài tỉ USD. Hai nhà kinh tế này cho rằng nếu căng thẳng thương mại hai nước gia tăng, thì các mặt hàng đậu nành và máy bay của Mỹ có thể sẽ bị Trung Quốc chọn làm nạn nhân trả đũa.

Chiến tranh thương mại gây thiệt hại nặng nề nhất cho thế giới vào năm 1930, khi các nước đều co cụm, giữ thị trường nội địa, dẫn đến cuộc đại suy thoái ở Mỹ. Các định chế thương mại tài chính quốc tế như WTO, World Bank và IMF được lập ra để đảm bảo các cuộc chiến tranh thương mại không xảy ra, mặc dù tranh chấp thương mại vẫn không tránh được. Mỹ và châu Âu đã từng nhiều lần doạ nạt chiến tranh thương mại lẫn nhau, chuyện này thường xảy ra vào các đợt bầu cử ở Mỹ khi các chính trị gia phải tranh thủ phiếu bầu và sẵn sàng trả giá tranh chấp bằng ngân sách.

Giới quan sát cho rằng WTO đang tạm thời “làm ngơ” các chính sách bảo hộ đi kèm với những gói kích cầu (những chính sách khuyến khích mua hàng hoá dịch vụ nội địa), nhưng sẽ xem xét tình trạng này khi nền kinh tế thế giới thoát khỏi tình trạng suy thoái.

Việt Nam không bị ảnh hưởng

Theo một chuyên gia vụ Pháp chế, bộ Công thương, những mặt hàng mà Trung Quốc và Mỹ đang tranh chấp hầu như không gây ảnh hưởng gì nhiều đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Cả Trung Quốc và Việt Nam cùng cạnh tranh xuất khẩu sang Mỹ nhiều mặt hàng giống nhau, đáng chú ý là dệt may, thuỷ hải sản. Theo chuyên gia này, nếu Mỹ áp dụng biện pháp thương mại như hạn ngạch hoặc thuế cao với những mặt hàng cùng chủng loại của Trung Quốc, thì Việt Nam có thể hưởng lợi hơn là bị thiệt.

Lan Anh

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   Hàn Quốc: Đau đầu với hàng nhái Trung Quốc (16/09/2009)

>   Đồng NDT chưa sẵn sàng thành đồng tiền quốc tế (16/09/2009)

>   “Kinh tế Mỹ đang tăng trưởng trên 2%” (16/09/2009)

>   Ngày 16/09, CK Châu Á chạm mức cao năm 2009 (16/09/2009)

>   Hongkong vẫn là nền kinh tế tự do nhất thế giới (16/09/2009)

>   Tỷ giá USD/EUR tiến dần lên mức cao nhất năm nay (16/09/2009)

>   Hàn Quốc xuất Mỹ lốp Việt thay hàng Trung Quốc (16/09/2009)

>   Shanghai “đỏ lửa” trong ngày “xanh” của CK Châu Á (16/09/2009)

>   Phố Wall chưa thuộc bài học Lehman Brothers (16/09/2009)

>   'Ngành công nghiệp quảng cáo đang hồi phục' (16/09/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật