Thứ Ba, 01/09/2009 08:37

Cảng nối cảng bên dòng Thị Vải

Từ đầu năm 2009 đến nay, khu vực TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu có hai cảng biển đưa vào hoạt động và cuối năm nay sẽ có thêm một cảng biển mới. Tổng cộng khoảng 37 cảng biển đã và sẽ ra đời.

Cuối tháng 8, dọc trên đường bên dòng sông Thị Vải đã có 15 bến cảng chuyên dụng và tổng hợp hoạt động. Bên cạnh đó có 10 cảng đang xây dựng và chuẩn bị đưa vào hoạt động. Cảnh quan nơi đây giờ đã khác xưa rất nhiều.

Đường biển ngắn lại

Ông Phạm Anh Tuấn - giám đốc dự án Portcoast - kể những năm 1980, khu vực bên dòng sông Thị Vải còn hoang sơ, dân cư thưa thớt, suốt dọc bờ sông toàn là rừng đước, chà là và bị ngập nước khi triều lên. Đến những năm 1990 đi khảo sát quy hoạch cảng biển vùng này, ông và ông Trần Tấn Phúc - nay là tổng giám đốc Portcoast - đi xe vài chục cây số đến chợ Mỹ Xuân (Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) mới tìm được quán cơm vì quanh vùng không có chỗ nào bán đồ ăn.

Ông Tuấn nói đến năm 1993-1994 dọc theo dòng sông Thị Vải dài 30km chỉ có ba bến cảng, trong đó bến cảng Phước Thái (nhà máy Vedan) là lớn nhất chỉ cho tàu đến 12.000 tấn ra vào. Vậy mà cảng quốc tế container SP-PSA khánh thành cách đây vài tháng đã đón con tàu dài 288m có sức chở 59.560 tấn - tàu lớn nhất lần đầu tiên cập cảng VN.

Ông Hồ Lương Quân - phó tổng giám đốc cảng SP-PSA - cho biết vào đầu tháng 6-2009, lần đầu tiên từ VN có chuyến tàu xuất hàng từ cảng này trực tiếp đến miền tây nước Mỹ và cuối tháng 8 lần đầu tiên có chuyến tàu biển đi miền đông nước Mỹ rút ngắn thời gian chạy tàu còn 15 ngày, thay vì 17 ngày nếu quá cảnh Singapore hoặc Hong Kong.

Cũng trên dòng sông Thị Vải, cách cảng SP-PSA không xa, tân cảng Cái Mép mới khánh thành giai đoạn 1 có công suất 600.000 container/năm. Tương tự, cách cảng SP-PSA không đầy 1km, cảng SITV - liên doanh giữa Công ty TNHH đầu tư xây dựng thương mại Sài Gòn và Hutchison Port Holdings (Hong Kong) - nơi có vài trăm công nhân với nhiều thiết bị máy móc thi công nước rút để công trình hoàn thành vào đầu năm 2010. Một số cảng khác cũng đang trong giai đoạn thi công hoặc hoàn thiện.

Cần thực hiện nhanh việc mở đường và nạo vét luồng tàu vào các cảng dọc sông Thị Vải - ông Nguyễn Văn Phú, giám đốc dự án phát triển cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải (thuộc Ban quản lý dự án 85 - Bộ Giao thông vận tải), cho biết. Ông Phú nói các công trình mở đường, nạo vét luồng tàu đã triển khai đúng tiến độ và đến tháng 10-2010 toàn bộ cảng biển dọc sông Thị Vải sẽ hưởng lợi từ các công trình này.

Nhiều “ông lớn” nhảy vào

Theo ông Phạm Anh Tuấn, ngay sau khi quy hoạch chi tiết được phê duyệt, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã dành sự quan tâm đặc biệt vào hệ thống cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép. Nhiều dự án khả thi đã hình thành và một số chủ đầu tư đã định hướng tương lai nên thiết kế cảng cho cỡ tàu 120.000-160.000 tấn cập cảng. Đến nay tại khu vực này đã có mặt các liên doanh với các tập đoàn vận tải và khai thác cảng biển hàng đầu thế giới. Cụ thể là Maersk A/S (Đan Mạch), SSA Marine (Mỹ), PSA (Singapore), Hutchison (Hong Kong), Yang Ming (Đài Loan), CMA-CGM (Pháp)...

Sở dĩ có nhiều “ông lớn” nước ngoài trong lĩnh vực vận tải biển và khai thác cảng biển đến VN, theo Portcoast, do năm 2005 Bộ luật hàng hải mới ra đời với nhiều đổi mới trong cơ chế đầu tư cảng biển và VN gia nhập WTO nên hoạt động đầu tư xây dựng cảng biển mới thật sự khởi sắc. Trong một vài năm gần đây, nhu cầu thông quan hàng hóa của đất nước ta rất lớn, trong khi các cảng biển hiện có không đáp ứng được. Với hàng loạt cảng hoàn thành trong giai đoạn 2009-2010 sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ông Trần Tấn Phúc cho biết dọc tuyến sông ở TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai đang là một đại công trường xây dựng cảng biển. Chỉ vài ba năm tới, vùng này sẽ đưa vào hoạt động hàng loạt cảng biển lớn, hiện đại sánh ngang với các cảng lớn trong khu vực và thế giới.

Sông rộng, lòng sâu, tàu lớn đến

Những người làm công tác quy hoạch cảng biển đều khẳng định vị trí xây dựng cảng biển dọc theo dòng sông Thị Vải - Cái Mép có rất nhiều ưu thế, bởi vì dòng sông này gần như nằm song song với quốc lộ 51 (từ ngã ba Vũng Tàu đến bãi biển Vũng Tàu). Đây là dòng sông có độ sâu bình quân 15-20m (chỗ sâu nhất đến 60m) rất thuận lợi cho tàu 50.000-80.000 tấn cập cảng; sông rộng bình quân 500-600m (chỗ rộng nhất đến 1km) có thể cho tàu biển chạy hai chiều và quay đầu tàu dễ dàng.

So với luồng tàu biển ra vào cảng Cái Lân (Quảng Ninh), cảng Sài Gòn (TP.HCM), cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) và Cần Thơ thì luồng tàu biển vào Thị Vải - Cái Mép có độ sâu và chế độ thủy văn không nơi nào có được.

Ngọc Ẩn

TUỔI TRẺ

Các tin tức khác

>   Gạo xuất nhiều nhưng giá thấp (01/09/2009)

>   Khi mất điện không chỉ vì thiếu điện (01/09/2009)

>   Đưa chè Việt Nam lên sàn: Yếu tố cốt lõi ở chất lượng (01/09/2009)

>   Bài 1: Hàng Việt 'gặt hái” nhờ biết bán… đắt (01/09/2009)

>   Nhà ở xã hội vẫn còn ách tắc (01/09/2009)

>   Bình Định: phê duyệt quy hoạch đô thị Bồng Sơn (01/09/2009)

>   Chất lượng là hàng đầu (01/09/2009)

>   Hướng tới một quốc gia kinh tế biển (01/09/2009)

>   Tùy tiện thay đổi hướng đường: Lãng phí lớn! (01/09/2009)

>   Thay đổi chiến lược đầu tư bất động sản (01/09/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật