Thứ Tư, 16/09/2009 10:39

"Bài toán lãi suất đang là vấn đề khó giải quyết nhất"

Để thực hiện gói kích thích kinh tế với quy mô 8 tỷ USD, mà Chính phủ công bố, cho đến nay việc thực hiện bù lãi suất 4% cho các doanh nghiệp thuộc đối tượng vay vốn lưu động là chính sách có nhiều tác dụng nhất.

Tuy nhiên, những giải pháp có tính chất sơ cứu, phải chăng đã đến lúc cần nghiên cứu lại việc tiếp tục hỗ trợ vốn tín dụng ngắn hạn.

Theo kế hoạch thì việc thực hiện bù lãi suất 4% sẽ kết thúc vào cuối tháng 12/2009. Tuy nhiên, hiện có nhiều ý kiến cho rằng nên kéo dài thêm việc bù lãi suất này đến giữa hoặc cuối năm 2010.

Về điều này, ông Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn tiền tệ quốc gia, nói:

- Gói giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, được áp dụng từ tháng 12/2008 đến nay đã có tác dụng tích cực, nhất là giải pháp hỗ trợ tín dụng 4% lãi suất vốn lưu động trong 8 tháng qua theo Quyết định131 của Thủ tướng Chính phủ.

Giải pháp này đã tạo thanh khoản mạnh mẽ cho nền kinh tế, làm tăng tổng cầu và tạo điều kiện trực tiếp cho nhiều doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn về vốn lưu động để “bám giữ” thị trường, tăng số chỗ làm mới cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, tất cả những giải pháp đang thực thi cũng chỉ mang “tính chất sơ cứu” của thời kỳ suy giảm tăng trưởng, vấn đề đặt ra là gắn các giải pháp ngắn hạn với mục tiêu kinh tế trung, dài hạn như thế nào mới chính là bài toán của thời kỳ “hậu suy giảm”, nó không chỉ có ý nghĩa cho giai đoạn này mà sẽ tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn “tăng tốc” tiếp theo.

Đề cập đến chính sách hỗ trợ tín dụng, tăng tính thanh khoản cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng thương mại nói riêng, phải nói rằng bên cạnh tác dụng tích cực của nó, thị trường lãi suất đang xuất hiện một số dấu hiệu cần lưu ý; nguy cơ lợi dụng chính sách bù lãi suất để hưởng lợi rất khó tránh khỏi và sẽ tạo khó khăn cho Chính phủ khi thực thi chính sách lãi suất hướng về thị trường.

Xin ông phân tích rõ hơn về những dấu hiệu đó?

Việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất đang bộc lộ một số hạn chế như chỉ giúp được các doanh nghiệp khó khăn nhất thời về vốn lưu động, nhưng không giúp trực tiếp cho các doanh nghiệp khó khăn về thị trường. Nên hiện nay đang có biểu hiện “hỗ trợ cho người khoẻ, mà không hỗ trợ cho người thực sự yếu”, tạo sự bất bình đẳng trong cạnh tranh.

Cùng đó, với việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất này, khó kiểm soát vòng quay của nguồn tín dụng ngắn hạn nên có nguy cơ sử dụng sai mục đích, tạo áp lực lạm phát hoặc tạo “bong bóng” ở những lĩnh vực nhạy cảm với đầu cơ.

Khi duy trì lâu cơ chế “hai giá” về lãi suất, thì khó tránh khỏi tiêu cực và làm khó khăn thêm cho việc thực hiện chính sách điều hành lãi suất dựa theo tín hiệu thị trường.

Chính vì thế, cần nghiên cứu lại việc tiếp tục hỗ trợ vốn ngắn hạn. Đồng thời rà soát lại đối tượng và ngành nghề hỗ trợ vốn trung hạn đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị, phát triển sản phẩm mới; thay việc hỗ trợ lãi suất cho khu vực nông thôn theo Quyết định 497 bằng các hình thức khác phù hợp hơn.

Ông có lưu ý đến việc “gắn các giải pháp ngắn hạn (như việc hỗ trợ bù lãi suất 4%) với mục tiêu kinh tế trung, dài hạn như thế nào mới chính là bài toán của thời kỳ hậu suy giảm”. Theo ông thì việc “gắn” này nên theo hướng nào để có đáp số đúng cho năm 2010?

Năm 2010 có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ có ý nghĩa đối với việc thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, mà quan trọng hơn là thời cơ để bắt đầu thực hiện một Chương trình tổng thể tổ chức lại nền sản xuất theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, khắc phục những tồn tại yếu kém của cơ cấu kinh tế, tạo bước khởi đầu vững chắc cho việc xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015.

Do đó, khi bàn đến mục tiêu nhiệm vụ năm 2010, không thể tách rời với những vấn đề trung-dài hạn của nền kinh tế.

Thứ nhất, cần xác định vấn đề trọng tâm của nền kinh tế “hậu suy giảm”: Tổ chức lại nền kinh tế nhằm chuyển nền kinh tế từ tính chất gia công sang sản xuất; tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; chuyển nền kinh tế từ lệ thuộc sang tương thuộc trong quá trình hội nhập.

Thứ hai, khai thác thị trường nội địa trong chính sách phát huy nội lực. Chủ trương của Bộ Chính trị khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam là rất đúng đắn, nhưng để chủ trương này mang lại kết quả cao phải tổ chức lại nền sản xuất, định hướng cho các doanh nghiệp đầu tư mở rộng thị trường nội địa.

Thứ ba, giải quyết nguồn vốn trung, dài hạn trong điều kiện chưa thể hạ lãi suất. Vừa qua để bảo đảm an toàn của hệ thống, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh cơ cấu tín dụng trung, dài hạn trong dư nợ tín dụng của ngân hàng thương mại từ 40% xuống còn 30%, nên nguồn tín dụng này có thể sẽ căng thẳng trong thời gian tới.

Mặt khác trong 8 tháng đầu năm nay, chỉ số tăng giá (CPI) chỉ có 3,47% trong khi đó lãi suất cho vay thương mại ở mức 10%, nên lãi suất thực dương gần 7% làm hạn chế động lực đầu tư của doanh nghiệp.

Do đó, bài toán lãi suất đang là vấn đề nhạy cảm và khó giải quyết nhất hiện nay. Chủ trương ổn định lãi suất cơ bản từ nay đến cuối năm là cần thiết để ổn định vĩ mô, nhưng để hỗ trợ cho doanh nghiệp tận dụng thời cơ đầu tư chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, cơ cấu thị trường, thì cần phải có giải pháp cho nguồn vốn trung, dài hạn.

Lê Châu

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Giảm thuế nhập khẩu xăng dầu (16/09/2009)

>   Điều hành ổn định, linh hoạt thị trường ngoại hối (16/09/2009)

>   Trả lương qua tài khoản: Tiềm năng thực tế và vướng mắc (16/09/2009)

>   Sẽ kiểm tra ngân hàng có lãi suất quá cao (16/09/2009)

>   Đôla ngân hàng tăng, chợ đen giảm (15/09/2009)

>   Kiến nghị hạ thuế nhập khẩu một số nguyên liệu thuỷ sản (15/09/2009)

>   Agribank đăng ký hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối (15/09/2009)

>   Nam A Bank đủ điều kiện cung ứng dịch vụ ngoại hối (15/09/2009)

>   Tỷ giá USD/VND liên tục lập mốc cao mới (15/09/2009)

>   Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhà giá rẻ từ 28/10 (15/09/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật