Thứ Ba, 25/08/2009 09:19

Xử phạt vi phạm: CTCK… nhờn thuốc

Trong một ngày (19/8), UBCK đã ban hành 3 quyết định xử phạt CTCK. Không phải ngẫu nhiên UBCK lại “tung” ra nhiều quyết định xử phạt hành chính đối với các CTCK vào thời điểm này. Khi thị trường đang có dấu hiệu tăng nóng trở lại, việc ưu tiên giao dịch cho khách hàng hay của chính công ty là quyết định không dễ dàng.

Chỉ là 3 trường hợp?

Ngày 19/8, UBCK ban hành Quyết định số 526/QĐ-UBCK xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCK Châu Á - Thái Bình Dương (APECS). Biên bản kiểm tra ngày 6/1/2009 giữa UBCK và APECS cho thấy: trong quá trình thực hiện cung cấp dịch vụ cho khách hàng (tài khoản 030C003535, 030C003663, 030C003232), APECS đã vi phạm quy định của pháp luật về chứng khoán và TTCK. Cụ thể, APECS không thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro và giám sát trong các giao dịch của cổ phiếu MIC, VIC, VPL; vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 71 Luật Chứng khoán. APECS cũng không tổ chức lưu giữ đầy đủ chứng từ, không phản ánh chi tiết, chính xác các giao dịch của khách hàng trong giao dịch đối với cổ phiếu MIC, VIC, VPL; vi phạm quy định tại Khoản 8 Điều 71 Luật Chứng khoán. Từ 2 vi phạm trên, APECS bị xử phạt tổng cộng 40 triệu đồng.

Một trường hợp khác là CTCK Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBS). Trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng (tài khoản 026C007997), VPBS đã không kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro và không giám sát, ngăn ngừa xung đột lợi ích trong Công ty dẫn đến bị phạt 20 triệu đồng.

CTCK Hải Phòng (HPSC) cũng nằm trong số CTCK bị phạt. Trong khoảng thời gian từ ngày 24/2/2009 đến ngày 28/5/2009, HPSC đã phản ánh không chính xác giao dịch của khách hàng trên một số mã tài khoản, vi phạm quy định tại Khoản 8 Điều 71 Luật Chứng khoán. Xét tính chất và mức độ vi phạm, UBCK phạt tiền 20 triệu đồng đối với HPSC.

Trên đây chỉ là 3 trường hợp cơ quan quản lý phát hiện ra, nhưng không ai dám chắc không có CTCK nào lọt lưới!

Khó giải quyết tận gốc

Điều dễ nhận thấy là các CTCK bị xử phạt lần này đều vi phạm Khoản 1 và Khoản 8 Điều 71 Luật Chứng khoán. Có thể hiểu, đã có sự thiếu minh bạch trong giao dịch giữa tài khoản của CTCK và khách hàng. Theo tìm hiểu của ĐTCK, khi nộp hồ sơ xin thành lập, CTCK phải xây dựng quy trình quản lý rủi ro, quy trình kiểm soát, giám sát nội bộ. Tuy nhiên, quy trình này có tác dụng hay không, tuỳ thuộc vào chính đơn vị ban hành thực hiện nó ra sao. Việc “múa tay trong bị” để mang lại lợi ích cho mình là điều không ít CTCK đang thực hiện. Tuy nhiên, vẫn có CTCK xác định mục tiêu mang lại dịch vụ cho khách hàng và đổi lại là sự gắn bó lâu dài của khách hàng với công ty. Ở những công ty này, ngoài việc ban hành một hệ thống giám sát giao dịch chuẩn, còn đưa công nghệ hiện đại vào giám sát. Để hạn chế việc xâm phạm, chiếm dụng tài khoản (vay mượn chứng khoán; bán lúc đắt, mua lại lúc rẻ…), ngoài việc tuân thủ quy trình giao dịch chung, CTCK cần có quy định kiểm tra chéo giữa các bộ phận, xây dựng “tường lửa” giữa bộ phận kế toán, công nghệ thông tin, môi giới…

Việc ngăn ngừa các sự cố liên quan đến tranh chấp tiền và chứng khoán trên TTCK là điều cơ quan quản lý rất mong muốn thực hiện, nhưng trên thực tế điều này còn phụ thuộc vào hệ thống công nghệ. Nhân sự ít, mỗi năm UBCK cũng chỉ kiểm tra được khoảng 10 CTCK, nên việc phát hiện xử phạt nhằm tăng tính răn đe là rất hạn chế. Hầu hết CTCK kể trên đều vi phạm từ đầu năm 2009, nhưng đến bây giờ cơ quan quản lý mới đưa ra quyết định xử phạt, cho thấy sự chậm trễ trong quản lý.

Trên thực tế, UBCK đã nhiều lần có công văn yêu cầu CTCK tăng cường kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp nhằm tránh xung đột lợi ích và đảm bảo quyền lợi của khách hàng theo quy định của pháp luật, nhưng vi phạm vẫn xảy ra, dẫn đến các quyết định xử phạt kể trên.

Tuy nhiên, theo một quỹ đầu tư, quyết định xử phạt với số tiền ít ỏi của UBCK mới chỉ là những cái “vỗ vai”  rất nhẹ đối với CTCK. Để giải quyết tận gốc vấn đề, ngoài việc nâng mức xử phạt (số tiền xử phạt phải bằng ít nhất số tiền thu được từ việc vi phạm), cần phải tách bạch tài khoản (tiền và chứng khoán) NĐT và tài khoản của CTCK. Về chứng khoán, tài khoản của NĐT (cả tổ chức và cá nhân) cần được lưu ký trực tiếp tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (TTLK), chứ không phải lưu ký 2 cấp như hiện nay (NĐT lưu ký chứng khoán tại CTCK, sau đó CTCK lưu ký chung cả chứng khoán của mình và NĐT vào 1 tài khoản tại TTLK). Về tài khoản tiền của NĐT, cần được mở và quản lý bởi ngân hàng, chứ không phải tại CTCK. Trong khi việc lưu ký 1 cấp cần lộ trình để đầu tư công nghệ và nâng cao năng lực cho TTLK thì việc tách bạch tiền NĐT khỏi tài khoản CTCK vẫn đang được thực hiện nửa vời. Chừng nào chưa xử lý được triệt để 2 vấn đề trên thì vi phạm trong giao dịch vẫn xảy ra và thiệt thòi thuộc về NĐT, nhất là NĐT nhỏ lẻ.          

Đông Hải

Đầu Tư Chứng Khoán

Các tin tức khác

>   Quyết định thu gần 900 tỉ đồng của Vinaconex (25/08/2009)

>   EVN bán thêm 2.77 triệu cổ phiếu PPC (25/08/2009)

>   SVC bán xong 221,060 cổ phiếu quỹ (25/08/2009)

>   Dồn dập phát hành thêm cổ phiếu (25/08/2009)

>   Blue-chip sẽ tăng ? (25/08/2009)

>   SAV chốt DS tạm ứng cổ tức và lấy ý kiến cổ đông (24/08/2009)

>   "Cổ phiếu ngành xuất khẩu triển vọng tốt" (24/08/2009)

>   TDH công bố khởi công 2 dự án với kinh phí hơn 130 tỷ đồng (24/08/2009)

>   VFM giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu NTL và SJS (24/08/2009)

>   Tin giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu sàn HOSE ngày 24/08 (24/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật