Vốn ngoại ngắm cổ phiếu
Trong khi ngân hàng loay hoay với bài toán tăng lãi suất để hút vốn thì thanh khoản của thị trường chứng khoán tiếp tục tăng. Trong đó, có lượng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài liên tục thời gian qua.
Tiền ngoại thông minh?
VN-Index đang đứng ở 527 điểm, tăng 88 điểm so với đầu tháng 7. Tháng 8, trong khi các ngân hàng vẫn chật vật nâng lãi suất huy động tiền đồng tăng thêm 0,3 – 0,6% để giữ và hút lượng tiền gửi, thì theo cục Thống kê TP.HCM, tính thanh khoản của thị trường tăng 47,4% so với tháng 7. Bình quân mỗi phiên giao dịch có 51 triệu chứng khoán được chuyển nhượng với giá trị gần 2.000 tỉ đồng.
Khối nước ngoài vẫn cần mẫn mua ròng suốt hai tháng 7 và 8. Từ tháng 5 đến nay, những cổ phiếu được khối nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất là FPT, DPM, PPC, HPG, PVF. Đây là các cổ phiếu thuộc ngành hàng công nghiệp. Hầu hết các cổ phiếu này là blue-chips, có tính thanh khoản tốt, mức giá tăng trung bình 82% so với thời điểm đầu tháng 3.
Ngược lại, thống kê của công ty chứng khoán Phố Wall (WSS) cho thấy, các cổ phiếu bị nước ngoài bán ròng nhiều nhất trên sàn HoSE là các cổ phiếu có tăng trưởng lợi nhuận giảm so kỳ cùng năm ngoái, hoặc các nhóm cổ phiếu có lợi nhuận thấp từ hoạt động kinh doanh chính như REE, SAM. Các cổ phiếu này được bán từ từ, đan xen với các phiên mua, để tạo xu thế cân bằng trên thị trường.
Tuy mua ròng, nhưng WSS cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài không tìm cách tranh mua bằng mọi giá, giá trung bình khớp lệnh cho các cổ phiếu này thông thường chỉ bằng hoặc thấp hơn giá trung bình khớp lệnh toàn thị trường. Thí dụ, HPG, từ tháng 5 đến nay, khối ngoại mua ròng hơn 12 triệu cổ phiếu HPG với giá bình quân là 56.000đ thấp hơn mức giá bình quân HPG trên thị trường là 57.200đ.
Tiền sẽ còn đổ vào?
Tuy nhiên, lượng tiền mặt hầu như đứng yên mấy tháng qua, cũng như xu hướng bán ra ồ ạt, cho thấy sự tham gia mua vào trên thị trường của các quỹ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam như Dragon Capital… là không nhiều.
Điều này, theo giám đốc một quỹ đầu tư trong nước, những quỹ các công ty này huy động đầu tư vào Việt Nam hầu hết đã “có nơi có chốn”, lượng tiền mặt còn lại phải được duy trì theo quy định, không thể giải ngân. Lượng vốn nhà đầu tư nước ngoài đang đổ vào thị trường hiện nay, phần lớn là từ P-notes (Participatory notes).
P-notes là sản phẩm của các tổ chức đầu tư ở thị trường các nước mới nổi phát hành cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, một ngân hàng đầu tư, thí dụ như Citibank ở Việt Nam, bán một chứng từ ghi nợ, mà tài sản chính là một danh mục đầu tư bao gồm khoảng 10 cổ phiếu. Dòng tiền trong tương lai của P-notes là cổ tức và thu nhập khác từ các cổ phiếu trong danh mục. Theo giám đốc trên, P-notes dễ mua dễ bán, vài chục đôla cũng có thể mua được P-notes.
Chính vì vậy, trong khi huy động một quỹ vào thời điểm hiện nay không được nhà đầu tư tổ chức mặn mà, cũng như việc rút vốn (nếu là quỹ đóng) rất khó khăn, thì P-notes là một giải pháp cho các nhà đầu tư nước ngoài xoay trở nhanh khi có “biến”.
Theo ông Dominic Scriven, tổng giám đốc Dragon Capital, nếu năm ngoái trái phiếu là ưu tiên trong danh mục, thì năm nay, nhà đầu tư sẵn sàng chịu rủi ro cao hơn. Nguồn vốn dành cho trái phiếu giảm đi, tiền vào cổ phiếu và bất động sản tăng lên.
Liệu tiền nước ngoài có còn tiếp tục đổ vào? Khi hiện khối lượng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài cũng đang giảm dần, giá trị mua ròng chỉ gần 477 tỉ đồng trong ba tuần đầu tháng 8, trong khi tháng trước con số này là 1.782 tỉ đồng. Một trong những lý do, theo WSS, là ngay khi thị trường vượt mức 500 điểm giữa tháng 8, nước ngoài bắt đầu quay lại bán ròng. Tuy nhiên, trong danh mục “xả hàng” của khối này gần như không có tên các blue-chips đã mua. Giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài cho biết, P/E của các blue-chips cao chưa chắc đã đắt, một khi nó phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư vào tương lai của cổ phiếu.
Theo phân tích gần đây nhất của Dragon Capital, trong nhóm 30 công ty hàng đầu trong chỉ số DCVN30 của Dragon, năm nay sẽ phục hồi rất mạnh, thậm chí gần 40 – 50%, nhưng sang năm không phát triển mấy, chỉ dưới 5%. Theo đó, việc dự báo doanh thu và khả năng sinh lời sang năm các công ty chưa rõ ràng, nhất là khi nhiều công ty hết thời gian đãi ngộ thuế, không dự phòng hoà nhập… “Năm nay người ta chấp nhận rủi ro hơn năm ngoái, nhưng không phải là quá táo bạo”, Dominic nói.
Hồng Sương
Sài Gòn Tiếp thị
|