Tỉnh Thái Bình và Nam Định: Đón làn sóng đầu tư mới
Lần đầu tiên, kể từ khi suy thoái kinh tế, một hội nghị Xúc tiến thương mại (XTTM) lớn được hai tỉnh Nam Định và Thái Bình tổ chức vào ngày 5/8 tại Nam Định do VCCI, phối hợp với Đảng ủy khối DN trung ương, Tỉnh ủy, UBND hai tỉnh Nam Định và Thái Bình tổ chức. Trao đổi với báo giới trước thềm hội nghị, Ông Trần Minh Oanh - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định và ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đều cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ nhà đầu tư.
Với những chính sách ưu đãi rất cụ thể cho nhà đầu tư trong đó có việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cả Thái Bình và Nam Định đang hi vọng một làn sóng đầu tư mới sẽ đổ vào hai tỉnh được coi là có nhiều tiềm năng, cơ hội đầu tư kinh doanh nhưng còn đang khó khăn của vùng Duyên hải Bắc Bộ.
- Hiện có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang có dự định đầu tư vào khu vực Bắc Bộ, trong đó có hai tỉnh Nam Định và Thái Bình. Xin ông cho biết tỉnh đã chuẩn bị những gì để đón nhà đầu tư ?
Ông Trần Minh Oanh: Có thể nói chưa bao giờ hệ thống hạ tầng cơ sở, mạng lưới giao thông vận tải của Nam Định lại thuận tiện như hiện nay. Giao thông liên hoàn, liên thông, đủ điều kiện tổ chức vận tải đa phương thức tới mọi vùng miền trong nước và quốc tế. Mạng lưới bưu chính viễn thông phát triển với chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng.
Chúng tôi có 9 hệ thống ngân hàng thương mại, các quỹ tín dụng, Cty tài chính luôn đảm bảo hoạt động giao dịch, thanh toán trong nước và quốc tế thông suốt và cung ứng vốn vay nhanh chóng, thuận tiện. Bên cạnh đó, mạng lưới y tế và giáo dục được tổ chức rộng khắp. Nam Định ưu tiên cho phát triển vùng kinh tế biển trong các lĩnh vực thủy hải sản, công nghiệp chế biến; vùng kinh tế nông thôn với hướng sản xuất hàng hóa, tập trung thâm canh cây nông nghiệp, cây màu vụ đông và cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, tăng chăn nuôi dịch vụ; và vùng công nghiệp, dịch vụ với các đầu tư xây dựng và mở rộng TP Nam Định thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư, lấp đầy KCN Hòa Xá, Mỹ Trung, Bảo Minh. Nam Định đã quy hoạch một số cụm công nghiệp huyện thành phố khác với tổng diện tích 270 ha, đã thu hút 352 DN và các hộ đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký 1.075 tỷ đồng, thu hút hơn 9.000 lao động. Hiện tại Nam Định có các KCN: Hòa Xá, Mỹ Trung, Bảo Minh, Tàu thủy VINASHIN, Thành An, Hồng Tiến, Nghĩa An, Ý Yên II, Việt Hải, Xuân Kiên, Mỹ Thuận. Định hướng quy hoạch tới 2020 sẽ xây dựng 26 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Thái Bình tự hào là một trong những tỉnh có mạng lưới giao thông đường bộ, đường thuỷ phát triển sớm và rất nhanh trong cả nước. Hệ thống điện đường, trường trạm, bưu chính viễn thông cũng được đầu tư đầy đủ và phát triển mạnh so với các tỉnh lân cận. Hiện nay, Thái Bình đã quy hoạch, phát triển 9 KCN và 15 cụm công nghiệp trên địa bàn huyện, thành phố với tổng diện tích 3.180,5 ha (có 6 KCN của Chính phủ). Trong đó các KCN như: Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh, Tiền Hải, Gia Lễ và một số CCN (Phong phú, Đông La, Phương La,...) có hệ số lấp đầy trên 90%; các KCN như Cầu Nghìn, Sông Tra... đang giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh thu hút đầu tư. KCN Đài Tín (Đài Loan) đã xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tổng diện tích 120 ha và thu hút nhiều nhà đầu tư Đài Loan (25 dự án).
Lĩnh vực mà Thái Bình đang ư u tiên kêu gọi vốn đầu tư là khai thác và chế biến nguồn than để phát triển sản xuất và kinh doanh; Sản xuất sản phẩm công nghệ cao: điện tử, tin học, sinh học, cơ khí chính xác; Sản xuất bia rượu, sản xuất thép và vật liệu xây dựng, sản xuất điện; Xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN và CCN... Đặc biệt, Thái Bình có chính sách về mặt bằng sản xuất kinh doanh; Giá thuê đất; Chính sách về thuế; Chính sách về lao động; Chính sách khuyến công, khuyến thương và KHCN;... Thái Bình cũng có 35 dự án đang kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư giai đoạn 2009 - 2015 nằm trong các lĩnh vực như: Công nghiệp - giao thông; nông nghiệp ngư nghiệp và thương mại và du lịch; văn hoá y tế, giáo dục, thể dục thể thao và môi trường;...
- Ngoài các chính sách ưu đãi đầu tư, bên cạnh những ưu đãi về thuế thu nhập DN, tiền thuê đất, thuê mặt nước... thì vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính... được các nhà đầu tư đặt lên hàng đầu. Tỉnh có những điểm mạnh nào hấp dẫn nhà đầu tư hơn những tỉnh khác thuộc đồng bằng Bắc Bộ ?
Ông Trần Minh Oanh: Chúng tôi có chính sách tốt để hỗ trợ giải phóng mặt bằng và đào tạo nguồn nhân lực và coi đây là những yếu tố rất quan trọng để thu hút đầu tư. Ngoài ra còn có chính sách về truyền thông, quảng bá tuyên truyền sản phẩm cho nhà đầu tư. Chẳng hạn, được giảm 50% chi phí quảng cáo trên Báo Nam Định và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Nam Định trong thời gian hai năm nhưng không quá 50 lần (nếu đầu tư trong KCN) hoặc 40 lần (nếu đầu tư ngoài KCN) trên mỗi loại phương tiện thông tin tính từ lần quảng cáo đầu tiên. Diện tích quảng cáo trên mặt báo không quá 1/4 trang, thời lượng mỗi lần quảng cáo trên Đài Phát thanh - Truyền hình không quá 2 phút.
Nguồn nhân lực chính là thế mạnh của tỉnh Nam Định. Hiện nay tỉnh có 14 trung tâm đào tạo nghề và một số trung tâm đào tạo ngoại ngữ. Các DN có nhu cầu thường ký hợp đồng đào tạo nghề với các trung tâm này và trên thực tế tỉnh cung ứng đủ lao động với trình độ tay nghề cao cho các DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, chúng tôi đã thực hiện mô hình DN ký thỏa thuận với các trường dạy nghề, trường đại học... để lấy lao động ngay trong tỉnh. Hiện nay chúng tôi có một trung tâm lớn chuyên đào tạo ngoại ngữ để cung ứng nguồn nhân lực cho các nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Thái Bình là một tỉnh đông dân, chính vì vậy mà chúng tôi có nguồn lao động dồi dào đáp ứng được nhu cầu về lao động của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang có nhiều ưu đãi lớn đối với nhà đầu tư, Tạo mọi điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư có nhu cầu về mặt bằng sản xuất được thuê đất theo các điều kiện cụ thể của địa phương. Tỉnh và các ngành dịch vụ đầu tư kinh phí xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đến tận chân hàng rào các khu công nghiệp. Các dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư được tỉnh hỗ trợ kinh phí san lấp mặt bằng với mức 20.000 đồng/m2, trường hợp có sử dụng công nghệ cáo được hỗ trợ mức 40.000 đồng/m2.
Đặc biệt, các dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư, được tỉnh hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động một lần từ 700 ngàn - 1,2 triệu đồng/lao động và chi phí cung ứng lao động từ 20 ngàn - 100 ngàn đồng/lao động. Giá thuê đất, chúng tôi vận dụng khung giá thấp nhất do Nhà nước ban hành, ví dụ giá thuê đất tại các cụm công nghiệp từ 0,11 - 0,13 USD/m2/năm. Chính sách thuế, cũng vận dụng những chính sách có lợi nhất cho DN...
- Xin cảm ơn hai ông !
Quốc Anh
Diễn đàn Doanh nghiệp
|