Thắt chặt tín dụng : Ai lợi - Ai thiệt ?
Các chính sách tiền tệ như thắt chặt tín dụng, điều chỉnh lãi suất, hạn chế ngoại tệ nhập khẩu... đang tác động mạnh tới không ít DN. Sau giai đoạn kích cầu với mục tiêu tăng trưởng, thắt chặt tín dụng cho thấy giai đoạn ổn định kinh tế và duy trì tăng trưởng đang bắt đầu. Tuy nhiên, thắt chặt tiền tệ sẽ tác động tới những ngành kinh tế nào, DN nào sẽ chịu ảnh hưởng bởi những chính sách đó ?
Sau giai đoạn phối hợp giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ bằng việc rót 17.000 tỷ hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng, việc đầu tư từ Chính phủ đã chuyển hướng bằng việc đẩy mạnh giải ngân vốn ngân sách, rót trực tiếp nguồn tiền vào các dự án và không thông qua hệ thống ngân hàng. Động thái trên theo giới phân tích cho thấy đây là một biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn khả năng lạm phát, chống thâm hụt ngân sách và thâm hụt cán cân thanh toán nhằm mục tiêu duy trì tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Mục tiêu nói trên thể hiện rất rõ trong chính sách tiền tệ khi NHNN điều chỉnh giảm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng từ 30% xuống còn 25-27%. Bên cạnh đó, việc NHNN hạ mức lãi suất đối với các khoản dự trữ bắt buộc của NHTM tại NHNN từ 3,6%/năm xuống còn 1,2%/năm cũng khiến các NHTM phải xem xét và cân đối lại giá vốn huy động chứ không thể tiếp tục huy động tiền gửi với mức trần lãi suất như trước đây. Theo Tiến sĩ Phạm Kinh Luân - Cty chứng khoán Kenanga, việc Chính phủ không tiếp tục bơm tiền qua hệ thống ngân hàng và giảm tăng trưởng tín dụng từ NHNN sẽ làm giảm vòng quay tiền tệ và giảm nguy cơ lạm phát. Tuy nhiên, việc thắt chặt tín dụng vẫn mở đối với các DN sản xuất bằng việc giữ nguyên trần lãi suất cơ bản là 10,5%. Như vậy đối với các lĩnh vực phi sản xuất như tiêu dùng, chứng khoán, bất động sản... những lĩnh vực các NHTM có thể cho vay theo lãi suất thoả thuận sẽ phần nào bị những tác động ít thuận lợi.
Điều đáng nói là, song song với chính sách thắt chặt tín dụng, chính sách quản lý ngoại hối và các biện pháp khác trong điều hành XNK cho thấy không ít DN đã và sẽ chịu tác động mạnh. Đặc biệt chính sách điều hành ngoại hối khiến không ít DN khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn ngoại tệ cho XNK. Mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên đã phải ký công văn gửi NHNN đề nghị có biện pháp "cấp cứu" cho các DN luyện phôi thép từ thép phế. Các DN này đã gần 1 tháng không mở được LC nhập khẩu thép phế về làm nguyên liệu cho sản xuất và đang ngấp nghé tình trạng tạm dừng sản xuất nếu 2 tuần nữa không được NHTM thu xếp ngoại tệ cho NK. Nhận định của ông Luân về việc các chính sách có thể đem tới lợi ích cho nhóm DN này song lại có thể gây tác động bất lợi tới những nhóm DN khác trong từng giai đoạn phù hợp với thực tế hiện nay. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang dần phục hồi sau khủng hoảng khiến giá nhiều loại nguyên liệu bắt đầu tăng. Sự cẩn trọng trong điều hành XNK để các DN giảm khả năng mua hàng với giá cao gây áp lực lên cán cân thanh toán XNK là điều rất cần thiết.
Câu chuyện đáng nhớ trong việc điều hành XNK của đầu năm 2008 là một ví dụ. Chỉ trong tháng 3/2008, trên 100 nghìn tấn thép được NK về các cảng VN, con số này gấp gần 10 lần tốc độ NK bình quân của các tháng trước đó. Thời hạn thanh toán của nhiều lô hàng rơi vào tháng 5, tháng 6 đã khiến cung ngoại tệ bị quá tải và tạo ra biến động lớn về giá USD khiến đau đầu cả DN và các cơ quan quản lý. Chính vì vậy động thái phân bổ các ngành, các loại hàng hoá được ưu tiên và không ưu tiên thu xếp ngoại tệ cho NK mới đây của NHNN, được các chuyên gia kinh tế xem là nhằm giãn tiến độ NK, giảm áp lực lên cán cân thanh toán ngoại tệ, tránh lặp lại kịch bản của năm 2008.
Tuy nhiên, "hàng rào" ưu tiên và không ưu tiên đang gây bất lợi cho một số DN cũng sẽ sớm được dỡ bỏ khi cần thiết và sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động DN, đây cũng là quan điểm của nhiều nhà chuyên môn.
Tiến sĩ Phạm Kinh Luân - Cty chứng khoán Kenanga: Cần nghiên cứu kỹ lưỡng
Kinh tế tăng trưởng song không tạo ra sự tăng trưởng đều ở các ngành cũng như các DN. Sự tăng trưởng của các DN tuỳ theo đặc thù kinh doanh cũng không diễn ra trong cùng thời điểm. Hiện nay, nhà đầu tư cần xem xét để biết lợi nhuận của DN trong nửa đầu 2009 từ đâu ra. Do thực lực DN hay do chính sách hoặc do biến động giá nguyên liệu của cuối 2008 và đầu 2009. Đối với các DN đạt lợi nhuận lớn do hoàn nhập dự phòng cũng cần được nghiên cứu cẩn trọng vì lợi nhuận đó không sinh ra do sản xuất kinh doanh mà chỉ là chịu lỗ năm ngoái để lãi cho năm nay. Nói cách khác, với các DN như vậy chỉ là lấy tiền từ túi này bỏ qua túi khác.
Mặt khác, khi kinh tế phục hồi, sản xuất và thương mại tăng trưởng ngành vận tải sẽ tăng trưởng. Trong bối cảnh tàu nhiều, cước phí chưa tăng được sẽ khiến các hãng vận tải biển chưa thể gia tăng lợi nhuận mạnh mẽ. Tuy nhiên tất cả các hoạt động XNK hoặc vận chuyển hàng hoá đều phải qua các cảng. Như vậy nhóm các DN cảng biển sẽ có tốc độ phát triển bền vững và ít bị tác động.
Minh Giác
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|