Siết tín dụng, có chừa chứng khoán?
VN-Index lên đến 520 điểm, nhiều nhà đầu tư đang tự hỏi liệu dòng tiền có tiếp tục đổ vào chứng khoán, khi tốc độ tín dụng đang chậm lại dần.
Đến nay, nhiều ngân hàng cho rằng khó thể kiểm soát được mục đích vay tiêu dùng. Trên thực tế, không ít ngân hàng đang “du di” cho người vay tiêu dùng, chứ không phải là không kiểm soát được.
“Đừng nói là đổ vào chứng khoán”
“Anh đừng nói là vay tiền mua chứng khoán là đơn vay được chấp nhận”, một nhân viên tín dụng của một ngân hàng khuyên một người vay tiêu dùng.
Lý do “buông lỏng” này là vì lãi suất cho vay tiêu dùng trung bình từ 12 – 16,5%/năm, thậm chí đến 24 – 28 và 33%/năm ở một vài tổ chức tín dụng. Thí dụ, chỉ riêng ở một tài khoản thanh toán mở ở một chi nhánh ngân hàng TP.HCM, công ty tài chính P. trung bình một ngày thu khoảng 4.500 – 5.000 khoản nợ, nếu tính thấp nhất một khoản nợ là 300.000 – 500.000 đồng, thì bình quân công ty này đi thu về 1,3 – 2,5 tỉ đồng/ngày, với lãi suất cho vay tính ra lên đến 28%/năm. Cũng ở công ty tài chính này, khi vay với tư cách là nhân viên của một công ty, một nữ khách hàng được hưởng lãi suất 1,18%/tháng, tương đương 14,16%/năm; nhưng khi vừa nghỉ việc ở công ty vào đầu năm 2009, lãi suất vay của chị lập tức bị nâng lên 33%/năm.
Cho vay tiêu dùng là mảnh đất sinh lời với trần lãi suất đã được dỡ bỏ, nên việc kiểm soát mục đích vay trở thành thứ yếu.
“Chúng tôi muốn tăng mạnh mẽ bởi các cơ hội đang bày ra trước mắt”, vị giám đốc khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng TMCP nói. Tăng trưởng tín dụng trong tháng 7 và nửa đầu tháng 8 của ngân hàng này phải giảm nhẹ so với tháng 5 – 6, vì vừa tăng vừa phải lo “canh chừng” để không vượt tốc độ tăng trưởng tín dụng 27% theo quy định trong năm nay.
32.000 tỉ đồng chờ chảy vào cổ phiếu
Đến hết 30.6, so với cuối năm 2008, dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán là 8.830 tỉ đồng, tăng 28,31%, dư nợ cho vay đầu tư bất động sản là 186.373 tỉ đồng, tăng 10,48% so với cuối năm 2008. Dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán và bất động sản chiếm khoảng 12,6% tổng dư nợ tín dụng hệ thống ngân hàng.
Như vậy, công ty chứng khoán Âu Việt tính toán, đến cuối tháng 6, dư nợ cho vay chứng khoán khoảng 5,4% tổng vốn điều lệ các ngân hàng, trong khi mức trần cho phép của ngân hàng Nhà nước là 20% vốn điều lệ. Nghĩa là, tiền được phép chảy vào chứng khoán còn khoảng 32.000 tỉ đồng.
Hơn nữa, mối lo ngại của nhà đầu tư về thắt chặt tín dụng, hạn chế cho vay tiêu dùng, chứng khoán và bất động sản, vốn bị tác động mạnh vào thời điểm cuối tháng 7, khiến VN-Index rơi 100 điểm, từ đỉnh 520 về 420, được đánh giá đã giảm dần. Theo nhiều chuyên gia, trường hợp ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ lãi suất cơ bản 7%, trong khi lãi suất huy động tiếp tục tăng cao thì tỷ lệ chênh lệch lãi biên (NIM) sẽ ngày càng thấp đi, điều này sẽ tạo áp lực lên các ngân hàng. Do đó, nhiều dự báo rằng ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm bớt đà nới lỏng tín dụng để ngăn ngừa tái diễn lạm phát. Tuy nhiên, tác động của hạn chế tăng trưởng tín dụng sẽ không quá lớn, theo chứng khoán Âu Việt, cho vay chứng khoán có thể tăng lên kịch hạn mức do đây vẫn là khoản cho vay tương đối an toàn trong xu hướng thị trường chứng khoán được dự báo vẫn tăng điểm. Đó là chưa kể, đã có những tín hiệu cho thấy dòng vốn ngoại đổ vào chứng khoán đang tăng, dưới dạng thức đầu tư mới: chứng chỉ tham gia đầu tư.
Hồng Sương
Sài Gòn tiếp thị
|