Sẽ còn nhiều biện pháp hỗ trợ
Bắt đầu từ cuối năm ngoái, chính thức được tuyên bố từ tháng 3, nhưng nhanh nhất đến tháng 9, đề án xúc tiến thương mại nội địa mới có những hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp để đưa hàng Việt Nam “thâm nhập” thị trường trong nước.
Vậy, hiệu quả của đề án này đến đâu và vai trò thiết kế thị trường bằng chính sách của Bộ Công Thương như thế nào? TBKTSG đã gặp ông Vũ Văn Quyền, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), để tìm câu trả lời.
TBKTSG: Thưa ông, Bộ Chính trị mới phát động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trong khi đó, lâu nay các chương trình kêu gọi ủng hộ hàng Việt Nam thường mang tính riêng lẻ và ít phối hợp, theo ông, nhận xét này có đúng không?
- Ông Vũ Văn Quyền: Chúng tôi nhận thấy cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là cuộc vận động lớn trong toàn xã hội, có chương trình hành động, chỉ đạo từ các cấp, đề cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội ngành nghề, người tiêu dùng.
Kinh tế nói chung, xuất khẩu nói riêng suy giảm, đã khiến mọi người, nhất là các cấp điều hành kinh tế vĩ mô, doanh nghiệp nhận thức rõ hơn sự quan trọng của thị trường nội địa. GDP của nước ta tăng trưởng dương trong những tháng đầu năm nay trong khi nhiều quốc gia khác tăng trưởng âm là nhờ vào sự ổn định và tăng trưởng của thị trường nội địa.
Có điều, để thương mại nội địa phát triển bền vững thì không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai. Chúng ta nên xem đây như một cú hích tạo động lực và cần chuẩn bị rất nhiều hành động cụ thể, đồng đều nữa. Tôi cũng đồng ý rằng trong nhiều năm qua các chương trình hướng về thị trường nội địa, ủng hộ hàng Việt Nam còn lẻ tẻ, thiếu tập trung.
TBKTSG: Thực tế từ tháng 11-2008, Chính phủ đã đề ra yêu cầu phải phát triển thị trường nội địa. Bộ Công Thương tổ chức họp báo về bản Đề án chương trình xúc tiến thương mại nội địa cách đây 6 tháng. Nhưng cách đây vài tuần, mới có bản phê duyệt chương trình chính thức và chi tiết. Rồi đến tháng 9 tới mới triển khai được. Như vậy có phải là quá chậm?
- Đề án xúc tiến thương mại nội địa lần đầu tiên được thực hiện và bản chất của chương trình này là thông qua các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp để hàng Việt Nam hướng đến người tiêu dùng. May mắn của đề án này là được sự ủng hộ thông qua cuộc vận động từ Bộ Chính trị. Tôi nghĩ điều quan trọng của bản đề án hay chương trình vận động là làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam về hàng nội và thị trường nội địa.
Từ đầu năm, khi khởi động chương trình, Bộ Công Thương đã gửi đi thông điệp, thông qua những chính sách trong bản chương trình, giúp định hướng cho nhiều doanh nghiệp trong việc hoạch định chiến lược kinh doanh. Riêng về việc phê duyệt đề án, do dùng tiền từ ngân sách nên phải mất thời gian thẩm định.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay đã có chương trình Tuần bán hàng Việt, Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao hàng năm, đưa hàng Việt về nông thôn, cũng là các hình thức quảng bá cho hàng Việt. Như vậy, từ thời điểm đó đến nay, dù chưa bỏ tiền xúc tiến thương mại nội địa thực tế nhưng sự rõ ràng từ thông điệp đã khiến các doanh nghiệp thấy những hướng đi tốt hơn.
TBKTSG: Lâu nay các chương trình xúc tiến thương mại của nước ta hầu hết đều hướng đến xuất khẩu để phục vụ mục tiêu tăng trưởng GDP. Việc quay lại thị trường nội địa chỉ được xem như biện pháp tình thế trong thời điểm suy thoái, trong khi cần là các chương trình dài hơi. Ý kiến ông về vấn đề này như thế nào?
- Suy thoái kinh tế chỉ là dịp để chúng ta thấy vai trò thiết yếu của thị trường nội địa hơn mà thôi. Còn ở các quốc gia có nền kinh tế mới nổi như Việt Nam thì việc xúc tiến xuất khẩu, hướng đến thị trường nước ngoài cũng là điều dễ hiểu và đây là thời kỳ quá độ để có những tính toán sâu hơn.
Vì đây là chương trình xúc tiến thương mại nội địa lần đầu nên Bộ Công Thương sẽ tính toán, nếu thấy tốt, thấy cần sẽ thực hiện các chương trình tiếp theo, ví dụ như tiến về thị trường nông thôn, xác lập vị thế cho doanh nghiệp ở ngay trên “sân nhà mình”.
TBKTSG: Các chương trình dài hơi mà ông đề cập là gì và khi nào mới có?
- Ngoài chương trình hiện tại, Bộ Công Thương còn tính đến chiến lược mang tính dài hơi hơn, căn cứ vào Chiến lược phát triển thương mại nội địa giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2015. Cụ thể là các chương trình như tổ chức hệ thống phân phối một số mặt hàng trọng điểm, phát triển thương mại nông thôn, chính sách phát triển hạ tầng thương mại.
Nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường nội địa bằng các công cụ quản lý thị trường hiệu quả hơn, để thị trường vận hành lành mạnh hơn, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian tiếp cận thị trường. Đề án này sẽ gợi ý về cơ chế, chính sách, mô hình cho từng địa phương, từng thành phố sao cho phù hợp, không mang tính dàn trải và thu hút được nhiều nguồn lực tham gia thị trường ngày một hiệu quả hơn.
Ngọc Lan thực hiện
TBKTSG Online
|