Ngành Dệt May phải nỗ lực trong 4 tháng cuối năm
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, tính đến cuối tháng 7/2009, kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước đạt trên 5 tỷ USD (gần bằng mức của 7 tháng 2008), riêng 2 tuần đầu tháng 8 kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 360 triệu USD.
Theo diễn biến thị trường xuất khẩu nhiều năm trước đây, kim ngạch xuất khẩu trong các tháng cuối năm sẽ giảm dần; dự báo kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm 2009 chỉ có khả năng đạt mức như năm 2008 ( từ 9,1-9,2 tỷ USD). Như vậy, từ nay đến cuối năm, kim ngạch xuất khẩu mỗi tháng phải đạt bình quân trên 800 triệu USD.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, ông Lê Quốc Ân cho biết, đó là con số khó thực hiện trong bối cảnh hiện nay, mặc dù kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực nhưng nền kinh tế của các thị trường lớn như Nhật Bản, EU, Mỹ vẫn chưa phục hồi, vì vậy các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất nhiều.
Cũng theo ông Ân, năm 2010 ngành Dệt May đặt kế hoạch sản xuất 500.000 tấn sợi; 850 triệu mét vải dệt thoi, 200 triệu mét vải dệt kim; 1,8 triệu sản phẩm may mặc; kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 10,5 tỷ USD (tăng khoảng 16%) so với năm 2008. Tuy nhiên để đạt được kế hoạch này, ngành Dệt May cần phải giải quyết 4 vấn đề lớn, đó là: lao động, tiền lương, tranh chấp lao động và mối quan hệ lao động.
Ông Ân cho rằng, ngành Dệt May sẽ không còn lợi thế có đội ngũ lao động dồi dào như trước đây do lực lượng lao động đã phân tán về các địa phương khi xảy ra khủng hoảng kinh tế. Bên cạnh đó là yêu cầu về lương và thu nhập của người lao động sẽ tăng nhanh, tranh chấp lao động cũng như mối quan hệ lao động sẽ khắc nghiệt hơn.
Giải quyết các vấn đề trên, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần phải tích cực thực hiện việc tái cơ cấu sản xuất và tăng năng suất lao động.
Quỳnh Hoa
Chính phủ
|