Thứ Ba, 25/08/2009 10:07

Quản lý vốn nhà nước tại DN: Ba vấn đề phải đối mặt

Temasek, nhà đầu tư của Chính phủ Singapore trong đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua mất 30% giá trị tài sản do đầu tư vào các công ty tài chính và ngân hàng đầu tư của Mỹ. Nhưng nhà đầu tư của Chính phủ Việt Nam - Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã gặt hái một số thành công ban đầu sau 3 năm hoạt động. Song để đồng vốn Nhà nước được quản lý hiệu quả, còn nhiều việc cần bàn và cần làm.

Nhà đầu tư “mát tay”

7 tháng đầu năm 2009, SCIC thu cổ tức về cho Nhà nước 614 tỷ đồng (năm 2006 đạt 87 tỷ đồng, năm 2007 đạt 693 tỷ đồng, năm 2008 đạt 1.398 tỷ đồng). Tổng vốn nhà nước tại các DN do SCIC quản lý tính đến ngày 31/7 đạt 7.687 tỷ đồng (giá hạch toán); giá trị thị trường ước tăng khoảng 4 lần (25.000 - 30.000 tỷ đồng).

Ông Trần Văn Tá, Tổng giám đốc SCIC cho biết, có được kết quả trên là do Tổng công ty đã quản lý vốn theo phương thức mới. Hiện SCIC đang thực hiện tái cơ cấu phần vốn nhà nước tại các DN theo hướng bán vốn nhà nước tại các DN hoạt động trong những lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ để tích tụ vốn đầu tư vào các DN/dự án quan trọng, có ý nghĩa chiến lược. SCIC đã thực hiện bán vốn nhà nước tại 117 DN với giá trị ghi sổ phần vốn bán là 283,13 tỷ đồng, giá trị thực tế thu về là 642,35 tỷ đồng. SCIC đã mua cổ phần phát hành thêm của 115 DN với số tiền là 1.367 tỷ đồng, hiện giá trị khoản đầu tư này tăng khoảng 2 lần.

Về hoạt động đầu tư mới, SCIC đã hợp tác cùng Tập đoàn Điện lực (EVN) thực hiện đầu tư dưới hình thức chuyển nhượng cổ phần tại 2 dự án điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh và Thác Bà với tổng trị giá đầu tư là 1.099 tỷ đồng. Hiện giá trị khoản mục đầu tư này cũng đã tăng khoảng trên 2 lần.

Ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, mô hình SCIC có các ưu điểm sau. Thứ nhất, xóa bỏ tình trạng nhiều cấp, nhiều ngành quản lý vốn nhà nước dẫn đến sự phân tán lực lượng. Thứ hai, SCIC quản lý vốn theo những tiêu chí của kinh tế thị trường, tức là quản lý vốn theo hiệu quả kinh doanh, chỗ nào cần thiết thì đầu tư vốn, chỗ nào không hiệu quả thì bán đi. Thứ ba là SCIC quản lý vốn đầu tư, có khả năng dùng vốn ấy mua cổ phần của các công ty khác. Tuy nhiên, ông Doanh cho rằng, mô hình SCIC là một ý tưởng tốt, nhưng trong thực tế, SCIC đang được thiết kế kiểu nửa vời.

Ba vấn đề phải đối mặt

Hiện tại, cơ chế giám sát, chế tài của SCIC không đủ mạnh. Để mô hình này hoạt động hiệu quả, trước tiên SCIC phải có quyền tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm, tự quyết định trong thẩm quyền được giao và phải chịu trách nhiệm về các quyết định đó; có tiền lương, tiền thưởng theo cơ chế thị trường và chịu sự giám sát của thị trường theo một cơ chế công khai minh bạch, chịu sự giám sát của kế toán, kiểm toán và thanh tra như tất cả các DN khác. Việc trả lương cho nhân viên SCIC như hành chính, mọi thứ như hành chính thì các chuyên viên khó có thể tận tâm tận lực, sáng kiến, chịu trách nhiệm cá nhân. Thêm vào đó, tiền lương không cao dẫn đến nguy cơ nhân viên làm việc cầm chừng, thậm chí bán thông tin, nhất là thông tin về các DNNN cổ phần hóa. Không ít công ty đầu tư nước ngoài sẵn sàng trả phí một cách hợp pháp để có được thông tin bằng cách thuê những người có thông tin làm tư vấn hoặc viết các công trình nghiên cứu. Thứ hai, không có những can thiệp hành chính đối với SCIC. SCIC phải xây dựng một định hướng kế hoạch, cấp trên sẽ duyệt định hướng kế hoạch này và trao cho SCIC quyền được thực thi định hướng kế hoạch đó tùy theo tình hình thị trường. Nếu như việc gì cũng đi xin phép thì DN sẽ ỷ lại, không tự chịu trách nhiệm. Hơn nữa, nếu việc gì cũng xin phép thì đến khi được phép cơ hội có thể trôi qua.

Theo ông Doanh, SCIC đang phải đối mặt với 3 vấn đề lớn. Một là, cơ cấu DN cổ phần hóa quá phân tán. Một công ty tiếp nhận gần 900 DN thì làm gì có bộ máy nào quản lý được gần 900 đầu mối ở khắp 63 tỉnh, thành phố, nếu có đủ người quản lý thì quá tốn kém. Hai là, các DN do SCIC tiếp quản chủ yếu là DN nhỏ và vừa, đối với những DN lớn như Vietcombank thì vai trò của SCIC như thế nào? Không nên kéo dài việc có nhiều đầu mối quản lý, cần phải có lộ trình để giải quyết vấn đề này. Ba là SCIC chịu một thách thức rất lớn về tính chuyên nghiệp của bộ máy.       

Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh, Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, TP. HCM:

Nếu như đồng vốn của Nhà nước được đổ vào kinh doanh thì đầu tiên nó phải theo các quy luật kinh doanh, mục đích của nó phải là lợi nhuận. Chúng ta không được nhầm lẫn mục đích lợi nhuận với mục đích xã hội. Thứ hai, khi đã giao quyền quản lý kinh doanh và quyền sử dụng đồng vốn cho DN thì phải có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp để giám sát.

Yếu tố quan trọng để SCIC có thể làm việc hiệu quả là giúp họ thu hẹp diện quản lý lại, tức là thay bằng việc quản lý vài trăm DNNN thì số lượng đó phải được giảm bớt qua quá trình cải cách DNNN hoặc quy định SCIC quản lý một số DN quan trọng. Về con người, phải tăng nguồn lực cho SCIC cả về chất và lượng. Để làm được điều đó thì cơ chế lương phải khác, cơ chế khuyến khích có thể phải khác và bản thân SCIC cũng phải có một hành lang pháp lý đủ tốt, đủ rộng để có thể thực hiện chức năng của mình một cách đầy đủ nhất.

Trong trường hợp phải hy sinh việc quản lý thì chúng ta nên hy sinh những mục nhỏ, nắm cái chủ chốt. Bởi vì, thất thoát vốn tại một DN lớn có thể bằng cả trăm sự thất thoát ở DN nhỏ. Trong trường hợp không đủ năng lực quản lý tất cả thì phải có ưu tiên, ưu tiên quản lý những cái lớn và có tầm quan trọng cho nền kinh tế quốc dân.

Hùng Thanh

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Nhập khẩu ôtô chưa ngừng tăng mạnh (25/08/2009)

>   "Việt Nam là một trong những nơi hấp dẫn đầu tư" (25/08/2009)

>   "Thị trường BĐS du lịch sẽ bùng nổ trong 5 năm tới" (25/08/2009)

>   Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư (25/08/2009)

>   Vietnam Airlines:Vượt "bão" nhờ thị trường nội địa (25/08/2009)

>   Việt Nam phải nhập khẩu phân bón đến năm 2020 (25/08/2009)

>   TP.HCM sẽ là siêu đô thị (25/08/2009)

>   Nhà, đất chộn rộn theo cầu Phú Mỹ (25/08/2009)

>   Dự kiến 2020 Việt Nam có điện hạt nhân (25/08/2009)

>   Doanh nghiệp nội thua thiệt về ưu đãi (25/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật