Dự kiến 2020 Việt Nam có điện hạt nhân
Đó là nhận định của tiến sĩ Lê Văn Hồng, Phó viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, khi trả lời phỏng vấn của Thanh Niênvề vấn đề phát triển nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam.
* Ông có thể cho biết quá trình chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân của nước ta hiện nay như thế nào?
- Năm 2002, Bộ Công thương đã chỉ đạo Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN) lập báo cáo đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Sau đó Nhà nước quyết định triển khai dự án này tại 2 địa điểm của tỉnh Ninh Thuận là xã Vĩnh Hải (H.Ninh Hải) và xã Phước Dinh (H.Ninh Phước). Báo cáo đầu tư đã đề cập tất cả các vấn đề liên quan như sự cần thiết của điện hạt nhân, vai trò cung cầu năng lượng của điện hạt nhân trong cân bằng cung cầu năng lượng, đảm bảo an toàn, đảm bảo nguồn nhân lực, đánh giá tác động môi trường...
Cuối năm 2008, Chính phủ đã thành lập Hội đồng Nhà nước thẩm định. Trên cơ sở ý kiến của 2 hội đồng tư vấn thẩm định và 2 tổ chuyên gia, sau mỗi phiên họp EVN lại bổ sung hoàn chỉnh báo cáo đầu tư. Theo kế hoạch, tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 năm nay, Chính phủ sẽ trình báo cáo đầu tư để Quốc hội xem xét. Sau khi Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Công thương lập dự án đầu tư. Nhà máy điện hạt nhân phải được xây dựng trong khoảng thời gian 5-6 năm. Nếu mọi việc trôi chảy, dự kiến tổ máy đầu tiên sẽ đưa vào vận hành vào năm 2020, công suất 1.000 MW.
* Đâu là khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện dự án này thưa ông?
- Khó khăn lớn nhất là đội ngũ cán bộ chuyên môn vừa yếu vừa thiếu. Hiện Bộ Giáo dục - Đào tạo đã làm xong dự thảo đề án Đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân để trình Chính phủ phê duyệt vào cuối năm nay. Trong khi chờ, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, EVN... đã tự mình cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài. Trước mắt, việc xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân sẽ dựa vào các chuyên gia nước ngoài là chính, phía Việt Nam sẽ tham gia và học tập để trưởng thành dần.
* Xin ông cho biết công tác bảo đảm an toàn cho nhà máy điện hạt nhân, ông nghĩ như thế nào về nỗi lo của người dân địa phương nơi có nhà máy điện hạt nhân?
- Ngay trong báo cáo đầu tư đã tính đến phương án xử lý khi có sự cố xảy ra. Cụ thể, có 3 cấp ứng phó sự cố là cấp cơ sở, cấp tỉnh và cấp quốc gia: cấp cơ sở là những trục trặc nhỏ tại nhà máy, bản thân nhà máy đã chuẩn bị đủ phương tiện máy móc và con người để giải quyết tại chỗ; nếu sự cố xảy ra ở mức lớn hơn sẽ báo cáo tỉnh, phối hợp cùng Bộ Khoa học - Công nghệ huy động các lực lượng liên quan từ Trung ương để phối hợp cùng giải quyết; sự cố xảy ra ở mức cao nhất thì sẽ huy động toàn bộ lực lượng của quốc gia như quân đội, công an, y tế... thậm chí cả lực lượng quốc tế để giải quyết.
Thường nhà máy điện hạt nhân có 5 lớp bảo vệ, nếu lớp này xảy ra sự cố thì có lớp kia bảo vệ không cho lan ra ngoài. Lớp cuối cùng được làm bằng bê tông cốt thép dày hơn 1 mét, nếu 4 lớp kia đều bị hư hỏng thì lớp này vẫn có thể giữ được trong một khoảng thời gian khá lâu để chờ chuyên gia giải quyết sự cố. Vì vậy có thể nói nhà máy điện hạt nhân rất an toàn và người dân hoàn toàn có thể yên tâm.
Ở Pháp, nhà máy điện hạt nhân đáp ứng đến 80% nhu cầu điện năng của đất nước; ở Nhật nhà máy điện hạt nhân cũng đáp ứng 40% nhu cầu điện năng...
Văn Kỳ
Thanh niên
|