Thứ Ba, 25/08/2009 06:12

Nâng cao cạnh tranh cho hàng Việt: Tắc từ khâu nguyên phụ liệu

Để người VN có thể ưu tiên dùng hàng VN, phải bắt đầu từ chất lượng hàng. Dệt may, da giày, đồ gỗ... là những lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng hiện sức cạnh tranh vẫn rất kém, giá trị gia tăng thấp... và nguyên nhân bắt đầu từ khâu nguyên liệu.

Rất nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc thời trang trong nước cho biết để mua được nguyên phụ liệu (NPL) trong nước còn khó hơn “mò kim đáy biển”.

Đến nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may của VN đã vượt con số 9 tỉ USD nhưng thực trạng ngành NPL vẫn đang làm đau đầu các nhà sản xuất trong nước.

Muốn mua cũng khó

Bà N.T. - giám đốc thương hiệu may thời trang P - vừa ký giấy trả lại lô vải 1.000 quần kaki cho một doanh nghiệp sản xuất trong nước vì chất lượng không đúng như cam kết ban đầu. “Phòng kỹ thuật kiểm tra chi tiết thấy toàn bộ số vải chỗ đậm chỗ nhạt. Dù có cố giữ dùng cũng không được vì khi ráp lại thành quần sẽ có ống màu đậm, ống màu nhạt” - bà N.T. cho hay.

Đây là một trong những lô nguyên liệu vải sản xuất trong nước hiếm hoi được công ty cân nhắc rất kỹ trước khi đặt mua. Thâm niên gần 20 năm trong nghề, bà cho rằng chất lượng vải sản xuất trong nước luôn không đồng nhất, lúc thì độ bền màu không đạt, chất lượng vải lúc bị rút, lúc bị “đơ”, không lần nào giống lần nào!

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Phụng - chủ tịch HĐQT Công ty thời trang Việt (TP.HCM) - khẳng định: “Không thể trông chờ vào nguồn vải trong nước cung cấp vì chất lượng cũng như mẫu rất phập phồng”.

Công ty ông trước đây từng “dính” không ít đợt hàng phải bán sớm dưới giá thành vì chất lượng vải mua từ các doanh nghiệp trong nước không tốt, chỉ sau vài lần giặt, quần áo xuống nước tơi tả. “Đích thân ban giám đốc phải gửi thư xin lỗi từng khách hàng và trả lại tiền cho khách mới tạm yên” - ông Phụng cho hay.

Bỏ rơi thị trường nội

Phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh hàng dệt may đã có thương hiệu tại thị trường nội địa đều có chung nhận xét: hiện VN vẫn chưa có một chính sách sản xuất các loại NPL cho ngành may mặc thời trang trong nước.

Theo một chuyên gia trong ngành may, không thể đổ lỗi cho các doanh nghiệp sản xuất may mặc trong nước bởi phần lớn có quy mô nhỏ, lượng NPL chỉ khoảng 1.000 sản phẩm cho mỗi đợt sản xuất nên các doanh nghiệp làm NPL không thể cung ứng được.

Thực tế, trong chiến lược sản xuất NPL của mình, nhiều đơn vị chỉ nhắm đến đối tượng là doanh nghiệp chuyên may hàng xuất khẩu, còn cung ứng cho thị trường nội địa gần như bị bỏ rơi.

Ông S., tống giám đốc doanh nghiệp thời trang N, cho biết hiện các doanh nghiệp sản xuất trong nước chỉ cung ứng được các loại vải căn bản. Trong khi ngành may mặc thời trang rất cần nguồn nguyên liệu đa dạng, phong phú. Chưa kể giá bán NPL trong nước thường cao hơn hàng nhập khẩu ít nhất 5%, kèm theo đó là nguồn cung cấp lẫn chất lượng không ổn định.

Phải thay đổi quan điểm đầu tư

Theo ước tính của các chuyên gia trong ngành, 90% NPL cho ngành sản xuất dệt may trong nước hiện được nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Nhật Bản. Mặc dù đã có nhiều chính sách phát triển NPL trong nước được các bộ, ngành đưa ra, nhưng đến nay ngành dệt may VN vẫn chủ yếu phụ thuộc NPL nước ngoài.

Ông Lê Trung Hải - phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) - thừa nhận sở dĩ có tình trạng nguồn NPL sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu là do chưa có sự đồng bộ trong đầu tư giữa các khâu sợi, dệt nhuộm, hoàn tất và may.

“Để ra được vải thành phẩm hoàn chỉnh phải tốn rất nhiều chi phí đầu tư lên đến hàng chục triệu USD cho các khâu liên quan. Trong khi các nước lân cận đã phát triển và hoàn tất khấu hao nên sức cạnh tranh rất lớn nếu doanh nghiệp trong nước đầu tư mới ở lĩnh vực này” - ông Hải cho hay.

Ở góc độ khác, một doanh nghiệp chuyên nhập vải từ nước ngoài cho rằng nguyên nhân chính bắt nguồn từ quan điểm của các doanh nghiệp sản xuất NPL khi đầu tư thiết bị sản xuất. Chẳng hạn nếu đặt mua vải từ Thái Lan, khách có thể đặt một kiểu dệt khoảng 5.000m, với mỗi một màu là 1.000m. Trong khi nếu đặt nhà sản xuất trong nước tối thiểu phải 10.000m và mỗi một màu phải trên 2.000m.

Theo các chuyên gia trong ngành, để giải quyết được tình trạng nói trên cần chính sách ưu đãi cực tốt cho những doanh nghiệp nào mạnh dạn đầu tư vào các khâu “khó nuốt” trong lĩnh vực dệt, nhuộm, hoàn tất. Ngoài ra, cần thay đổi quan điểm đầu tư ở khâu đầu vào: nghĩa là không nhất thiết đầu tư vào ngành NPL phải là thiết bị có công suất lớn như hiện nay. Trong khi hầu hết doanh nghiệp kinh doanh hàng nội địa đều nhỏ, rất cần được cung ứng NPL nhanh, chất lượng ổn định với số lượng linh hoạt, cơ động. Đây cũng là xu hướng trong thời gian tới khi nhu cầu sử dụng NPL cho xuất khẩu cũng chỉ chuộng những đơn đặt hàng nhỏ chẳng khác gì nhu cầu tại thị trường nội địa.

Giá trị nhập khẩu vải nguyên liệu:

Năm 2006: 2,95 tỉ USD

Năm 2007: 3,98 tỉ USD

Năm 2008: 4,43 tỉ USD

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Chỉ tiêu còn quá xa vời

Theo quy hoạch trước đây của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương), mục tiêu nâng tỉ lệ nội địa hóa NPL lên 50% vào năm 2010, sản xuất 1,5 tỉ mét vải dệt thoi đến năm 2015, trồng 150.000ha bông để làm ra 80.000 tấn bông xơ, đáp ứng 50% nhu cầu công nghiệp dệt may trong nước. Tuy nhiên, đến nay những chỉ tiêu trên vẫn còn quá xa vời.

____________________

Kỳ tới:

Da giày, đồ gỗ: nhập từ lớn đến nhỏ

Trần Vũ Nghi

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   350 DN tham gia “Tháng khuyến mãi” (25/08/2009)

>   Lâm Đồng: mời gọi đầu tư vào 4 dự án lớn (25/08/2009)

>   Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM: Sức hút bất ngờ (25/08/2009)

>   Đầu tư thép phải đáp ứng 7 điều kiện (24/08/2009)

>   Việt Nam đã nhập siêu 5,1 tỷ USD (24/08/2009)

>   Đề xuất tạm ngừng vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất (24/08/2009)

>   Người Việt dùng sữa "made in Vietnam" (24/08/2009)

>   DN chây ì thanh lý hợp đồng: Ai bảo vệ người lao động? (24/08/2009)

>   Sản xuất phân bón hữu cơ sinh học từ chất thải (24/08/2009)

>   SCG sẽ khai trương nhà máy giấy vào tháng 11 (24/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật