DN chây ì thanh lý hợp đồng: Ai bảo vệ người lao động?
Chiều 24.8, 70 người gồm 36 lao động về trước hạn từ Nga và người nhà đã đến tập trung tại trụ sở Trung tâm Hợp tác lao động với nước ngoài thuộc Tổng công ty Thép tại phố Lạc Trung (Hà Nội) đòi quyền lợi. Số lao động này về nước trước hạn được hơn 2 tháng nhưng tới thời điểm này Trung tâm vẫn chưa thanh lý hợp đồng với người lao động.
Ai đúng?
Nguyễn Hùng Vỹ, đại diện 36 lao động cho biết, sau quá nhiều lần đề nghị Trung tâm Hợp tác lao động với nước ngoài thanh lý hợp đồng không được, người lao động phải làm cách này và sẽ tập trung tại cổng Trung tâm đến khi nào được trả lời chính thức về thời hạn vè kế hoạch thanh lý hợp đồng.
Số lao động này được đưa sang Nga làm việc cho chủ sử dụng lao động là công ty APC và đã đi rải rác trong vòng từ tháng 12.2008 đến 1.2009. Kể từ khi làm việc đến hết tháng 5.2009 họ hoàn toàn không được nhận lương. Công ty tìm mọi cách bắt lỗi người lao động và trừ lương. Theo đơn kiến nghị của Vỹ, công ty APC trừ rất nhiều, tới mức tiền công của 5 tháng làm việc tại Nga hiện anh chỉ còn được nhận 67 USD, trong khi đó chi phí sang Nga làm việc Vỹ phải chi tới 3.000 USD, trong đó có 2.000 USD phải nộp cho công ty APC.
Trong khi đó, theo khẳng định của ông Trần Gia Bảo, cán bộ phụ trách thị trường Nga của Trung tâm Hợp tác lao động với nước ngoài, người lao động về nước hoàn toàn do các lỗi của lao động vi phạm đối với chủ sử dụng APC tại Nga. Cụ thể các sai phạm do đại diện công ty APC liệt kê bao gồm việc không chấp hành kỷ luật lao động, thời gian lao động, gây thiệt hại do làm sai thiết kế tại công trình 5022. Kết quả là khi phía công ty APC đơn phương thanh lý hợp đồng lao động, công ty này đã phạt 25 lao động mức 1.433 USD/người.
Theo quan điểm của Trung tâm hợp tác lao động nước ngoài thì người lao động sẽ hoàn toàn phải chịu phạt, thậm chí phải chi trả toàn bộ vé về. Những lao động như Vỹ không những không nhận được đồng nào từ 5 tháng làm việc tại Nga mà còn phải trả thêm tiền. Trong khi đó, nhóm lao động này yêu cầu Trung tâm phải trả cho họ toàn bộ chi phí trước khi đi là 3.000 USD/người, tiền lương 5 tháng làm việc là gần 2.000 USD/người và các chi phí khác khoảng 1.000 USD/người. Tổng số tiền người lao động đòi bồi thường khi thanh lý là 6.000 USD/người.
Tuy nhiên tới thời điểm này Trung tâm không có bất cứ động thái nào để thương lượng với người lao động nên sau hơn 2 tháng kể từ khi về nước, 70 người bao gồm 36 lao động và người nhà đã tập trung tại cổng Trung tâm này để đòi quyền lợi.
Trung tâm sơ hở, lao động chịu
Để có cơ sở thanh lý hợp đồng cho nhóm lao động này, trước hết cần làm rõ vai trò của các bên các khoản phí, sự hợp pháp của việc trừ tiền người lao động.
Trả lời báo Sài Gòn Tiếp Thị về công ty APC, ông Trần Gia Bảo cho biết, công ty APC là công ty sử dụng lao động, không phải là công ty môi giới. Tuy nhiên, việc chủ sử dụng lao động thu của người lao động tới 2.000 USD/người để làm thủ tục là điều phi lý. Theo tìm hiểu của phóng viên tại nhiều doanh nghiệp đã đưa lao động sang thị trường Nga, khoản phí này chắc chắn bao gồm phí môi giới trả cho công ty môi giới nước ngoài. Nhưng ông Bảo phủ nhận trong số tiền này có phí môi giới, như vậy, theo ông Bảo, người lao động sẽ không được trả lại tiền từ khoản phí 2.000 USD nộp cho APC.
Việc đưa lao động ra nước ngoài làm trong ngành xây dựng cần có sự thoả thuận rất kỹ từ trước về định mức lao động. Nếu định mức không được công ty xuất khẩu lao động Việt Nam thoả thuận rõ với chủ sử dụng trước khi đưa người sang, người lao động thường bị xử ép bởi một định mức quá cao, tới mức khó có thể nhận được mức lương tối thiểu. Trong trường hợp này, do Trung tâm môi giới nội không có thỏa thuận về định mức lao động nên rất nhiều lao động đã bị chủ phạt vì không đảm bảo công việc.
Người lao động chịu phạt từ công trình 5022 cũng là điều phi lý. Bởi việc chịu trách nhiệm về kỹ thuật trong công trình xây dựng phải do người giám sát kỹ thuật mà không phải do người lao động. Trong hợp đồng ký với chủ sử dụng lao động cũng không có điều khoản nào quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, Trung tâm mặc dù không đồng ý về quyết định của chủ sử dụng lao động là công ty APC nhưng cũng không còn cách giải quyết nào hơn. Kết quả là người lao động phải gánh chịu toàn bộ hậu quả.
Trung tâm hợp tác lao động nước ngoài thuộc Tổng công ty Thép cũng là công ty môi giới, thường được gọi làm môi giới nội. Trung tâm này đã thu của người lao động 1.000 USD/người được gọi là phí quản lý. Tuy nhiên, trong thực tế Trung tâm này hầu như không có vai trò gì kể cả việc tuyển chọn, đào tạo người lao động, thỏa thuận rõ ràng về định mức lao động với chủ sử dụng tại Nga và bảo vệ quyền lợi của người lao động khi cần thiết.
Trong khi đó tới thời điểm này không thấy Cục quản lý lao động ngoài nước có thêm biện pháp nào để bảo vệ quyền lợi cho người lao động ngoài một công văn yêu cầu Trung tâm đẩy nhanh tiến độ thanh lý hợp đồng được ký cách đây hơn 1 tháng.
Tây Giang
Sài Gòn Tiếp thị
|