Thứ Ba, 25/08/2009 06:29

Doanh nghiệp nội thua thiệt về ưu đãi

Co.op Mart muốn tìm vài hecta đất để mở siêu thị thì kiếm không ra, còn Metro xin 10 ha thì được ngay. “Hàng của các nhà đầu tư nước ngoài sản xuất tại Việt Nam có được gọi là hàng “Made in Vietnam” hay không để được sự ưu tiên về tiêu dùng hay hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước?”.

Đó là một trong những băn khoăn mà bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp đã nêu ra tại hội thảo “Khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những hệ lụy đối với Việt Nam” do Thông Tấn Xã Việt Nam phối hợp với Mutrap (dự án thương mại hỗ trợ đa biên) tổ chức tại TP.HCM.

Doanh nghiệp ngoại làm gì cũng dễ

Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh đến vai trò của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp FDI có mặt rất nhiều tại VN và khi nhắc đến lực lượng các doanh nghiệp trong nước thì không thể quên doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại đây. Bà Lan cho rằng điều này sẽ gây ra khó xử trong khâu phân định thế nào là hàng nội địa để hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Theo bà Lan thì hiện nay các doanh nghiệp nội chịu những “bất công” so với các doanh nghiệp ngoại về các chính sách và ưu đãi. Bà Lan đơn cử việc các doanh nghiệp nước ngoài muốn mua vài hecta đất để xây dựng một sân golf rất dễ dàng, trong khi đó doanh nghiệp nội thì ngược lại. Nhà nước cứ khuyến khích các siêu thị mở các chuỗi hệ thống nhưng Co.op Mart muốn tìm vài hecta đất ở Hà Nội để mở thì kiếm không ra, còn Metro xin 10 hecta thì được ngay. Rõ ràng là cách cư xử như thế thì không thể đảm bảo cho các doanh nghiệp VN phát triển được.

Bà Lan nhận định không nên ưu tiên “thái quá” cho các doanh nghiệp nước ngoài. Chúng ta ưu tiên khuyến khích dùng hàng Việt thì phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển. Các doanh nghiệp nội vốn gặp khó khăn trong tín dụng, nguồn lực, đất đai... cộng với việc các chính sách ưu đãi áp dụng cho nước ngoài cao hơn thì doanh nghiệp nội địa rất khó cạnh tranh.

Cũng theo bà Lan, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước còn khổ trăm bề do phải chịu nhiều thua thiệt. Ngay cả chính sách kích cầu hỗ trợ 4% lãi suất của Chính phủ thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng khó lòng với tới. Trong báo cáo tình hình cho vay đối với các doanh nghiệp thì Ngân hàng nhà nước cũng không tính được có bao nhiêu doanh nghiệp vừa và nhỏ được hưởng nguồn vốn hỗ trợ này. Trước khi đưa ra chính sách này, nhà nước vốn ưu tiên cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, khi thực hiện thì các chính sách này cũng có phần méo mó đi.

Chỉ cạnh tranh mà chưa hỗ trợ nhau

Nhiều diễn giả đặt vấn đề nên nhìn nhận khủng hoảng của VN là do chu kỳ hay do cơ chế. Rõ ràng doanh nghiệp VN vốn không “khỏe mạnh”, nay lại gặp cuộc khủng khoảng kinh tế toàn cầu khiến cho họ càng yếu đi.

Theo tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, muốn đi lên sau khủng hoảng, VN cần có những bước đột phá về thể chế như cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn, cải cách thị trường nhà đất, cải cách hành chính...

Bà Phạm Chi Lan thì cho rằng doanh nghiệp VN cần phải liên kết với nhau theo hình thức thành lập các hiệp hội để hỗ trợ lẫn nhau. “Tuy nhiên, một số hiệp hội của nước ta vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Đặc biệt, các doanh nghiệp chúng ta rất thiếu tính liên kết, nhìn đâu cũng thấy cạnh tranh chứ không thấy hỗ trợ nhau” - bà Lan cho biết. VN không thiếu các hiệp hội, thế nhưng lại thường xảy ra tình trạng khi ngồi trao đổi với nhau thì thống nhất một giá. Nhưng khi ra khỏi phòng họp thì gọi điện thoại cho đối tác thông báo doanh nghiệp mình... bán rẻ hơn giá hiệp hội đưa ra!

Ngoài ra, bà Lan cũng cho rằng các doanh nghiệp VN cần thay đổi phương thức kinh doanh từ việc chạy đua theo giá rẻ chuyển sang chú trọng vào chất lượng và sáng tạo. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn. Bà Lan cũng lưu ý rằng doanh nghiệp VN cũng cần xây dựng những thương hiệu mạnh có tên tuổi quốc tế, mở rộng và tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa. Thúc đẩy xuất khẩu, tham gia các chuỗi sản xuất, kinh doanh toàn cầu...

Như Thủy

Pháp luật

Các tin tức khác

>   65% doanh nghiệp phần mềm có vốn dưới 8 tỷ đồng (25/08/2009)

>   Nâng cao cạnh tranh cho hàng Việt: Tắc từ khâu nguyên phụ liệu (25/08/2009)

>   350 DN tham gia “Tháng khuyến mãi” (25/08/2009)

>   Lâm Đồng: mời gọi đầu tư vào 4 dự án lớn (25/08/2009)

>   Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM: Sức hút bất ngờ (25/08/2009)

>   Đầu tư thép phải đáp ứng 7 điều kiện (24/08/2009)

>   Việt Nam đã nhập siêu 5,1 tỷ USD (24/08/2009)

>   Đề xuất tạm ngừng vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất (24/08/2009)

>   Người Việt dùng sữa "made in Vietnam" (24/08/2009)

>   DN chây ì thanh lý hợp đồng: Ai bảo vệ người lao động? (24/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật