Paul Krugman: Khủng hoảng kinh tế cần 2 năm để phục hồi
(Vietstock) – Tại Hội nghị Các Thị trường vốn Thế giới đang diễn ra ở Kuala Lumpur, Krugman cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay cần 2 năm để phục hồi hoàn toàn.
Paul Krugman, giáo sư kinh tế của Đại học Prince – Mỹ, phát biểu rằng ngay cả khi GDP tăng thì tình trạng việc làm vẫn ở mức thấp.
Năm 2001, trong bài diễn văn tại Hội nghị Các Thị trường vốn Thế giới, Krugman cho rằng kinh tế Mỹ bắt đầu hồi phục từ cuộc khủng hoảng bong bóng ngành công nghệ với tốc độ tăng trưởng được nhìn thấy trong GDP và sản lượng, nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn không cho thấy những cải thiện cho tới tận quý III/2003.
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày với nội dung “Khủng hoảng tài chính toàn cầu: Con đường phía trước” với hơn 500 khách mời đến từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mục tiêu của hội nghị lần này là thảo luận về các vấn đề đang phát sinh từ cuộc khủng hoảng tài chính và tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề này.
Krugman nhận định: “Những nỗ lực của chính phủ các nước trong thời gian qua đã góp phần chặn đứng nguy cơ thế giới rơi vào một cuộc đại suy thoái, nhưng vẫn còn quá xa để có thể phục hồi hoàn toàn.”
Ông cũng cho rằng cuộc suy thoái trước thập niên 90 ở Mỹ từng chứng kiến sự hồi phục theo hình chữ V. Tuy nhiên, không có bất kỳ tín hiệu nào cho thấy sự phục hồi lần này sẽ theo mẫu hình đó.
Khi được hỏi về cách thức trong ngắn hạn để vượt qua khủng hoảng, Krugman nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của việc thực hiện các chính sách tài khóa mở rộng.
Lấy Mỹ làm ví dụ, Krugman cho rằng một kế hoạch chi tiêu thêm 500 tỷ USD của chính phủ có thể sẽ dẫn đến sự gia tăng nợ công lên tới 60% GDP, nhưng đổi lại mức tăng trưởng có thể lên tới 2.5%.
Bên cạnh đó, vì nợ công vẫn chưa lên tới mức 100% GDP, nên vẫn còn room cho chính phủ gia tăng nợ mà không phải lo lắng.
Thỉnh thoảng, thâm hụt ngân sách là cần thiết, và nó có thể là một “người bạn tốt” của một nước, đặc biệt là trong những thời kỳ khó khăn.
Khi chi tiêu của người dân sụt giảm vì sự sụt giảm trong thu nhập, thì vai trò của chi tiêu công là cực kỳ quan trọng để chống đỡ cho nền kinh tế. Krugman giải thích thêm.
Tuy nhiên, Krugman cho rằng chính sách tiền tệ có những hạn chế của nó khi việc mở rộng hạ thấp lãi suất có thể sẽ không kích thích được nền kinh tế.
Cao Vệ (Theo THX)
|