Thứ Năm, 13/08/2009 00:25

Niềm tin toàn cầu tăng vọt khi suy thoái sắp đến hồi kết

(Vietstock) – Theo khảo sát của Bloomberg ở 6 lục địa, niềm tin về triển vọng kinh tế thế giới trong Tháng 8 tăng lên mức cao nhất trong 22 tháng qua trước những tín hiệu cho thấy cuộc suy thoái lớn nhất kể từ chiến tranh thế giới II sắp kết thúc.

Theo đó, chỉ số niềm tin toàn cầu của Bloomberg (Bloomberg Professional Global Confidence) đã nhảy lên mức 58.12 điểm từ mức 39.13 điểm của Tháng 7. Đây là lần đầu tiên chỉ số này vượt mức 50 điểm. Điều này có nghĩa là số người lạc quan đã vượt trội so với số người bi quan. Trong đó, niềm tin của những người tham gia cuộc khảo sát tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, tăng từ 29.5 điểm lên mức 47.3 điểm.

“Rõ ràng là cuộc suy thoái đã kết thúc và quá trình phục hồi đang diễn ra”, nhận định của chuyên gia kinh tế cấp cao Nick Kounis tại Fortis Bank Nederland Holding ở Amsterdam, ông cũng là một người tham gia vào bản khảo sát trên. “Chúng ta có chính sách kích thích tài chính – tiền tệ lớn nhất trong lịch sử, trên toàn thế giới, và chúng ta cũng đang bắt đầu thấy được hiệu quả của các chính sách này. Có thể cuộc tranh luận tới sẽ đề cập đến vấn đề phục hồi mạnh và bền vững đến đâu mà thôi”, Nick Kounis nói thêm.

Chỉ số MSCI thế giới đã tăng lên 12% trong tháng vừa rồi và Tổng thống Barack Obama đã phát biểu rằng việc sụt giảm bất ngờ của tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ cho thấy thời kỳ tồi tệ nhất có lẽ đã qua. Hôm 10/08, kinh tế gia đạt giải Nobel Paul Krugman, nhận định rằng thế giới đang ở trong trạng thái “ổn định, thế giới đã ngăn chặn được cuộc Đại suy thoái lần hai.”

Cuộc khảo sát được tiến hành trên hơn 2,300 người truy cập vào website Bloomberg từ 3-7/08. So với bản khảo sát trước, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã suy giảm, tăng trưởng trong Quý 2 ở Mỹ và Trung Quốc tốt hơn mong đợi. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục.

Tỷ lệ thất nghiệp

Số việc làm trong lĩnh vực dịch vụ ở Mỹ giảm 247,000 trong Tháng 7, sau khi giảm 443,000 trong Tháng 6. Tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ giảm xuống 9.4% từ 9.5% trước đó. Tuần trước, chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức trên 1000 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 11/2008.

Theo dự báo trong khảo sát hàng tháng của Bloomberg, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2% hoặc cao hơn trong 4 quý tiếp theo kết thúc vào Tháng 6/2009, đợt tăng trưởng đầu tiên trong hơn 4 năm qua. Các nhà phân tích đã nâng mức dự báo tăng trưởng trong quý 3 lên hơn 1.2% so với Tháng 7, sự cải thiện lớn nhất trong các bảng khảo sát từ Tháng 5/2003.

Ở Châu Âu, cuộc suy thoái cũng cho thấy những dấu hiệu kết thúc. Chủ tịch ECB Jean – Claude Trichet phát biểu hôm 06/08 rằng kinh tế khu vực Châu Âu sẽ cho thấy “sự phục hồi từ từ”, và sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2010 . Chỉ số đo lường cho kinh tế Tây Âu tăng lên mức 41.1 điểm từ mức 31 điểm trước đó.

Trong Tháng 7, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ ở châu Âu đã sụt giảm với tốc độ chậm hơn. Bên cạnh đó, niềm tin của các doanh nghiệp Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực, tăng tháng thứ 4 liên tiếp.

Ở châu Á, kết quả của cuộc khảo sát còn lạc quan hơn, khi chỉ số niềm tin tăng lên mức từ mức 59.4 điểm lên 74.2 điểm. Trong tuần này, Goldman Sachs. đã nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2009 lên mức 9.4%. Và các nền kinh tế châu Á khác, ngoại trừ Nhật, sẽ tăng trưởng nhanh hơn dự báo.

Quá trình phục hồi kinh tế Châu Á

Tai Hui, trưởng phòng nghiên cứu kinh tế Đông Nam Á của Standard Charterd Plc ở Singapore, cho rằng: “Sự hồi phục ở nhiều nước châu Á mà chúng ta thấy được tạo ra từ chi tiêu của chính phủ các nước. Chúng ta cần sự ổn định trong tiêu dùng của các hộ gia đình và đầu tư của khu vực tư nhân để đảm bảo rằng sự hồi phục sẽ tiếp diễn khi các chính sách kích cầu của chính phủ qua đi, và hiện tượng tích trữ cũng biến mất.”

Niềm tin ở Nhật cũng gia tăng. Các chuyên gia dự báo kinh tế Nhật quý vừa rồi có thể đạt mức tăng trưởng dương lần đầu tiên sau hơn một năm qua. Chỉ số niềm tin ở Nhật đã tăng lên mức 50 điểm từ mức 34.1 điểm trong tháng trước.

Những người tham gia cuộc khảo sát của Bloomberg cũng tỏ ra lạc quan về triển vọng các thị trường chứng khoán trong 6 tháng tới. Kể từ mức thấp kỷ lục ngày 09/03, giá trị thị trường chứng khoán toàn cầu đã tăng hơn 15 ngàn tỷ USD .

Tâm lý ưa rủi ro

Theo nhận định của các chuyên gia, tâm lý thích rủi ro của giới đầu tư đang trở lại cao hơn mức bình thường.

Trong 6 tháng tới, đồng USD có thể giảm giá so với các đồng tiền mạnh khác trên thế giới.

Những người tham gia khảo sát ở Mỹ, Nhật và Tây Âu cũng tin tưởng rằng lãi suất ngắn hạn cũng như dài hạn có thể tăng trong 6 tháng tới.

Theo dự báo của 47 nhà kinh tế trong một cuộc khảo sát khác của Bloomberg, FED sẽ tiếp tục giữ lãi suất qua đêm ở mức 0.25%.

Cao Vệ - Khánh Hà (Theo Bloomberg)

Các tin tức khác

>   Ngành hàng không Đức lâm vào cảnh khó khăn (12/08/2009)

>   IHG lỗ ròng 29 triệu USD trong nửa đầu năm (12/08/2009)

>   BoE dự đoán lạm phát dưới mức 2% (12/08/2009)

>   Mỹ: Cần kiểm soát tài sản xấu chặt hơn nữa (12/08/2009)

>   Kinh tế Mỹ đáng quan ngại, Trung Quốc vững tiến (12/08/2009)

>   Thị trường ĐTDĐ toàn cầu suy giảm mạnh (12/08/2009)

>   Lợi nhuận của Kia Motors tăng gấp bốn lần (12/08/2009)

>   Mất điểm tựa; Shanghai lao dốc 4.7%, Hang Seng rớt mạnh 3% (12/08/2009)

>   Kinh tế Nga đối đầu một loạt thách thức (12/08/2009)

>   OPEC: Nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng trở lại trong năm tới (12/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật