Ngành sản xuất ôtô lóe sáng hy vọng phục hồi
Doanh số bán xe của nhiều hãng sản xuất ôtô thế giới gia tăng trong tháng 7 làm lóe lên hy vọng mới cho ngành sản xuất ôtô đang trong cơn bĩ cực.
Ngành sản xuất ôtô thế giới là một trong những nơi đầu tiên bị tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bởi nhu cầu mua ôtô sụt mạnh. Do đó ngành này được các nhà kinh tế theo dõi sát sao và coi là chỉ số cho thấy tín hiệu phục hồi của kinh tế thế giới.
Tại Mỹ, hãng Ford Motor Co. thông báo doanh số bán xe tăng lần đầu tiên kể từ tháng 11/07 khi tiêu thụ được 165.279 xe các loại, tăng 2,3% so với tháng 6. "Thành công" này là nhờ chương trình hỗ trợ mua ôtô mới được Quốc hội Mỹ thông qua từ tháng 6 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 24/7.
Hai "đại gia" ôtô khác của Mỹ là General Motors và Chrysler cũng bắt đầu hưởng lợi từ chương trình "mua xe mới đổi xe cũ" trong tuần cuối cùng của tháng 7. Cho dù số ôtô mới bán ra trên thị trường Mỹ trong tháng 7 đạt mức cao nhất trong 11 tháng qua, nhưng tính trong 6 tháng đầu năm nay vẫn giảm 35% so với nửa đầu năm 2008.
Chương trình hỗ trợ này của Chính phủ Mỹ đã được các thương nhân và nhà sản xuất ôtô đánh giá cao và ước tính sẽ giúp tăng số ôtô bán ra lên hơn 11 triệu chiếc/năm, tăng 1 triệu chiếc so với năm 2008.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương Tập đoàn sản xuất ôtô CCFA của Pháp cũng đạt doanh số bán xe tăng 3,1% so với tháng trước. Doanh số bán ra của hãng PSA Peugeot Citroen lớn nhất nước Pháp đã có mức tăng ấn tượng 11,4% so với mức tăng 18,5% của hãng đồng hương Renault.
Cũng giống như các nền kinh tế chủ chốt khác, trong đó có Mỹ và Đức, Chính phủ Pháp đã triển khai chương trình mua ôtô có thưởng dành cho khách hàng đổi xe cũ lấy xe mới nhằm tăng doanh số bán xe và khuyến khích sử dụng xe thân thiện với môi trường. Tuy vậy, nhà phân tích Guillaume Mouren thuộc Xerfi cảnh báo doanh số bán xe sẽ sụt giảm một khi chương trình kích cầu mua xe của Chính phủ Pháp kết thúc vào cuối năm nay.
Nước Đức cũng được chứng kiến doanh số bán xe gia tăng trong năm nay nhờ kế hoạch kích cầu mua xe và có nhiều khả năng lượng xe đăng ký trong tháng 7 nhiều hơn.
Riêng tại Tây Ban Nha doanh số bán xe vẫn tiếp tục sụt giảm tính theo năm, nhưng tốc độ có phần chậm lại một phần là do tác động tích cực của nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp của chính phủ cho thị trường. Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô ANFAC trong tháng 7 chỉ có 108.200 xe được đăng ký.
Tuy nhiên, bức tranh cho ngành sản xuất ôtô chưa thực sự bừng sáng khi mà một số hãng lớn như Daimler, PSA Peugeot Citroen hay Honda, mới tuần trước đã thông báo kết quả kinh doanh trì trệ do bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế.
Hy vọng cho ngành ôtô toàn cầu tập trung vào sự phục hồi của các thị trường phương Tây và sự tăng trưởng của các thị trường đang nổi chủ chốt như Ấn Độ hay Trung Quốc, trong khi các thị trường một thời bùng nổ ở Đông Âu vẫn còn đang vật lộn với suy thoái kinh tế.
Tuần trước hãng sản xuất ôtô chủ chốt Avtovaz của Nga loan báo khả năng cắt giảm 25% nhân công trong tổng số 110.000 nhân viên. Còn Cộng hòa Séc cho biết doanh số bán xe đã giảm 10,9% từ đầu năm nay.
TTXVN/Vietnam+
|