Thứ Ba, 04/08/2009 10:24

Dự trữ ngoại hối TQ tăng mạnh: Nguyên nhân và giải pháp

Theo công bố gần đây của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (ngày 15/7/2009), tính đến cuối tháng 6 năm 2009, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã tăng lên 2.131,606 tỷ US$, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Phân tích các số liệu thống kê về dự trữ ngoại hối các tháng cho thấy, bắt đầu từ tháng 4 năm 2009, dự trữ ngoại hối Trung Quốc đã vượt qua mức 2.000 tỷ US$, quý II tăng mạnh so với quý I năm 2009. Cụ thể là:

Tháng 1 năm 2009: 1,913.456 tỷ US$

Tháng 2 năm 2009: 1,912.066 tỷ US$

Tháng 3 năm 2009: 1,953.741 tỷ US$

Tháng 4 năm 2009: 2,008.88 tỷ US$

Tháng 5 năm 2009: 2,089.491tỷ US$

Tháng 6 năm 2009: 2,131.606 tỷ US$.

Chịu ảnh hưởng cuộc khủng hoảng tiền tệ thế giới, từ tháng 10 năm 2008, dự trữ ngoại hối Trung Quốc các tháng đều giảm. Từ tháng 3 năm 2009 lại đây bắt đầu tăng trở lại, đặc biệt trong quý II năm 2009 tăng mạnh tới 177,865 tỷ US$ so với quý I năm 2009, con số này vượt quá dự đoán của thị trường. Vậy nguyên nhân nào làm cho dự trữ ngoại hối Trung Quốc tăng mạnh?

Nhìn chung dự trữ ngoại hối của một nước tăng lên phải dựa vào sự lành mạnh của cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế và sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư quốc tế. Gần đây các chính sách kích thích kinh tế của Trung Quốc bắt đầu phát huy hiệu quả, kinh tế Trung Quốc có những thay đổi tích cực, điều này đã thu hút được các dòng vốn quốc tế đầu tư vào Trung Quốc. Mặc dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tiền tệ, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Trung Quốc 6 tháng đầu năm giảm sút, song kim ngạch xuất khẩu vẫn cao hơn nhập khẩu, do đó cán cân thương mại vẫn duy trì mức xuất siêu lớn. Mặt khác, đầu tư nước ngoài và cán cân thanh toán vẫn giữ được ổn định. Đó là những nguyên nhân giúp Trung Quốc tăng mạnh dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, việc tăng mạnh dự trữ ngoại hối có những dấu hiệu bất ổn do dòng vốn nóng vào quá nhiều. Theo thông tin công bố trên website Chính phủ Trung Quốc ngày 16/07/09, trong quý II năm 2009, tổng số xuất siêu thương mại và vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài ước 50 tỷ US$, trong khi đó dự trữ ngoại hối tăng tới 177,865 tỷ US$. Điều này cho thấy dòng vốn nóng từ nước ngoài vào Trung Quốc rất lớn đã kích hoạt và ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản Trung Quốc. Gần đây, giá của các cổ phiếu, giá nhà đất tăng lên mạnh, thậm chí có những lo ngại giá trị của các tài sản vốn có thể trở thành bong bóng. Điều này nằm ngoài mong muốn của Trung Quốc. Các chuyên gia kinh tế Trung Quốc đã nhiều lần phân tích và kiến nghị cần sớm giải quyết vấn đề dự trữ ngoại hối tăng lên quá nóng và tránh sự phụ thuộc vào đồng đôla Mỹ đang bị mất giá, rủi ro lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên có 2 lý do cơ bản khiến các kiến nghị nói trên không thể thực hiện. Thứ nhất, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc bằng đôla Mỹ quá lớn. Theo nhận định của một số chuyên gia được đăng trên website kinh tế xã hội Trung Quốc (CE.CN) ngày 13/7/2009: hiện nay trong số ngoại hối dự trữ của Trung Quốc có tới 2/3 là dự trữ bằng đôla Mỹ. Trong đó số, trái phiếu kho bạc Mỹ Trung Quốc đã mua tính đến cuối tháng 4/2009 là 763,5 tỷ US$, đến cuối tháng 6/2009 gần 800 tỷ US$. Nếu Trung Quốc thực hiện chính sách phân tán rủi ro, hạn chế mua đôla Mỹ hoặc không mua trái phiếu kho bạc Mỹ, đồng đôla Mỹ có thể bị rớt giá mạnh. Số ngoại hối dự trữ to lớn của Trung Quốc, tương đương 2/3 GDP của nước này và tương đương với GDP năm 2006 của nước Ý sẽ không tránh được thiệt hại. Thứ hai, dòng vốn từ nước ngoài đổ vào Trung Quốc gần đây tăng lên nhanh chóng, nếu Nhà nước không mua vào bổ sung dự trữ, sẽ ảnh hưởng đến tình hình cung cầu ngoại tệ, làm cho tỷ giá đồng NDT chịu áp lực biến động theo xu hướng lên giá so với các ngoại tệ. Trong bối cảnh khủng hoảng tiền tệ, kinh tế thế giới, Trung Quốc rất cần duy trì một tỷ giá ổn định để khuyến khích xuất khẩu, do đó Trung Quốc không thể dừng mua ngoại tệ và các tài sản có giá bằng đôla Mỹ. Ngày 19/07/2009 trong báo cáo của một cơ quan nghiên cứu kinh tế Mỹ cho rằng: Mặc dù lo ngại vì đã mua một khối lượng lớn trái phiếu kho bạc Mỹ, song Trung Quốc cũng khó có thể thực hiện việc đa dạng hoá các loại ngoại tệ dự trữ.

Trong bài “Sử dụng thế nào hơn 2.000 tỷ đôla Mỹ dự trữ để phục vụ cho phát triển kinh tế” đăng trên website Chính phủ Trung Quốc ngày 16/7/2009 cho rằng cần xem lại chính sách về dự trữ ngoại hối. Chính sách dự trữ ngoại hối của Trung Quốc hiện nay là chính sách tập trung do Chính phủ quản lý. Số ngoại hối dự trữ Nhà nước đang quản lý trên 2.000 tỷ US$, trong khi đó số dư tiền gửi ngoại tệ của các tổ chức, cá nhân chỉ có 150 tỷ US$. Điều này khác xa với các nước kinh tế phát triển. Các nước kinh tế phát triển thực hiện chính sách dự trữ ngoại hối phân tán hay còn gọi là dự trữ ngoại hối trong dân. Ví dụ như Nhật Bản, cuối năm 2008, dự trữ ngoại hối của Nhà nước là 1.100 tỷ US$, trong khi đó dự trữ ngoại hối trong dân lên tới 3.640 tỷ US$. Nếu so sánh con số tuyệt đối về tài sản ngoại hối của quốc gia, tài sản ngoại hối của Trung Quốc còn thấp hơn nhiều so với Nhật Bản.

Tờ Thời báo Newyork ngày 22/7/2009 đưa tin: Trung Quốc đã thực hiện thành công việc mua lại mỏ dầu của công ty Addax Ptroleum Thuỵ Sỹ, trị giá tới 7,24 tỷ US$. Trung Quốc cũng đã ký nhiều hiệp định cho vay trả nợ bằng dầu với các nước, kim ngạch lên tới 46 tỷ đôla Mỹ. Việc Trung Quốc khuyến khích đầu tư ra nước ngoài có thể là chiến lược quan trọng, không những cung cấp cho Trung Quốc đầy đủ nguồn năng lượng, nguyên vật liệu để phát triển kinh tế mà còn có thể giúp Trung Quốc chuyển đổi thành công mô hình kinh tế lâu nay quá phụ thuộc vào xuất khẩu.

Cùng với việc khuyến khích đầu tư ra nước ngoài, Trung Quốc đang tranh thủ nhập khẩu các kỹ thuật tiên tiến nước ngoài, các nguyên vật liệu quan trọng phục vụ sản xuất, kể cả chất xám liên quan đến ngành giáo dục.

Ngày 9/6/2009, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý giao dịch vốn, Cục Quản lý ngoại hối Trung Quốc Tôn Lỗ Quân cho biết: gần đây, Trung Quốc đã ban hành thông tư hướng dẫn các doanh nghiệp cho vay ra nước ngoài. Từ ngày 1/8/2009, các doanh nghiệp có đủ điều kiện có thể sử dụng vốn tự có bằng ngoại tệ hoặc mua ngoại tệ của ngân hàng để cho vay ra nước ngoài. Đây được coi là biện pháp nhằm giảm bớt sức ép lên số ngoại hối dự trữ quá lớn của Trung Quốc.

Phí Đăng Minh - Vụ Quản lý ngoại hối

SBV

Các tin tức khác

>   PMI toàn cầu Tháng 7: Lộ trình đi vào ổn định (04/08/2009)

>   Dầu thô lên giá cao nhất trong một tháng (04/08/2009)

>   USD giảm xuống mức thấp nhất kể từ Tháng 9 (04/08/2009)

>   Giá trị tài sản nước Anh đã giảm 2% trong năm 2008 (04/08/2009)

>   Kinh tế Nhật tăng trưởng lần đầu trong năm (04/08/2009)

>   Hàn Quốc tự tin kinh tế sẽ phục hồi hình chữ V (04/08/2009)

>   Ethiopian Airlines đặt hàng 12 chiếc Airbus A350 XWB (04/08/2009)

>   Hiệu quả tài chính và chất lượng doanh thu (04/08/2009)

>   BofA: Chia thưởng trái luật và khoản phạt 33 triệu USD (04/08/2009)

>   Lợi nhuận HSBC và Barclays ảnh hưởng bởi nợ xấu tăng vọt (03/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật