Mất niềm tin của khách hàng
Thu từ hoạt động tự doanh CK và thu do hoàn nhập dự phòng chiếm tỉ trọng rất cao/tổng thu nhập của nhiều công ty chứng khoán (CTCK). Điều này khiến thị trường khó tin vào các CTCK vừa làm chức năng tư vấn, vừa kinh doanh cạnh tranh với chính khách hàng mà họ tư vấn.
Có sự liên kết để trục lợi?
TTCK trong thời gian từ cuối quí I/2009 đến ngày 4.8.2009 tuy có những thời điểm khối lượng khớp lệnh và giao dịch bùng nổ với những kỷ lục liên tiếp được thiết lập như: Giá trị giao dịch và khối lượng CK giao dịch cao nhất (5.280 tỉ VND cho cả 2 sàn HoSE và HNX), thời gian tăng điểm của VNi dài nhất, tốc độ tăng cao nhất (VNi từ 235 lên 512,46), niềm tin trở lại ở mức cao so với cả năm 2008...
Dù TTCK liên tục tăng điểm so với mức đáy VNi 235, giá trị giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn luôn ở mức bình quân 1.500 tỉ đồng thì với các CTCK nguồn thu từ: Phí, từ hoạt động tư vấn, bảo lãnh, phát hành CK, repo CK chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng số thu nhập của các CTCK. Nhưng đặc biệt hai nguồn thu từ hoạt động tự doanh CK và thu do hoàn nhập dự phòng chiếm tỉ trọng rất cao/tổng thu nhập (gấp nhiều lần các khoản thu còn lại).
Chính điều này ảnh hưởng rất lớn đến định hướng hoạt động của các CTCK thời gian qua, nên thị trường (TT) không thể không nghi ngờ khi cho rằng các CTCK đã khéo léo thông qua một số kênh truyền thông để P/R (kích/hay dìm giá CK) trên TT nhằm thu lợi tối đa. Điều này đã làm méo mó TT và khiến cho "cuộc chơi" tưởng như bình đẳng bởi các luật lệ đã được thiết lập, trên thực tế phần bất lợi lại đang nghiêng về các NĐT nhỏ lẻ/cá nhân.
TT ngày càng có cơ sở nghi ngờ đã có mối liên kết được hình thành giữa các tổ chức kinh doanh CK với nhau, tạo nên sự làm giá để trục lợi, lũng đoạn TT (mới đây, VTV1 đã phải lên tiếng cảnh báo). Cá biệt có CTCK còn "rớt mạng" (có dư luận cho là chủ ý) làm thiệt hại đến NĐT nhưng để có lợi cho mình và bây giờ đang đối diện với vụ kiện giữa Cty và NĐT là khách hàng thân thiết của họ.
Giảm sút lòng tin
Giá trị thật của 1 DN = giá trị hữu hình + giá trị vô hình. Nhiều CTCK trong thời gian TTCK tăng mạnh thu được lãi lớn, nhưng uy tín và lòng tin của NĐT vào họ lại đang giảm sút quá nhiều. Thiệt hại này nếu quy ra tiền không phải nhỏ.
Hiện nay, một số Cty đã và đang thực hiện việc khuyến cáo mang tính chất khách quan hơn trên báo chí (rõ nhất là HCM, SSI, VCBs) làm cơ sở cho việc gia tăng khách hàng tiềm năng trong thời gian tới khi nền kinh tế tăng tốc trở lại.
Tiếc rằng trước đây nhiều khuyến cáo của các CTCK đã làm cho NĐT mất niềm tin, nên nay nhiều người có xu hướng tin hơn vào các trang web CK và các diễn đàn, các nick (tên hiệu của một số NĐT phân tích, dự báo thị trường có uy tín) mà họ đã có thời gian thẩm định bởi sự bất vụ lợi hơn là tin vào các CTCK vừa làm chức năng tư vấn, vừa kinh doanh cạnh tranh với chính khách hàng mà họ tư vấn trong từng mã CK.
Đây chính là vấn đề mà các CTCK rồi sẽ nhìn nhận và giải quyết để giành thắng lợi trong cạnh tranh về uy tín nhằm gia tăng thị phần, gia tăng giá trị vô hình của DN trong tương lai.
Có thể số tiền nhiều chục tỉ đồng mà CTCK thu được hôm qua, hôm nay, không bù nổi mất mát về giá trị lòng tin có thể quy ra tiền ngày mai nếu họ tiếp tục tư vấn "lèo lái" thị trường theo ý đồ kiếm lời riêng cho Cty của mình.
Thanh Hoa
Lao Động
|