Thứ Tư, 05/08/2009 06:03

Dự báo một đằng, thị trường một nẻo

Đúng sai trong phân tích, dự báo... thị trường là chuyện thường xảy ra. Nói như các nhà đầu tư "nếu phân tích đúng, lấy đâu cổ phiếu cho nhà đầu tư cá nhân mua". Tuy nhiên, việc dự báo một đằng, chứng khoán đi một nẻo trong thời điểm vừa qua lại gây khá nhiều điều tiếng.

"Thành thật xin lỗi"

Cuối tháng 7, khi chứng khoán ào ạt tăng giá, VN-Index có lúc tưởng đã chạm ngưỡng 500 điểm, hàng loạt công ty chứng khoán (CTCK) đã cho thấy những phân tích kỹ thuật, nhận định về thị trường đều sai. Thậm chí, CTCK TP.HCM (HSC) còn nhận khuyết điểm: "Chúng tôi chợt nhận ra rằng mình đã quá bi quan ít nhất là trong ngắn hạn. Thị trường thực sự đã dạy chúng tôi một bài học khá hóc búa hôm 24.7. Thành thật xin lỗi về sự bi quan này".

Còn nhớ thời điểm đầu tháng 7, sau khi tăng nóng kéo dài, chứng khoán rơi vào tình trạng lình xình. Nhận định của hầu hết CTCK là nhà đầu tư cần chờ đợi cho đến khi xu hướng rõ ràng; nên giữ tiền mặt; thị trường chưa thích hợp để lướt sóng và cũng chưa rơi xuống điểm phù hợp cho đầu tư dài hạn... Những nhận định và khuyến cáo này khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân hoang mang theo và tạm ngưng giao dịch để theo dõi tình hình. Dòng tiền trên thị trường sụt giảm mạnh, đang từ ngưỡng trung bình 1.500 - 2.000 tỉ đồng/phiên với 45 - 50 triệu chứng khoán được giao dịch mỗi phiên, thị trường chỉ xoay quanh mức 30 triệu chứng khoán, giao dịch có phiên đã giảm xuống dưới 900 tỉ đồng. Tuy nhiên, có 2 đối tượng vẫn miệt mài mua vào là các nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức đầu tư. Khối ngoại thời điểm đó đã kéo dài chuỗi mua ròng trên 20 phiên với tổng giá trị khoảng 1.500 tỉ đồng - chuỗi mua ròng dài nhất từ đầu năm trở lại đây. Các nhà đầu tư tổ chức cũng ào ạt mua vào với khối lượng và giá trị lớn chứng khoán. Cuối cùng thì chứng khoán đã bật dậy ngoạn mục với các phiên tăng trần mạnh mẽ vào cuối tháng 7. Khối ngoại ngay lập tức xả hàng, chấm dứt chuỗi mua ròng kéo dài. Hàng loạt nhà đầu tư tổ chức cũng nhanh tay bán ra chứng khoán. Có thể nói, "con sóng" cuối tháng 7 là màn trình diễn của khối ngoại và nhà đầu tư tổ chức. Nhà đầu tư cá nhân trong nước, những người tạo sóng từ thời điểm cuối tháng 2 đến nay chỉ còn nước đứng nhìn và tiếc nuối.

Dựa vào mình là chính

Nhiều nhà đầu tư đã trở nên dè dặt hơn trước các phân tích phát ra từ các CTCK. Một số nhà đầu tư cá nhân cho rằng, sở dĩ "nghe theo" các khuyến cáo chờ đợi xu hướng rõ ràng trong thời gian qua là vì sợ "mất cả chì lẫn chài". Tâm lý chung của nhiều người là sợ đổ tiền vào rồi chôn vốn hoặc thua lỗ. Tạm ngưng một thời gian vừa bảo toàn vốn, vừa bảo toàn khoản lợi nhuận mới tạo ra.

Đặt vấn đề này với một chuyên gia tài chính tại TP.HCM, chuyên gia này đánh giá, với các phân tích kỹ thuật, phân tích xu hướng thị trường từ bên ngoài, nhà đầu tư chỉ nên xem để tham khảo chứ không nên dựa vào đó để ra quyết định. "Trước tiên phải xác định đầu tư dài hạn hay đầu tư cơ hội, từ đó mới lên danh mục phù hợp với tiêu chí đầu tư của mình. Đơn cử như nếu đầu tư cơ hội thì không cần tìm hiểu quá kỹ đến các chỉ số tài chính của cổ phiếu mà quan trọng nhất là dự đoán xu hướng tăng, giảm của cổ phiếu đó trong ngắn hạn; các thông tin có thể làm sốt giá, giảm giá cổ phiếu trong các phiên giao dịch sau đó... Còn đầu tư dài hạn thì phải tìm hiểu kỹ các thông số tài chính, tiềm năng tăng trưởng, dự án khả thi, mức độ hấp dẫn sau khi các dự án này đi vào hoạt động hay sinh lời... Nhà đầu tư phải có chiến lược và dự báo cho riêng mình chứ không nên phụ thuộc quá vào các phân tích bên ngoài", chuyên gia này nói.

Giám đốc một quỹ đầu tư tại TP.HCM thì cho rằng, các yếu tố kinh tế vĩ mô, sự biến động của chứng khoán thế giới, đặc biệt là những chính sách liên quan đến tiền tệ... là những vấn đề mà nhà đầu tư phải quan tâm. "Đây là những vấn đề liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các công ty. Tuy nhiên ở Việt Nam, rất nhiều nhà đầu tư vẫn còn quan điểm rằng, những vấn đề này còn ở xa lắm, không phải vấn đề của mình và không quan tâm nhiều. Đây là một sai lầm nếu chọn chứng khoán là một "nghề" thực sự", vị giám đốc này khẳng định.

Nguyên Hằng

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Cơ hội cho 6 tháng cuối năm (05/08/2009)

>   “Năng lực lõi” qua lăng kính quý II (04/08/2009)

>   Năm Bảy Bảy giải trình lợi nhuận quý 2 tăng đột biến (05/08/2009)

>   Casumina được chấp thuận niêm yết 25 triệu cổ phiếu (04/08/2009)

>   Tin giao dịch nội bộ của HDC, DDM, ABT, FBT ngày 4/8 (04/08/2009)

>   VFC: Giải tỏa hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu (04/08/2009)

>   FPC: Xin gia hạn BCTC soát xét Quý 2/2009 đến 31/8 (04/08/2009)

>   Cổ đông nội bộ đăng ký bán hơn 40,000 cổ phiếu VE1 và DTC (04/08/2009)

>   DCL: BCTC chi tiết hợp nhất đã soát xét quý II năm 2009 (04/08/2009)

>   VST: BCTC chi tiết hợp nhất đã soát xét quý II năm 2009 (04/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật