Thứ Ba, 04/08/2009 10:59

“Năng lực lõi” qua lăng kính quý II

Michael Porter - cha đẻ của chiến lược cạnh tranh hiện đại là người đầu tiên đưa ra khái niệm “năng lực lõi” khi bàn về quản trị chiến lược. Theo ông, một DN muốn thành công trong cạnh tranh cần phát triển dựa trên những thế mạnh và sở trường nhằm tận dụng cơ hội, vượt qua các thách thức.

Với kết quả kinh doanh khả quan của nhiều DN quý II, chắc hẳn đa số NĐT hài lòng. Tuy nhiên, xét đến lợi nhuận tạo ra từ ngành nghề chính tại một số DN, các tín hiệu không hoàn toàn tích cực.

Những sự khẳng định

Trong 6 tháng đầu năm 2009, con số lợi nhuận 1.047,7 tỷ đồng của CTCP Vinamilk có 164 tỷ đồng đến từ việc chuyển nhượng phần vốn góp của Vinamilk trong liên doanh bia Sab Miller, bao gồm 125 tỷ đồng hoàn nhập dự phòng, 13 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá và 26 tỷ đồng tiền lời. Trong trường hợp Vinamilk không có khoản thu nhập bất thường này, Công ty vẫn có sự tăng trưởng ấn tượng: lợi nhuận trước thuế 988,5 tỷ đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước. Việc chuyển nhượng vốn nêu trên của Vinamilk xuất phát từ thực tế Công ty tham gia liên doanh giống đầu tư tài chính hơn là thương hiệu: Bia Zorok không hề có bất cứ một thông tin nào liên quan đến Vinamilk.

Lý giải sự thành công của Vinamilk, báo cáo phân tích của CTCK Bản Việt viết: "Sự phát triển của Vinamilk là do Công ty định vị và cấu trúc lại cơ cấu nhãn hiệu, mạnh dạn cắt bỏ một số nhãn hiệu nhỏ, tập trung vào các nhóm sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao như sữa tươi và sữa bột… nhưng có chi phí nguyên vật liệu chỉ ở mức trung bình".

Trong bức tranh chung không mấy sáng sủa của ngành thủy sản, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) vẫn có sự tăng trưởng khá. Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Công ty đạt 58,1 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, VHC vươn lên là DN dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu cá tra và fillet. Dù chưa công bố báo cáo tài chính bán niên, nhưng tại buổi giao lưu ở CTCK Bảo Việt, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT VHC ước tính, lợi nhuận của Công ty đạt 78 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ, hoàn thành 70% kế hoạch năm.

Theo Bộ phận Phân tích CTCK HSC, VHC có chiến lược dài hạn tập trung vào chất lượng sản phẩm và tiếp cận đồng bộ trong kinh doanh: Công ty thiết lập hệ thống liên hoàn từ chăn nuôi đến chế biến, vùng nguyên liệu của VHC đang được mở rộng, hiện đáp ứng 30% sản lượng chế biến và có thể tăng lên 40% vào cuối năm nay; đầu tư khá lớn vào hệ thống kiểm soát chất lượng; được nhận chứng chỉ chất lượng vùng nuôi AquaGap (IMO, Thụy Sỹ) - sản phẩm của VHC có thể được phân phối vào hệ thống phân phối tại các nước phát triển với mức giá cao; là một trong số các công ty hiếm hoi hoàn toàn không đầu tư tài chính…

Xét về nhóm ngành, trong 6 tháng đầu năm nay, các công ty dược phẩm có mức tăng lợi nhuận đồng đều nhất. Các công ty trong ngành này có điểm chung là tập trung vào ngành nghề chính, không sa đà vào đầu tư tài chính hay bất động sản. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của CTCP Dược Hậu Giang (DHG) đạt 101 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ; CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) tăng 6,55%; CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC) tăng 37,69%; CTCP Dược Cửu Long (DCL) tăng 14,27%; CTCP Dược phẩm OPC (OPC) tăng 33,38%...

Chiến lược phát triển của các công ty dược được định hình và tỏ ra nhất quán bằng các dự án đang triển khai: Tháng 7, DHG khởi công xây dựng nhà máy dược phẩm mới tại Khu công nghiệp Trà Nóc - TP. Cần Thơ, cung cấp 4 tỷ đơn vị sản phẩm/năm; IMP vừa thành lập Công ty TNHH Remedica chuyên nghiên cứu bảo tồn và phát triển các loại dược liệu tại Đồng Tháp Mười và đang đẩy mạnh công tác xây dựng Nhà máy kháng sinh lỏng Cephalosporine, sẽ hoàn thành vào cuối năm nay; DCL xây dựng nhà máy sản xuất dụng cụ cao su y tế và dành 50 tỷ đồng phát triển hệ thống phân phối với 15 chi nhánh đạt tiêu chuẩn nhà thuốc tốt (GPP) trên toàn quốc…

Nhạt nhòa nhiều con số…

Trong số các DN niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý II, CTCP Cơ khí Điện Lữ Gia (LGC) có tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận thuộc hạng ấn tượng nhất: Lũy kế 6 tháng đầu năm, LGC đạt 9,966 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 1.065% so với cùng kỳ năm ngoái (300 triệu đồng)! Sở dĩ có sự đột biến này là do Công ty hạch toán lợi nhuận từ dự án Lữ Gia Plaza. Hiện tại, cao ốc mới xong phần tầng hầm, Công ty đang tổ chức đấu thầu xây dựng phần thân, nhưng theo quy định hiện hành, LGC có thể nhận tiền đặt cọc từ người mua. Lợi nhuận từ dự án bất động sản được LGC hạch toán phân bổ trong quý II là hơn 9,4 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất, kinh doanh chính của LGC chỉ khoảng 566 triệu đồng, chiếm 5,68%.

Tên gọi của CTCP Thủy sản số 4 (TS4) có thể đã "nói" chính xác ngành nghề kinh doanh của Công ty: TS4 thu mua, chế biến và xuất nhập khẩu các mặt hàng thủy sản, nông sản… Quý II/2009, TS4 đạt 7,218 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 267,14% so quý II/2008; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 7,751 tỷ đồng, tăng 124,77% so với cùng kỳ năm ngoái. Giống như LGC, hiệu quả kinh doanh của TS4 không đến từ ngành nghề lõi, có tới 7 tỷ đồng lợi nhuận đến từ bất động sản. Điều tương tự xảy ra ở CTCP Xuất nhập khẩu Khánh Hội (KHA), lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng 257,46% so cùng kỳ năm ngoái do trong KHA bán tiếp các căn hộ Chung cư Khánh Hội 2…

Năm 2009 là năm đặc biệt, nhiều DN gặp khó khăn do các tác động khách quan. Sẽ là khắt khe và không công bằng khi đánh giá thấp nỗ lực của nhiều DN hiện nay trong việc duy trì lợi nhuận làm hài lòng cổ đông. Tuy nhiên, việc khuếch đại lợi nhuận nhưng không định vị năng lực lõi có thể khiến một số DN đi theo vết xe đổ của TTCK khu vực hơn một thập kỷ về trước.

Ông King Yoong, Trưởng bộ phận Phân tích CTCK KimEng Việt Nam cho biết, tại TTCK Malaysia năm 1994 xuất hiện phong trào đầu tư đa ngành. Đến khi TTCK Malaysia chao đảo bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 thì các khiếm khuyết này bộc lộ. Sau đó, với các khoản đầu tư tài chính, đa phần các công ty phải chọn phương án bán lỗ, đến tận năm 2000 mới cơ bản giải quyết xong. Phong trào đầu tư đa ngành sau đó dần chấm dứt.

Giang Thanh

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Năm Bảy Bảy giải trình lợi nhuận quý 2 tăng đột biến (05/08/2009)

>   Casumina được chấp thuận niêm yết 25 triệu cổ phiếu (04/08/2009)

>   Tin giao dịch nội bộ của HDC, DDM, ABT, FBT ngày 4/8 (04/08/2009)

>   VFC: Giải tỏa hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu (04/08/2009)

>   FPC: Xin gia hạn BCTC soát xét Quý 2/2009 đến 31/8 (04/08/2009)

>   Cổ đông nội bộ đăng ký bán hơn 40,000 cổ phiếu VE1 và DTC (04/08/2009)

>   DCL: BCTC chi tiết hợp nhất đã soát xét quý II năm 2009 (04/08/2009)

>   VST: BCTC chi tiết hợp nhất đã soát xét quý II năm 2009 (04/08/2009)

>   Sẽ có thêm ngân hàng niêm yết trên HOSE (04/08/2009)

>   VHG: Báo cáo tài chính chi tiết quý II năm 2009 (04/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật