Kích cầu hàng Việt: Bắt đầu từ nhà phân phối
95% hàng bán trong siêu thị đều là hàng nội. Hàng loạt chương trình ủng hộ hàng Việt. Có thể thấy hàng nội đã có được ưu thế lớn tại các hệ thống siêu thị. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ cho rằng không phải các nhà bán lẻ o bế hàng Việt mà điều quan trọng là hàng Việt đã làm được một bước tiến lớn về quy mô sản xuất và chất lượng.
Hàng ngoại đang biến dần khỏi siêu thị
“Đến siêu thị chúng tôi, đa số người tiêu dùng chọn hàng nội địa, vì 95% các mặt hàng kinh doanh tại siêu thị đều là hàng nội. Các mặt hàng nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 5% tổng số mặt hàng kinh doanh là để thêm sự lựa chọn cho khách hàng”. đó là lời khẳng định của bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại Siêu thị Big C Việt Nam.
Không chỉ riêng Big C làm được điều đó mà với các nhà bán lẻ khác như Metro, Saigon Co.op... cũng khẳng định từ 90% đến 95% các mặt hàng kinh doanh tại đây đều là của doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op, cũng cho rằng: “Nhà phân phối nào cũng sẵn sàng làm một “bà đỡ” cho hàng nội địa nhưng với điều kiện các mặt hàng này phải đảm bảo chất lượng. Bởi đó là điều tiên quyết để người tiêu dùng chọn lựa”.
Chủ trương của Saigon Co.op trong thời gian tới sẽ hướng đến giảm lượng hàng nhập khẩu. Thay vào đó là đẩy mạnh bán hàng sản xuất trong nước. Ngoài ra, các siêu thị thuộc Co.op Mart tại các tỉnh, thành sẽ có nhiệm vụ đưa hàng Việt đến với các xã vùng sâu, vùng xa.
Hàng Việt không còn như xưa
Có thể thấy hàng nội đã có được ưu thế lớn tại các hệ thống siêu thị. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ cho rằng không phải các nhà bán lẻ o bế hàng Việt mà điều quan trọng là hàng Việt đã làm được một bước tiến lớn về quy mô sản xuất và chất lượng.
Trước đó, ngay từ những năm 1998, nhà bán lẻ ngoại Big C khi vào Việt Nam đã xác định tiêu chí là chủ yếu bán hàng trong nước. Nhưng những ngày đầu không phải họ đã thành công ngay với mục tiêu này bởi hàng Việt lúc đầu còn chưa phong phú.
Bà Dương Thị Quỳnh Trang cho biết: “Thời gian đầu kinh doanh siêu thị cũng gặp khó khăn. Vì những năm đó hàng Việt chưa được dồi dào như bây giờ, ngoài ra lại thêm rất nhiều yếu tố để việc kinh doanh không được dễ dàng. Ngày đó, mặc dù Big C có một đội thu mua chuyên nghiệp nhưng đội này vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi thu mua hàng nội. Phải đến chừng hai hoặc ba năm trở lại đây, nhờ vào bước tiến về quy mô sản xuất, chất lượng, mẫu mã... của hàng Việt Nam thì khâu thu mua mới được dễ dàng hơn”.
Bà Trang cũng cho rằng hiện hàng Việt rất phong phú. Các doanh nghiệp nội đã tiếp cận nhanh những công nghệ tiên tiến của thế giới, trang bị rất hiện đại. Chất lượng đều và cải thiện nhiều, quy mô sản xuất lớn.
Mặt khác, Metro cũng khẳng định sẽ tham gia vào quá trình tập huấn, đào tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, áp dụng các tiêu chuẩn của quốc tế... Với Big C, đây cũng là một đơn vị tham gia xuất khẩu đi các nước trên thế giới đối với một số mặt hàng sản xuất trong nước.
Nhà phân phối tác động đến thói quen mua sắm
Có thể nói hiện nay các nhà bán lẻ đều cho rằng văn hóa tiêu dùng tăng mua hàng nội của người Việt đã hình thành khá rõ nét.
Ví như ở Big C, trước đây tâm lý người Việt Nam rất lạ lẫm với đồ ăn như phô-mai, bơ, sữa... Nhưng hiện nay Big C đã có những quầy hàng bánh mì, bánh ngọt... Tất cả sản phẩm này đều được sản xuất ở Việt Nam theo công thức của nước ngoài.
Như vậy có thể thấy người tiêu dùng sẵn sàng ủng hộ những cái mới nếu nó đáp ứng được nhu cầu của họ. Từ đây, nếu doanh nghiệp trong nước nắm bắt được và luôn tạo ra sự mới mẻ về mẫu mã, sản phẩm thì sẽ tạo được sự ủng hộ từ phía người tiêu dùng.
Thói sính ngoại giảm dần
Cũng theo các nhà bán lẻ, tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng đã không còn nhiều. Tại các siêu thị, dù chủ yếu là hàng nội nhưng cũng có một số quầy hàng tỷ lệ hàng ngoại chiếm cao hơn hàng nội. Điển hình là đồ gia dụng trước đây người ta chỉ dùng hàng của Thái Lan, Trung Quốc... Mấy năm trở lại đây, người tiêu dùng có xu hướng chọn hàng nội nhiều hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa cũng nói thêm: “Nhà phân phối có vai trò tác động đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Bởi nếu một hệ thống phân phối nào đó ưu tiên ủng hộ hàng Việt thì thường trong các khâu kinh doanh sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất hiện. Cụ thể như tăng cường diện tích trưng bày hàng, tăng cường đặt hàng của các doanh nghiệp, tìm thêm các nhà sản xuất trong nước, tăng khâu quảng bá... Đây chính là cơ hội tốt cho hàng Việt xuất hiện trong thị trường, trước công chúng nhiều hơn”.
Tuy nhiên, vai trò của nhà phân phối để thay đổi thói quen tiêu dùng cần phải có sự hỗ trợ từ nhiều phía. Thứ nhất, bản thân nhà sản xuất phải nỗ lực để bảo đảm sự cạnh tranh về mẫu mã, kiểu dáng và quan trọng nhất là phải giữ ổn định chất lượng. Về phía nhà phân phối, phải có chính sách rõ ràng trong việc đặt hàng, đưa hàng, trưng bày, quảng bá....
Hàng loạt chương trình ủng hộ hàng Việt
Tháng 9, Saigon Co.op tổ chức chương trình “Tháng bán hàng Việt Nam chất lượng cao” với nhiều mức giảm mạnh. Thêm nữa, cũng trong tháng 9, tại TP.HCM sẽ có chương trình “Tháng khuyến mãi” nhằm xúc tiến thị trường nội địa. Trước đó, nhiều chương trình xúc tiến hàng Việt cũng được diễn ra như: Đưa hàng Việt về nông thôn của Bộ Công thương, đẩy mạnh bán hàng Việt qua Campuchia do UBND TP.HCM tổ chức...
Cần một hệ thống phân phối quy mô lớn hơn
Tại các siêu thị, hàng Việt đã có mặt nhiều nhưng còn ở các mô hình phân phối truyền thống như chợ. các điểm bán lẻ nhỏ... thì hàng Việt lại chưa tiến sâu được. Vì vậy, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp nội cần đưa ra những chính sách phát triển hệ thống phân phối một cách rộng rãi hơn nữa. Thêm nữa, chính ngay những tiểu thương, đại lý cũng nên làm hệ thống phân phối cho các mặt hàng đảm bảo chất lượng, xuất xứ rõ ràng. Có làm được điều này thì hàng Việt mới có cơ hội đến tận tay người Việt.
Mai Phương - Bùi Nhơn
Pháp luật
|