IMF bơm 250 tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu
Quyết định phân bổ khoản vốn tương đương 250 tỷ USD Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF nhằm thúc đẩy thương mại thế giới đã bắt đầu có hiệu lực cuối tuần qua.
Nhằm tăng thêm nguồn dự trữ ngoại tệ của các nước thành viên, sau khi hoàn tất đợt phân bổ vốn nói trên trên, IMF sẽ tiến hành một đợt phân bổ vốn khác, song có quy mô nhỏ hơn nhiều, chỉ hơn hơn 33 tỷ USD, vào ngày 9/9. Với hai đợt phân bổ vốn có tổng giá trị lên tới 283 tỷ USD, khoản vốn SDR chưa được giải quyết sẽ tăng gần 10 lần lên tổng cộng khoảng 316 tỷ USD.
SDR không phải là tiền giấy hoặc tiền xu, nhưng đang thật sự đóng vai trò như là một tài sản dự trữ quốc tế sinh lời. IMF cho biết việc phân bổ vốn SDR sẽ giúp tăng dự trữ ngoại tệ của các nước thành viên bởi vì SDR có thể chuyển đổi thành các đồng tiền mạnh, như đồng USD, euro, yên hoặc bảng Anh, thông qua các thoả thuận trao đổi tự nguyện giữa các nước thành viên IMF. Một số nước trong IMF hiện đã tự nguyện xây dựng cơ chế trao đổi, điều sẽ tạo điều kiện cho việc mua bán SDR.
IMF cho biết quyết định phân bổ vốn SDR nói trên là nhằm đáp ứng lời kêu gọi của Nhóm 20 nước công nghiệp và đang nổi hàng đầu thế giới. Tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại London hồi tháng 4/09, các nước G20 đã kêu gọi phân bổ 250 tỷ USD vốn SDR, và đề xuất này đã được Ban Thống đốc của IMF thông qua vào ngày 7/8, sau đó bắt đầu có hiệu lực từ ngày 28/8. Việc phân bổ vốn này là dựa trên nhu cầu lâu dài hạn của thế giới nhằm bổ sung tài sản dự trữ hiện có của các nước thành viên IMF và nâng cao tính thanh khoản trong hệ thống kinh tế toàn cầu. Giám đốc Đối ngoại của IMF, Caroline Atkinson, cho viết việc phân bổ SDR đóng một phần quan trọng trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng toàn cầu, đồng thời biểu thị cho giá trị của sự hợp tác đa phương.
Mức phân bổ vốn SDR là phần trăm hạn ngạch vốn đóng góp của một nước thành viên, trong đó tất cả các nước tham gia nhận được một tỷ lệ như nhau. Hạn ngạch vốn góp của một nước thành viên chủ yếu dựa trên quy mô tương xứng trong nền kinh tế thế giới và quyết định cả số tiền đóng góp lẫn quyền biểu quyết trong IMF. Hạn ngạch vốn góp của một nước cũng có mối liên hệ tới khả năng tiếp cận của nước đó tới nguồn tài chính của IMF.
Tổng cộng sẽ có khoảng 110 tỷ USD vốn SDR được phân bổ cho các nước đang phát triển và các thị trường đang nổi, trong đó các nước thu nhập thấp sẽ nhận được hơn 20 tỷ USD. Nhiều trong số các nước này đang gặp khó khăn trong việc đưa ra các quyết định chi tiêu để đối phó với những tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu. Đối với các nước này, phân bổ SDR đồng nghĩa với sự tiếp cận tiềm năng tới nguồn tài chính vô điều kiện, vốn có thể giúp giảm bớt nhu cầu điều chỉnh thông qua các chính sách suy giảm (giảm cung tiền để kiềm chế đà tăng trưởng kinh tế) và cho phép mở rộng quy mô các chính sách phản chu kỳ (kiềm chế khi kinh tế tăng trưởng nóng và thúc đẩy tăng trưởng khi kinh tế suy giảm) trong bối cảnh suy thoái và lạm phát tăng cao.
Khủng hoảng tài chính gây thiệt 10.000 tỷ USD cho kinh tế thế giới
Báo "Thế giới" của Đức dẫn báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Thương mại nước này, ước tính tới cuối năm nay cuộc khủng hoảng tài chính sẽ gây thiệt hại 10.000 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới và tính ra mỗi người dân sẽ thiệt hại 1.500 USD.
Theo ông Jörg Krämer, Giám đốc kinh tế của Ngân hàng thương mại Đức, thua lỗ của lĩnh vực ngân hàng là 1.600 tỷ USD do các khoản nợ khó đòi được và do phá sản và của lĩnh vực bất động sản ở Mỹ và Anh là 4.650 tỷ USD; thiệt hại đối với nền kinh tế thế giới do khủng hoảng tài chính trong hai năm qua là 4.200 tỷ USD. Riêng với Đức, khủng hoảng tài chính đã gây thiệt hại cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu này 474 tỷ USD.
Ông Jörg Krämer lưu ý "dư chấn" của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới sẽ còn tiếp tục tác động xấu và kìm hãm tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Hệ thống tài chính thế giới còn tiếp tục có những khoản nợ xấu, mà Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính vào khoảng 4.000 tỷ USD vào cuối năm 2010.
Tuy nhiên, ông Jörg Krämer tỏ ra lạc quan vì giá nhà ở tại Mỹ không xuống thấp nữa; các ngân hàng đã tiếp nhận những khoản vốn mới tới 1.300 tỷ USD và nhất là kinh tế quốc dân thế giới đã có những dấu hiệu phục hồi.
VOV
|