EU đối phó với tình trạng thâm thủng ngân sách: Tiến thoái lưỡng nan
Mặc dù những số liệu mới được công bố gần đây cho thấy, nền kinh tế châu Âu đã có nhiều chuyển biến đáng kể từ thời điểm trượt dốc cuối năm 2008, nhưng trên thực tế, các quốc gia thuộc khu vực này vẫn phải vật lộn để chống lại tình trạng thâm thủng ngân sách.
Theo Thời báo Niu Yoóc, trong quý II-2009, kinh tế 27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) suy giảm 0,3%, tăng trưởng âm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực sử dụng đồng ơ-rô gồm 16 nước suy giảm 0,1%, tương đương với mức giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Những số liệu mới này đã khả quan hơn nhiều so với quý I-2009, khi cả EU lẫn khu vực các nước sử dụng đồng ơ-rô đều suy thoái với tốc độ 2,5%. Đặc biệt, dấu hiệu tích cực là từ Đức và Pháp, hai nền kinh tế lớn nhất của EU bất ngờ tăng trưởng vào quý II khiến khu vực này có những dấu hiệu thoát khỏi suy thoái sớm hơn dự đoán. Một tổng hợp mới nhất từ EU được công bố trong kỳ nghỉ cuối tuần này cho biết, trong tháng 7 vừa qua, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp tại 16 nước sử dụng đồng ơ-rô đã tăng hơn 4%. Đây là dấu hiệu lạc quan mà EU chờ đợi suốt 8 tháng qua. Hai "gã khổng lồ" khác của khu vực là Anh và I-ta-li-a, dù chưa thoát khỏi suy thoái nhưng cũng đã có những bước phục hồi đáng kể.
Song, các nhà nghiên cứu cho rằng, châu Âu chưa nên quá lạc quan, vì trước mắt kinh tế của các nước trong khu vực này chưa thể phục hồi nhanh chóng, thậm chí có thể chững lại vào đầu năm 2010 khi phải đối phó với những biện pháp của hệ thống ngân hàng và tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh. Bên cạnh đó, thâm thủng ngân sách vẫn là một cản trở lớn đối với quá trình hồi phục kinh tế của các quốc gia châu Âu.
Bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của khủng hoảng kinh tế, EU đã chìm sâu vào tình trạng suy thoái kéo dài, khiến nhiều chính phủ phải chi hàng tỷ ơ-rô để tạo đà tăng trưởng. Việc tăng chi tiêu công, trong khi tiền thu thuế sụt giảm ở thời điểm khó khăn, mức thâm hụt trung bình của EU dự kiến tăng hơn gấp đôi trong năm 2009, lên 4,5%, so với 2% năm 2008. Trong đó, có tới 12/27 quốc gia EU sẽ bị thâm hụt ngân sách trên 3% GDP - mức tối đa được phép theo các quy định ở điều kiện thông thường của EU. Ngay cả các nền kinh tế trụ cột của châu lục như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ai-len cũng không tránh khỏi tình trạng này. Mức độ thâm hụt thậm chí còn tồi tệ hơn ở khu vực các nước thành viên mới của EU như Ba Lan (8%), Ru-ma-ni (12%), Bun-ga-ri (21%)... Điều này sẽ cản trở quá trình hồi phục và dẫn đến sự chênh lệch kinh tế giữa các nước Đông Âu và Tây Âu ngày càng nới rộng.
Trước tình trạng này, Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu các nước thực hiện biện pháp khẩn cấp để giữ mức thâm hụt ngân sách không vượt ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến thâm hụt ngân sách tiếp tục tăng là do thu thuế giảm. Trong khi đó, các khoản chi xã hội (y tế, thất nghiệp...) không ngừng leo thang, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi hàng loạt công ty phá sản đẩy tỷ lệ người lao động không có việc làm lên cao. Hiện tại, chính phủ các nước châu Âu đang phải đứng trước tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan". Nếu tăng thu thuế để cải thiện ngân sách sẽ đồng nghĩa với việc tạo thêm áp lực cho các doanh nghiệp vốn đang gặp khó khăn do tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng. Còn nếu thiếu hụt ngân sách, kế hoạch đối phó với khủng hoảng kinh tế, bảo đảm sự tăng trưởng và đầu tư sẽ không thể thực hiện một cách hiệu quả. Đây là lý do tại sao nhiều nước châu Âu còn do dự chưa tung ra một kế hoạch kích thích tài chính mới để kích cầu nội địa.
Trong các cuộc họp gần đây, lãnh đạo các nước EU đã kêu gọi củng cố hệ thống tài chính công nhằm ngăn chặn tình trạng thâm hụt ngân sách gia tăng. Thế nhưng, dù biện pháp này có mang lại hiệu quả thì cũng chưa thể giúp các nước châu Âu cải thiện được ngân sách một cách nhanh chóng. Tóm lại, vấn đề thâm thủng ngân sách sẽ còn tiếp tục khiến các nhà lãnh đạo cựu lục địa phải đau đầu.
Quỳnh Chi
Hà Nội Mới
|