Thứ Năm, 06/08/2009 15:06

Hậu quả nào khi khai thác bể than sông Hồng?

Bể than đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) được các nhà địa chất dự báo có trữ lượng tới 210 tỉ tấn (gấp khoảng 30 lần bể than Quảng Ninh), có diện tích trải dài khoảng 2.500km 2, bao trùm các tỉnh: Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, vẫn nằm yên trong lòng đất. Do nhu cầu tiêu thụ than, tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (TKV) đã thành lập công ty Năng lượng sông Hồng để tiến hành các hoạt động thử nghiệm công nghệ, thăm dò trữ lượng bể than này. Trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Tiếp Thị, tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, giám đốc công ty Năng lượng sông Hồng, cho biết:

Nguồn cung ứng than hiện có đang tiến dần đến giới hạn. Cung cầu than đã mất cân đối. Bể than Quảng Ninh không còn đủ, thì chỉ còn cách nhập than mà thôi. Theo tính toán, sau năm 2025, cung than chỉ bằng một nửa cầu. Tất cả các dự án nhà máy nhiệt điện chạy than hiện nay đều trông vào than Quảng Ninh. Vừa qua, các tập đoàn điện lực, dầu khí đã đi đàm phán tìm nguồn nhập khẩu, nhưng đều thấy khả năng nhập được là rất khó. Chưa có chỗ nào họ đảm bảo cung cấp than cho mình cả, nhất là đảm bảo ổn định 30 – 40 năm. Trong khi đó, ta có một bể than lớn ở ĐBSH như vậy, nên tập đoàn TKV đặt vấn đề phát triển bể than này.

TKV đã tiến hành thăm dò? Thông tin trữ lượng 200 – 210 tỉ tấn ở bể than này có căn cứ không, thưa ông?

Công tác khoan thăm dò địa chất của mình còn rất sơ sài. Mới khởi đầu một ít ở Hưng Yên, chứ Thái Bình và Nam Định chưa có lỗ khoan nào cả. Thực ra, 200 hay 210 tỉ tấn chỉ là tài nguyên dự báo. Đó là các nhà địa chất họ đánh giá. Nếu chuyển được 1/3 số đó, tức là khoảng 65 tỉ là hạnh phúc lắm rồi. Nhưng muốn biến tài nguyên thành trữ lượng, thì phải khoan thăm dò thêm. Từ trước đến nay, ta có khoảng 100 lỗ khoan thăm dò về than, nhưng vẫn là quá ít. Nhu cầu khoan cần khoảng hơn 4.100 lỗ. Khả năng có than là có, nhưng công nghệ khai thác thế nào phải thử nghiệm.

Bể than ĐBSH nằm trọn trong một vùng đất nông nghiệp trù phú, đông dân cư và nhiều công trình xây dựng, kiến trúc lớn… Việc thăm dò, khai thác sẽ không tránh khỏi có những tác động lớn?

Về mặt lý thuyết, công nghệ ngày nay cho phép khai thác được mà vẫn đảm bảo hạn chế những tác động tiêu cực về môi trường, xã hội... Nhưng thực tế thế nào, vẫn phải thử nghiệm, nên yêu cầu cao nhất hiện nay là: thử nghiệm để xác định xem công nghệ nào thì khai thác được. Thủ tướng đã giao cho TKV thử nghiệm công nghệ và thăm dò. Có hai loại hình công nghệ có thể áp dụng vào đây là: công nghệ khai thác hầm lò và công nghệ khí hoá than ngầm. Khai thác hầm lò thì giống như ở Quảng Ninh, nhưng sâu hơn và khó hơn. Quảng Ninh có thể làm hầm đi ngang vào, nhưng ở đây phải làm giếng đứng lên. Nông nhất cũng 150m. Công nghệ khai thác khí hoá than nhiều nước đã áp dụng thành công nhưng mới mẻ với Việt Nam!

Nhiều ý kiến đang nghiêng về công nghệ khí hoá than?

Các nước trên thế giới coi trọng công nghệ này, đặc biệt Ấn Độ đang triển khai, nếu thành công, họ đưa vào khai thác hàng chục tỉ tấn. Ở Úc, tháng 4 năm nay họ đã khởi công một dự án khí hoá than ngầm kết hợp với sản xuất dầu diesel. Nhưng môi trường trong khai thác than cần phải quan tâm trước. Môi trường ở đây là liên quan đến đất canh tác, đất trồng lúa, đất thổ cư, tức là phải giữ được quỹ đất bên trên, không ảnh hưởng.

Vấn đề không làm biến dạng mặt đất là cái phải quan tâm, vì nếu không, nó ảnh hưởng cả đến nước, nước mặt, nước ngầm là những vấn đề cực kỳ khó. Việc khoan thăm dò hiện nay cũng là tiền đề để đánh giá tác động về môi trường. Mỗi loại công nghệ có nhiều phương án khác nhau để tránh ảnh hưởng tới mặt đất. Hiện nay mới làm thủ tục để triển khai, công ty mới ký các hợp đồng liên doanh với các đối tác như Trung Quốc, Úc, Mỹ, Nhật.

Đây là dự án đặc biệt lớn, nên sẽ phải trình Quốc hội thông qua về chủ trương và kế hoạch triển khai?

Chắc chắn là phải làm, vì đây không chỉ là dự án có quy mô lớn, mà cả tính chất phức tạp của nó. Phức tạp về khoa học công nghệ, về môi trường, sinh thái… địa bàn triển khai lại quá rộng. Nên phải có đề án, đề án thông qua lại phải có quy hoạch chi tiết và đánh giá tác động môi trường. Đề án đã được trình lên Thủ tướng và Thủ tướng giao cho bộ Công thương thẩm định. Sau đó, Chính phủ sẽ trình ra uỷ ban Thường vụ Quốc hội, rồi khi có báo cáo chi tiết, các đánh giá tác động về môi trường, thì trình ra Quốc hội. Song song với quá trình ấy, phải triển khai khoan thăm dò, thử nghiệm công nghệ. Chính phủ mong muốn hai khâu này xong sớm, nếu không, đề án chỉ nằm trên giấy.

Hiện nay đề án đã gửi đi lấy ý kiến đánh giá, góp ý của các bộ ngành. Vậy ý kiến chung của các bộ như thế nào?

Phần lớn các bộ đã có ý kiến rồi. Về sự cần thiết, các bộ đều đồng ý, nhưng ý kiến chung đều xoay quanh vấn đề bảo vệ mặt đất và nguồn nước, lúa cho ĐBSH, lựa chọn giữa an ninh lương thực và an ninh năng lượng thế nào. Trong đề án, tập đoàn TKV – chủ đầu tư cũng đã có ý thức, đề cập sâu cái đấy, để sau này, có các phương án chi tiết hơn. Diện tích chiếm đất trồng lúa trong vùng dự án sẽ không đáng kể, sợ nhất là nó ảnh hưởng đến nước và gây lún sụt mặt đất.

Trong các đối tác mà TKV đã ký kết văn bản hợp tác cho việc khoan, thăm dò, những đối tác nào sẽ được ưu tiên lựa chọn mời tham gia?

Đang để ngỏ hết tất cả. Chúng tôi làm việc với tất cả các đối tác Mỹ, Úc, Nhật, Ba Lan, Trung Quốc… vì vùng bể than rất rộng, bao nhiêu đối tác cũng không đủ. Mỗi đối tác có thế mạnh riêng như Úc rất mạnh về công nghệ khí hoá than ngầm, cả về tài chính; Ba Lan có một tập đoàn rất mạnh về công nghệ khai thác hầm lò. Đặc biệt Trung Quốc có khả năng khai thác đến 3 tỉ tấn/năm – 90% bằng khai thác hầm lò, công nghệ khai thác của họ tương đối đa dạng, nên chúng tôi có mời tham gia thăm dò, khai thác bể than ĐBSH.

TKV đã mời cơ quan phản biện nào cho đề án? Những ý kiến phản biện đề án này trong dư luận, giới nghiên cứu… sẽ gay gắt như dự án khai thác bauxite?

TKV đã mời trường đại học Mỏ địa chất và hội liên hiệp Khoa học kỹ thuật Việt Nam để phản biện cho đề án. Tôi không cho là những ý kiến phản biện sẽ gay gắt về môi trường như dự án bauxite. Nhưng có thể sẽ có nhiều ý kiến về công nghệ khai thác.

Mạnh Quân

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   Xây dựng tiêu chuẩn nuôi cá tra, basa toàn cầu (06/08/2009)

>   Con cá, bó rau và miếng bánh bán lẻ (06/08/2009)

>   Quy hoạch bến tàu khách quốc tế 50.000GRT trên sông Nhà Bè (06/08/2009)

>   Đẩy mạnh xuất khẩu dệt may sang Nhật (06/08/2009)

>   Năm 2009: Xuất khẩu sẽ không đạt mục tiêu? (06/08/2009)

>   Ông lớn di động "lo ngại" Beeline (06/08/2009)

>   Bổ sung KCN Tân Phú Thạnh vào quy hoạch các KCN Việt Nam (06/08/2009)

>   Bất đối xứng thông tin - giải quyết ra sao? (06/08/2009)

>   Nỗi lo thiếu nguồn lao động (06/08/2009)

>   Thanh long "đắt hàng" đi Trung Quốc, Nhật Bản (06/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật